Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho rằng hiện nay trên địa bàn TP cơ bản không còn tình trạng “xe dù” bởi 86/86 điểm hoạt động đón, trả khách đã khảo sát có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…

TP.HCM không còn tình trạng 'xe dù, bến cóc'?

Phan Diệu | 11/02/2017, 10:44

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho rằng hiện nay trên địa bàn TP cơ bản không còn tình trạng “xe dù” bởi 86/86 điểm hoạt động đón, trả khách đã khảo sát có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…

Chiều 10.2, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức sơ kết công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, cập nhật hoạt động các điểm đón, trả khách trên địa bàn TP.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.HCM có 86 điểm hoạt động đón, trả khách. Về pháp lý hoạt động, 86/86 điểm có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 82/86 điểm có giấy phép kinh doanh vận tải.

Về loại hình hoạt động, có 25/86 điểm hoạt động tuyến cố định, 22/86 điểm hoạt động theo hợp đồng, 37/86 điểm hoạt động theo tuyến cố định và hợp đồng, 2/86 điểm hoạt động bãi giữ xe ô tô. Hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định có kê khai và niêm yết giá cước theo quy định.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP, trong hoạt động đón, trả khách có 42/86 điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; 44/86 điểm không đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Về tình trạng “xe dù, bến cóc”, Sở GTVT TP cho rằng hiện nay trên địa bàn TP cơ bản không còn tình trạng “xe dù” bởi 86/86 điểm hoạt động đón, trả khách đã khảo sát có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…

Do đó, phương tiện của các đơn vị này được hoạt động theo loại hình vận tải hành khách được cấp giấy phép. Mặt khác, người dân hiện nay có nhu cầu di chuyển cũng lựa chọn các đơn vị (hãng xe) có thương hiệu. Vì vậy, tại TP.HCM, tình trạng “xe dù” đã không còn tồn tại như trước đây.

Về tình trạng “bến cóc”, Sở GTVT nói rằng về cơ bản TP đã hạn chế đến mức thấp nhất. Trước đó, qua đợt kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện 3 điểm đón trả khách vừa phát sinh trong năm 2017 và đãtiến hành xử phạt, đồng thời yêu cầu chấm dứt hoạt động vận tải cho đến khi có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT TP đề nghị Sở GTVT TP lắp camera giám sát tại các vị trí thường xuyên có xe đón, trả khách và trang bị các công cụ kiểm tra. Đặc biệt là nên đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm nhiều lần; xem xét lại việc cấp phép kinh doanh, chú ý điều kiện hoạt động, trước khi cấp phép cần có sự phối hợp, trao đổi với quận huyện…

Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường lại yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp quản lý phù hợp không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn. Trong thời gian tới, các đơn vị phải tiếp tục kiểm tra theo phương án kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, xử phạt đối với các trường hợp đón, trả khách không đúng quy định.

Trong một diễn biến khác, cho rằng việc xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” thời gian qua chưa tạo sự chuyển biến tích cực, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mới đây đã giao trách nhiệm trực tiếp cho lãnh đạo các quận huyện phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm tình trạng này.

Cụ thể,ông Nguyễn Thành Phong giao Chủ tịch UBND các quận huyện phối hợp với Sở GTVT, Công an TP chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm ra, rà soát xử lý dứt điểm tình trạng này và báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 28.2.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng yêu cầu Sở GTVT tham mưu, kiến nghị HĐND TP thông qua nghị quyết một số nhóm giải pháp đặc thù nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải thuộc trách nhiệm quản lý của TP.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM không còn tình trạng 'xe dù, bến cóc'?