TP.HCM hiện có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 và đã có nhiều chung cư bị hư hỏng nặng cần phải được xây dựng lại.

TP.HCM: Khoảng 200 chung cư cũ hư hỏng nặng cần được xây mới

Phan Diệu | 20/05/2016, 05:09

TP.HCM hiện có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 và đã có nhiều chung cư bị hư hỏng nặng cần phải được xây dựng lại.

Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM tại hội thảo “TP.HCM và Khát vọng vươn lên” tổ chức ngày 19.5tại TP.HCM.

Theo ông Châu, hiện nay, TP.HCM có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 và đã có nhiều chung cư bị hư hỏng nặng cần phải được xây dựng lại. Điển hình là việc xây dựng và tái định cư chung cư Nguyễn Kim, chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa.

Trong khi chung cư cũ bị hư hỏng nặng thì TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân với hơn 1,8 triệu hộ gia đình, với gần 3 triệu người nhập cư. Thành phố cũng có một bộ phận không nhỏ trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, nhất là ngành giáo dục, y tế và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm. Chưa kể, còn có hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng.

Vì vậy, nhu cầu về cải thiện nhà ở, thuê nhà, tạo lập nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền là rất cần thiết.

Để cải thiện tình trạng này, ông Châu nói rằng thành phố cần có cơ chế và chính sách thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án chỉnh trang các khu chung cư cũ, chỉnh trang theo từng ô phố, khối phố để phát triển các khu nhà cao tầng, tăng thêm cây xanh, đường giao thông và độ thông thoáng trên mặt đất đảm bảo quyền lợi của cư dân trong các khu vực được chỉnh trang.

Được biết, Chính phủ từng ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc quy hoạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng sẽ có tác động rất tích cực. Không những vậy, UBND cấp tỉnh quyết định việc cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình... sẽ giúp làm tăng diện tích sàn xây dựng, diện tích căn hộ.

Tuy nhiên, ông Châu nói rằng quy định này chưa đủ, chưa khả thi vì hiệu quả kinh doanh vẫn bị hạn chế, khó thu hồi vốn đầu tư vì còn thiếu yếu tố về chỉ tiêu dân số để có thể tăng số căn hộ hợp lý giúp nhà đầu tư thu hồi vốn (với lợi nhuận định mức 10%).

Nghị định này cũng quy định trường hợp căn hộ có từ 2 sổ hộ khẩu trở lên thì chủ sở hữu được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận. Thế nhưng, HoREA nói do chủ sở hữu nhà chung cư là bên yếu thế so với chủ đầu tư nên Hiệp hội đề nghị bổ sung vào Thông tư quy định giá bán căn hộ mua thêm theo giá kinh doanh phải được xác định ngay từ đầu trong dự án xây dựng lại chung cư, để tránh trường hợp sau này chủ đầu tư đẩy giá bán lên quá cao, ngoài sức chịu đựng của người dân.

Theo đề nghị của HoREA, cuối tháng 3.2016, Bộ Xây dựng đã dự thảo Thông tư hướng dẫn, tại khoản 1 điều 5 đã bổ sung chỉ tiêu dân số khi lập dự án đầu tư xây dựng lại chung cư hư hỏng nặng.

Về phương thức kêu gọi đầu tư, Hiệp hội đề nghị cho phép thực hiện dự án chỉnh trang xây dựng chung cư cũ theo hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc phương thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT), nhà đầu tư được thanh toán bằng giá trị căn hộ và phần diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ trong chung cư sau khi hoàn thành xây dựng.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư, UBND TP.HCM sớm ban hành quy chế về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng nặng để tạo điều kiện xã hội hóa thu hút nhiều nguồn lực và ổn định an cư cho cư dân đang sống tại các chung cư cũ.

Phan Diệu

Ảnh: Chung cư cũ hư hỏng nặng trên đường Trần Hưng Đạo (Ảnh:PD).
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Khoảng 200 chung cư cũ hư hỏng nặng cần được xây mới