Toàn TP.HCM có 310 trạm y tế, nhưng hiện đang còn thiếu đến 85 trưởng trạm y tế và 130 phó trưởng trạm y tế.

TP.HCM: Gần 100 trạm y tế đang trong tình trạng “rắn mất đầu”

Hồ Quang | 12/01/2022, 20:35

Toàn TP.HCM có 310 trạm y tế, nhưng hiện đang còn thiếu đến 85 trưởng trạm y tế và 130 phó trưởng trạm y tế.

Thông tin trên được cho biết tại “Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022” của Sở Y tế TP.HCM vào chiều nay (12.1.2022).

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay hệ thống y tế cơ sơ trên địa bàn TP có 19 bệnh viện đa khoa quận huyện và TP.Thủ Đức, 22 trung tâm y tế quận huyện và TP.Thủ Đức và 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Hệ thống y tế cơ sở hiện nay đang thiếu trầm trọng về nguồn nhân lực, nhân viên y tế bị quá tải. Chức năng và nhiệm vụ của y tế cơ sở là rất nhiều, nào là quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu cho người dân… để góp phần hạn chế người nhập viện cũng như giảm quá tải bệnh viện.

tphcm-gan-100-tram-y-te-dang-trong-tinh-trang-ran-mat-dau-hinh-anh-1(1).png
Các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực cũng như chất lượng - Ảnh: PV 

Dù trạm y tế đóng vai trò là “người gác cổng”, nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, đang làm một nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay định mức số lượng người làm việc tại trạm y tế không đảm bảo nhu cầu theo dân số.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, hiện nay nhiều phường của TP có hơn 50.000 dân, thậm chí có đến hơn 100.000 dân nhưng chỉ bố trí tối đa 10 biên chế. Điều này khiến nhân viên y tế ở đây phải kiêm nhiệm nhiều chương trình sức khỏe, bác sĩ tại trạm y tế vừa phải làm công tác điều hành, quản lý trạm y tế vừa khám, chữa bệnh.

Điều đáng nói hơn, y tế tuyến cơ sở đang thiếu rất nhiều vị trí lãnh đạo. Thiếu nhiều vị trí lãnh đạo quản lý ở trạm y tế; lãnh đạo các khoa, phòng ở các trung tâm y tế. Cụ thể, trong số 310 trạm y tế trên địa bàn TP hiện nay có đến 85 trạm y tế không có trưởng trạm và thiếu 130 phó trưởng trạm; còn lãnh đạo trưởng các khoa, phòng của trung tâm y tế đang thiếu 82 người, phó trưởng các khoa phòng đang thiếu 163 người.

“Việc thiếu người lãnh đạo trên, là do chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước”, một lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết.

Bên cạnh đó, hiện nay cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao ở trạm y tế còn thấp. Trong số 2.222 cán bộ y tế ở các trạm y tế chỉ có 35% có trình độ đại học và sau đại học, 19% có trình độ cao đẳng, 46% có trình độ trung cấp và sơ cấp.

Sở Y tế TP cho rằng để có nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân thì phải có giải pháp đồng bộ, vừa đào tạo, thu hút, đãi ngộ, vừa giữ chân nhân viên y tế tuyến cơ sở an tâm công tác để nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở, nhằm tạo niềm tin của người dân với y tế cơ sở. Đồng thời phải có chính sách phối hợp giữa y tế cơ sở với tuyến trên, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên khoa đầu ngành.

Theo đó, TP sẽ tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu cho nhân viên y tế tại trạm y tế; củng cố nhân lực quản lý y tế cơ sở và huy động, đào tạo nâng cao chất lượng các nguồn lực sẵn trong công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Để thực hiện những điều trên, Sở Y tế đề xuất UBND TP bổ sung biên chế cho Trạm Y tế phù hợp với quy mô và mật độ dân số trên địa bàn phường, xã, thị trấn. Đồng thời, triển khai đề án thí điểm xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số.

Triển khai chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế đối với bác sĩ mới tốt nghiệp. Đồng thời áp dụng tương tự cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên mới tốt nghiệp với thời gian thực hành là 9 tháng tại trạm y tế.

Huy động nhân lực cho trạm y tế từ mọi nguồn lực bằng cách ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động cao tuổi (bác sĩ, chuyên môn y tế khác), nhân viên không có chuyên môn y tế (hành chính, công nghệ thông tin), nhân viên vệ sinh, bảo vệ từ nguồn ngân sách của thành phố, với mức lương thỏa đáng.

Đối với chính sách giữ chân nhân viên y tế tại trạm y tế, Sở Y tế kiến nghị UBND TP áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù đối với viên chức tại trạm y tế theo mức tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ để giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại trạm y tế.

Sở Y tế cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép TP thí điểm chuyển trạm y tế phường, xã, thị trấn, trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về UBND quận, huyện quản lý; quy định thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề phải có thời gian thực hành tại y tế cơ sở; ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế tại trạm y tế…

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Gần 100 trạm y tế đang trong tình trạng “rắn mất đầu”