Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở TP.HCM không chỉ giúp công tác khám, chữa bệnh hiệu quả hơn mà còn giải quyết được những tình huống khó khăn, đặc biệt là đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

TP.HCM đưa ra 3 thông điệp trong chuyển đổi số của ngành y tế

Hồ Quang | 18/12/2022, 19:37

Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở TP.HCM không chỉ giúp công tác khám, chữa bệnh hiệu quả hơn mà còn giải quyết được những tình huống khó khăn, đặc biệt là đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Năm 2023 sẽ khởi động 2 hoạt động trọng tâm trong chuyển đổi số

Nhắc đến công tác chuyển đổi số của ngành y tế TP.HCM, không thể không nhắc đến sản phẩm “Hệ thống quản lý người bệnh COVID-19 của Sở Y tế TP.HCM” ra mắt vào đầu tháng 3.2022.

tphcm-dua-ra-3-thong-diep-trong-chuyen-doi-so-cua-nganh-y-te-hinh-anh(1).png
Máy X-quang kỹ thuật số được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - Ảnh: PV

Tại thời điểm này, mỗi ngày có hàng nghìn trường hợp đến các trạm y tế để chờ khai báo đã mắc F0 và cũng hàng nghìn trường hợp chờ nhận giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Nhờ công cụ chuyển đổi số với sản phẩm: “Hệ thống quản lý người bệnh COVID-19” đã giúp TP giải quyết triệt để tình trạng ứ đọng người bệnh chưa từng có tại các trạm y tế trên địa bàn TP.

Đặc biệt mới đây, ngày 18.11.2022, lần đầu tiên TP.HCM đã khởi động chương trình đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện luân phiên đến công tác tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Một trong những điểm nổi bật của chương trình này là bác sĩ điều trị đã sử dụng máy X-quang kỹ thuật số được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ AI này mà ngay sau chụp khoảng 10 giây, các bác sĩ sẽ nhận được kết quả chi tiết các tổn thương trên phim X-quang vừa chụp.

Sau đó, các bác sĩ trẻ kết nối hình ảnh X-quang qua hệ thống PACs (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) và máy vi tính để bàn, và bấm nút xin được hội chẩn từ xa với các chuyên gia đang công tác tại các bệnh viện tuyến cuối của TP để nhận được các tư vấn chuyên môn phù hợp nhất cho từng trường hợp có bệnh lý phức tạp.

Có thể nói, đây là hình ảnh chỉ có trong mơ ước của các thầy thuốc đang công tác tại tuyến y tế cơ sở, tưởng chừng chỉ dừng lại ở các bài nói chuyện của các chuyên gia khi bàn về ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, những điều này hiện không những đã trở thành hiện thực mà còn diễn ra tại một trạm y tế xa nhất, khó khăn nhất của TP.

Tại cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế “Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” hôm 17.12 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong năm 2023, toàn ngành y tế sẽ hưởng ứng và tham gia triển khai hiệu quả chủ đề của năm do UBND TP phát động, đó là “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Chuyển đổi số chắc chắn sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, và mang tính quyết định cho những mục tiêu ưu tiên mà TP đã chọn cho năm.

Năm 2023 cũng là năm TP khởi động 2 hoạt động trọng tâm mang ý nghĩa rất quan trọng trong chuyển đổi số của ngành y tế, đó là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế.

3 thông điệp trong công tác chuyển đổi số

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh 3 thông điệp trong công tác chuyển đổi số của ngành y tế đến với tất cả các cơ sở y tế, nhất là các nhà quản lý của ngành y tế TP.

Thứ nhất, chuyển đổi số để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh, để được hướng dẫn; người dân dễ dàng quản lý được sức khoẻ của mình với sự kết nối và liên thông các dữ liệu sức khoẻ với các cơ sở khám, chữa bệnh; mỗi người dân đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thứ hai, chuyển đổi số để thầy thuốc dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới; giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh; giảm bớt được các thủ tục hành chính, giấy tờ trong bệnh viện; bác sĩ tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với bác sĩ tuyến trên để hội chẩn, để được tư vấn; hướng đến mỗi bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh đều lập hồ sơ bệnh án điện tử, và các dữ liệu bệnh án điện tử phải được kết nối và liên thông với nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Thứ ba là chuyển đổi số để nhà quản lý y tế triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; và rất nhiều ứng dụng giúp cho các nhà quản lý bệnh viện, quản lý cơ sở y tế triển khai hoạt động giám sát sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế, triển khai các hoạt động hướng đến phục vụ người bệnh, phục vụ nhân viên ngày một tốt hơn.

Sở Y tế đề nghị mỗi cơ sở y tế phải tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác chuyển đổi số của các đơn vị, nhất là kịp thời cập nhật các ứng dụng mới, hiệu quả giúp nhân viên y tế, người dân… thuận lợi hơn trong cung ứng và sử dụng các dịch vụ y tế. Qua đó tùy điều kiện và khả năng kinh tế của mỗi đơn vị mà chọn lọc các vấn đề ưu tiên để triển khai.

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng thừa nhận hiện nay việc triển khai hoạt động chuyển đổi số đối với các cơ sở y tế còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị còn thiếu, yếu do chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức theo kỳ vọng phát triển công nghệ số; các quy định, quy trình nội bộ chưa kịp thay đổi cho phù hợp với môi trường làm việc trên nền tảng số, nhất là tư duy chuyển đổi số dù có nâng cao hơn, nhưng năng lực số chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế do chưa tạo lập được thói quen làm việc cho nhân viên y tế… cũng như nhiều khó khăn, vướng mắc khác.

Chính vì vậy, hiệu quả trong việc triển khai đồng bộ chuyển đổi số tại các cơ sở y tế còn chưa rõ ràng, chưa đạt như sự mong đợi của hầu hết các nhà quản lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đưa ra 3 thông điệp trong chuyển đổi số của ngành y tế