Để có những góc ảnh đẹp, các bạn trẻ chấp nhận “cheo leo” ở những nơi nguy hiểm, nơi được xem là “hồ Thần Chết” khiến nhiều người chứng kiến rợn gáy. Chỉ trong một tháng qua đã có ít nhất 4 thi thể được phát hiện tử vong tại nơi này, nhưng xem ra nó vẫn chưa đủ sức cảnh báo với nhiều người.
Hồ Đá gần làng ĐHQG (thuộc P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) được nhiều người gọi là “hồ tử thần”, “hồ thần chết”. Bởi trong những năm qua đã có hàng chục, thậm chí nhiều hơn thế những sinh viên, công nhân bỏ mạng khi ra tắm, hoặc chọn hồ Đá là nơi… tự tử. Chỉ tính riêng trong tháng qua đã có đến 4 vụ việc chết người được phát hiện tại đây. Nạn nhân mới nhất là N.H.T (20 tuổi, sinh viên) được phát hiện và vớt xác lên vào ngày 24.11.
Hồ Đá là tên gọi chung của 2 hồ được phân cách bởi con đường nội bộ của làng ĐHQG. Theo những người sống lâu năm ở đây cho biết, trước đây người ta dùng mìn, xe cẩu đào khoét để lấy đá. Chính vì thế tạo thành lòng hồ sâu và khó đoán định được độ nông, sâu ở mỗi khu vực. Dưới làn nước mát lạnh, trong vắt nhưng không nhìn thấy đáy đó đã cướp đi vô số sinh mạng con người.
Ông Nguyễn Đức Chinh, Phó Phòng quản lý an ninh trật tự thuộc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM cho biết: “Trong tháng qua liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn dẫn đến chết người tại khu vực này. Chúng tôi đã tuyên truyền khá mạnh, thậm chí làm hàng rào, lắp đặt loa để cảnh báo mọi người nhưng vẫn không thật sự hiệu quả”.
Điều quan trọng nhất trong việc phòng chống tai nạn chết người ở khu vực hồ Đá là ý thức của mỗi người. Những sinh viên, công nhân thường ra đây tắm, chụp hình, thậm chí ăn uống bên bờ hồ phải tự nhận ra sự nguy hiểm đến chính sinh mạng, sức khỏe của mình và người đi cùng.
Ghi nhận tại khu vực hồ Đá, không thiếu những cảnhcác bạn trẻ nhảytừ vực cao xuống chỗ nước sâu. Nhiều bạn nữ đi ra các mỏmđá cheo leo, nguy hiểm, không được rào chắn an toàn để chụp hình, bất chấp các cảnh báo gần đó. Để vào được bên trong khu vực này, các bạn sinh viên, công nhân đã vượt qua hàng rào chắn bên ngoài, những cảnh báo đầu tiên.
Khi được hỏi, anh Hoàng Văn Bình (25 tuổi, làm nghề phụ hồ, quê Bình Định) chia sẻ: “Tôi đã tắm ở đây nhiều lần rồi có sao đâu. Nước mát, thoải mái mà lại không tốn tiền. Về phòng trọ phải chờ đến lượt mới được tắm, lại tốn tiền nước. Việc họ cảnh báo cũng tốt thôi, nhưng đó là với người không biết bơi, chứ tôi thì không sao".
Với bạn Nguyễn Thị Hoàng Quyên (19 tuổi, sinh viên, quê Lâm Đồng) thì có suy nghĩ khác: “Ở đây cảnh đẹp, chịu khó, thậm chí nguy hiểm một tí mới có hình "chất" chứ. Chụp ở trong hoài, có gì lạ đâu, với cả nhiều người chụp quá rồi. Cái gì cũng có cái giá của nó mà. Mà mình nghĩ không nguy hiểm lắm, vì đi chung với mình còn nhiều người nữa mà".
Cảnh báo cứ cảnh báo, tắm, chụp hình thì vẫn cứ tiếp diễn. Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra trong nhiều năm qua và liên tục trong tháng qua đang là hồi chuông cảnh báo mà mọi người cần chú ý. Đùa giỡn, chủ quan với sức khỏe, tính mạng của bản thân chưa bao giờ là việc làm lí trí.
Bà Nguyễn Thị Hai (62 tuổi, người bán cơm tại khu vực làng ĐHQG) chia sẻ: "Năm nào, thậm chí hầu như tháng nào tôi cũng nghe có vụ đuối nước, chết người ở hồ Đá, mà hình như tụi nhỏ không sợ chết hay sao á. Bản thân tôi ở đây lâu năm, số vụ người chết nghe vô số, và tôi cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu vụ như thế đã xảy ra.
Clip nhiều bạn trẻ tắm, chụp hình bất chấp nguy hiểm tại hồ Đá:
Triệu Vân