Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, ngành y tế TP.HCM có những thay đổi trong chiến lược khoanh vùng dập dịch.

TP.HCM đổi chiến lược trong truy vết, khoanh vùng dập dịch COVID-19

L.H | 04/07/2021, 07:40

Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, ngành y tế TP.HCM có những thay đổi trong chiến lược khoanh vùng dập dịch.

Tính từ 18 giờ ngày 3.7 đến 6 giờ ngày 4.7, thành phố ghi nhận thêm 217 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng nay (BN19089-BN19305). Cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 5.652 trường hợp mắc COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố đã có những thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm nhằm nhanh chóng dập dịch COVID-19.

Chiến lược này được triển khai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong những ngày qua, số ca mắc mới liên tục nằm ở mức 3 con số.

chong-dich2.jpg
Ngành y tế thành phố đặt mục tiêu khoanh vùng, truy vết ca bệnh trong thời gian nhanh nhất từ trước tới nay - Ảnh: HCDC

Theo đó, phương án xác định khu vực khoanh vùng sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong một giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu.

Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc... Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.

chong-dich1.jpg
Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện theo từng nhóm đối tượng tiếp xúc - Ảnh: HCDC

Về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng. Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. F1 sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT- PCR.

Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT- PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.

Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 - 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này. Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

chong-dich3.jpg
Việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu - Ảnh: HCDC

Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, TP.HCM sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch.

Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Việc phân công lực lượng này nhằm đàm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng một giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ. Tương tự, trường hợp F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Bài liên quan
Xác định vai trò của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình
Tại Tọa đàm “TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Học viện cán bộ TP.HCM tổ chức ngày 26.11, các đại biểu cho rằng, TP.HCM chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ để khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu của dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đổi chiến lược trong truy vết, khoanh vùng dập dịch COVID-19