Ngày 4.3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn TP từ ngày 1.7.2016 đến 1.7.2021 đối với Thanh tra TP.HCM và Ban tiếp công dân TP.HCM.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, Trưởng ban Tiếp công dân TP.HCM cho biết trong quá trình tiếp dân có nhiều vấn đề phát sinh khiến cán bộ "hy sinh rất nhiều về tinh thần". Hiện nay không có cơ chế đảm bảo sức khỏe, tính mạng của cán bộ tiếp dân; chỉ sợ người dân khi quá bức xúc thì sẽ có hành động không trở tay kịp, ông Cường chia sẻ.
Đối với việc có thể từ chối tiếp dân hay không thì ông Cường cho rằng rất khó, không tiếp không được vì tất cả người dân lên đây dù đã được giải quyết hay chưa giải quyết thì đang trong tâm thế bức xúc; nếu không được tiếp họ có thể làm mất an ninh trật tự. “Chỉ có những người say rượu, có hành vi vượt quá quy định, quá đáng lắm mới phải để công an mời về làm việc” – ông Cường khẳng định.
Qua các buổi giám sát, nhiều đơn vị đã đề xuất có quy định xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp gây rối, quá khích tại nơi tiếp công dân.
Một vấn đề được nhiều đơn vị đề cập, đó là liệu khiếu nại, tố cáo có nên có điểm dừng hay không? ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, ở các nước đều quy định có điểm dừng. Nhưng ở nước ta, có những trường hợp khiếu nại kéo dài qua 5 kỳ Quốc hội, là gần 25 năm, được các cấp cao nhất giải quyết rồi nhưng vẫn tiếp tục đi khiếu nại.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình với kiến nghị của Ban Tiếp công dân và Thanh tra TP.HCM về việc cần có quy chế đặc biệt về việc tiếp dân của người đứng đầu ở những TP lớn, đông dân, việc nhiều như TPHCM. Theo ĐB, nhiều việc Phó chủ tịch có thể ký thay Chủ tịch thì tại sao tiếp dân lại không được? Do vậy không nên quá máy móc về việc này.
Trưởng phòng 4 Thanh tra TP Lê Thị Thanh Trà cũng chia sẻ khó khăn của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong tiếp công dân. Theo quy định cứ đúng ngày giờ đó là phải tiếp dân, dù không phải lĩnh vực mình phụ trách cũng phải tiếp.
Một trong những tồn tại, bất cập được Thanh tra TP chỉ ra là rất nhiều trường hợp người dân được tiếp thường tự ghi âm, ghi hình quá trình tiếp. Trong khi hiện nay quy định pháp luật liên quan tiếp dân, đối thoại không có quy định cụ thể về việc này. Do đó cần bổ sung quy định để tránh việc người dân tự ý ghi hình rồi tung lên mạng xã hội...
Đề xuất này nhận được đồng tình và góp ý của các đại biểu Quốc hội như đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nội dung này cũng được phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết kết luận buổi giám sát đồng ý về việc cần thiết bổ sung quy định ghi âm ghi hình tại buổi tiếp dân, đối thoại.
Liên quan đến tình trạng người khiếu nại bức xúc có thái độ gay gắt, quá khích, thậm chí có thể gây mất an toàn cho người tiếp dân, bà Tuyết cũng cho rằng cần thiết có cơ chế bảo đảm an toàn cho người tiếp dân cũng như kiểm soát trật tự, ngăn chặn hành vi quá khích.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của phần mềm liên thông cập nhật, theo dõi, tổng hợp kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhiều đại biểu và bà Tuyết góp ý TP đã có đề án xây dựng phần mềm này thì cần sớm triển khai để áp dụng trong năm 2022.
Về công tác nhân sự, bà Huỳnh Thị Thúy Diễm, Trưởng phòng 1 Thanh tra TP cũng đề xuất không nên cào bằng việc chuyển đổi vị trí công tác, trong khi đào tạo nhiều thời gian mới có một nhân sự thành thạo. Thực tiễn khi đọc đơn của công dân, nhiều khi đọc hết 5-7 trang không hiểu họ viết gì. Cán bộ phải có kỹ năng mới xác định được, xử lý cho đúng. Chứ nhiều khi đọc không phân biệt nổi, thì chất lượng xử lý đơn không đảm bảo, chuyển đơn lòng vòng không đúng địa chỉ.
“Cho nên nhất thiết không phải vị trí nào cũng phải chuyển đổi vị trí công tác định kỳ. Tôi hiểu là quy định này giúp ích cho phòng chống tham nhũng, nhưng theo tôi tiếp công dân và một số vị trí khác không liên quan lắm đến phòng chống tham nhũng nhưng vẫn máy móc 5-3 năm luân chuyển một lần, thì nên xem xét lại”, bà Thúy Diễm đề xuất.
Về việc này, Trưởng Ban Tiếp công dân TP đồng tình: “Giảm biên chế không thể cào bằng, một khối lượng công việc quá lớn, tồn đọng nhiều sẽ càng gây bức xúc cho người dân. Việc tăng lên mà cứ giảm nhân sự mãi thì không có người làm, rất mệt mỏi”.
Kết luận buổi làm việc, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, Trưởng đoàn giám sát chia sẻ sự đồng cảm với 2 cơ quan trong việc tiếp dân, với lượng hồ sơ, công việc ngày càng nhiều, quá áp lực trong khi năm nào cũng phải giảm biên chế theo quy định chung. Theo ĐB, năm nào TP.HCM cũng kiến nghị nhưng chưa có sự thay đổi. Một công chức TP.HCM hiện phục vụ 95.000 dân, không thay đổi sẽ rất khó.