Ngành y tế đi phát tờ rơi nhiều khi người dân không đọc; đưa xe, loa phát thanh chỉ tới những khu dân cư cao ráo, ít có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; còn những hẻm hóc nơi dễ xảy ra dịch bệnh thì xe, loa phát thanh không tới được nên việc tuyên truyền không hiệu quả.

TP.HCM có 13/24 quận huyện xuất hiện dịch bệnh vi rút Zika

Hồ Quang | 14/11/2016, 19:56

Ngành y tế đi phát tờ rơi nhiều khi người dân không đọc; đưa xe, loa phát thanh chỉ tới những khu dân cư cao ráo, ít có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; còn những hẻm hóc nơi dễ xảy ra dịch bệnh thì xe, loa phát thanh không tới được nên việc tuyên truyền không hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã chia sẻ như thế tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM vào chiều nay (14.11).

Zika tăng lên từng ngày

Bác sĩNguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tếTP.HCM cho hay sau khi ghi nhận thêm 6 ca nhiễm vi rút Zika vào cuối tuần qua, đầu tuần này TP.HCM tiếp tục ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm Zika nữa, nâng tổng số ca nhiễm vi rút Zika lên 38 trường hợp.

Theo ông Hưng, trong số 3 ca vừa ghi nhận có 2 ca ở quận 2 ( phường Cát Lái và Bình Khánh mỗi phường 1 ca), 1 ca ở phường 25, quận Bình Thạnh. Như vậy tính đến thời điểm này, TP.HCM có 13/24huyện –xuất hiện dịch bệnh vi rút Zika với 38 ca nhiễm, trong đó quận Bình Thạnh có số ca nhiễm cao nhất lên đến 8 ca; kế đến quận 2 có 6 ca; các quận 9, quận 12 mỗi quận có 4 ca; huyện Hóc Môn, quận Tân Phú mỗi địa phương 3 ca; quận 4, quận 5, quận Bình Tân mỗi quận có 2 ca; còn lại quận 1, quận Thủ Đức và huyện Cần Giờ mỗi địa phương có 1 ca.

Ông Hưng cho biết trong thời gian qua các địa phương tập trung giám sát các điểm phát sinh lăng quăng, muỗi ở những bãi đất trống, các công trình xây dựng để xử lý; phát hành tờ rơi, video clip để tuyên truyền dịch bệnh vi rút Zika; đặc biệt các bệnh viện, nhất là bệnh viện phụ sản rất quan tâm đến các thai phụ bị nhiễm Zika để theo dõi sát sao tình hình sức khẻo của mẹ và thai nhi.

“Hiện trong số các thai phụ bị nhiễm Zika trên địa bàn TP đã có thai phụ sinh sản nhưng trẻ sinh ra vẫn bình thường, không có dị tật đầu nhỏ. Hiện ngành y tế đang tiếp tục theo dõi những thai phụ khác”, ông Hưng cho hay.

Nhiều địa phương chưa quyết liệt

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Hưng, bên cạnh những quận – huyện thực hiện tốt việc diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất cũng như tổng vệ sinh môi trường thì một số quận, huyện vẫn chưa làm tốt.

“Nhiều quận huyện thực hiện tổng vệ sinh hàng ngày. Trong khi đó rất nhiều quận huyện có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, nhiễm vi rút Zika cao vẫn không thực hiện tổng vệ sinh thường xuyên như quận 7, quận 4, quận 12... mỗi tuần những địa phương này chỉ tổng vệ sinh có 2 lần”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng thẳng thắn phê bình một số địa phương phun xịt hóa chất nhưng mật độ muỗi vẫn còn cao.

“Qua kiểm tra nhiều địa phương mật độ muỗi vẫn con cao dù đã phun, xịt hóa chất như: phường 3 (quận 5); phường Hiệp Thành (quận 12); phường 14 (quận 10); phường Phước Long A, phường Phước Long B (quận 9), xã Bà Điểm, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)....”, ông Hưng cho biết.

Riêng về bệnh sốt xuất huyết, ông Hưng cho biết số ca mắc trong những tuần qua đã bắt đầu giảm mạnh. Nếu như những tháng đầu năm số ca mắc sốt xuất huyết tăng đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái thì đến nay số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm xuống, chỉ còn tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy ông Hưng tỏ ra băn khoăn về việc người dân và các đơn vị chưa thực hiện tốt công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi tại nơi ở và làm việc, trong khi đó công tác xử phạt còn lơ là, chưa đủ sức răn đe.

TP.HCM triển khai xử phạt theo Nghị định 176 từ 2015 nhưng đến nay chỉ mới có 7/24 quận – huyện thực hiện xử phạt. Trong khi đó, số lượng các quyết định xử phạt ngày càng giảm, nếu như trong năm 2015 có 58 trường hợp được xử phạt, thì từ đầu năm 2016 đến nay chỉ mới có 15 trường hợp bị xử phạt.

Trước tình hình trên ông Hưng đề nghị ngành y tế cần tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất để phát hiện các điểm còn xuất hiện nhiều vật dụng chứa nước gây phát sinh lăng quăng, muỗi có biện pháp xử lý. Ngoài diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất ở những nơi có ca bệnh, ngành y tế cũng sẽ phun xịt hóa chất trên diện rộng, nhất là những điểm nguy cơ.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho rằng việc xử lý dịch bệnh vi rút Zika hiện nay đang có một lỗ hổng lớn khiến cho dịch bệnh này có cơ hội phát sinh. Ngành y tế các địa phương khi phát hiện có ca bệnh thì phun xịt hóa chất trong phạm vi xuất hiện ca bệnh (tức trong phạm vi bán kính 200m), trong khi đó ngoài phạm vi ổ dịch có rất nhiều vật dụng chứa nước, rác thải không được xử lý.

“Trong ổ dịch làm tốt nhưng bên ngoài dịch người dân xả rác bừa bãi, xuất hiện nhiều vật dụng chứa nước nên lăng quăng vẫn còn. Đây chính là mối nguy cơ xuất hiện tiếp các cănbệnh mới”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo các quận huyện than khó trong việc xử lý triệt để các điểm chứa nước gây phát sinh lăng quăng, muỗi.

Nhiều quận – huyện có rất nhiều dự án công trình, thậm chí trên địa bàn quận 2, quận 9 các dự án đã biến nơi đây thành “đại công trường”. Trên địa bàn quận 9, ngoài những dự án đang thi công còn có những dự án treo bỏ hoang, dự án hoàn thành nhưng nhà chưa xây hết, thậm chí nhà đã xây xong nhưng không có người ở đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika tại đây.

Theo lãnh đạo quận 2 hiện địa phương này có đến 200 dự án đã biến nơi đây thành “đại công trường”. Các dự án triển khai thi công không vệ sinh, ngăn nắp nên khi trời mưa nắng gây phát sinh lăng quăng, muỗi.

“Lãnh đạo quận đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư, nhất là các dự án treo phải dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cỏ; các công trình nhà ở đang trong quá trình tập kết vật tư phải ngăn nắp. Đây là những vấn đề nhức nhối của quận 2 từ trước đến nay”, lãnh đạo quận 2 cho biết.

Phải đến từng nhà để tuyên truyền

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND TP.HCM biểu dương các quận , huyện đã tập trung chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh virút Zika. Một số quận - huyện có cách làm hay khi cử cán bộ y tế về phường dự Ngày hội Đại đoàn kết rồi tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh Zika và cách phòng chống.

Mặc dù vậy bà Thu cho rằng, nhiều người dân vẫn chưa có sự hợp tác trong phòng chống dịch bệnh. Điều này có nhiều nguyên nhân, có thể do ngành y tế chưa tuyên truyền đến nơi đến chốn, hoặc do người dân không quan tâm đến thời cuộc, chưa ý thức về dịch bệnh.

“Ngành y tế đi phát tờ rơi nhiều khi người dân không đọc; còn đưa xe loa phát thanh chỉ tới những khu dân cư cao ráo, ít có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; còn những hẻm hóc nơi dễ xảy ra dịch bệnh thì xe loa phát thanh không tới được nên việc tuyên truyền không hiệu quả”, bà Thu nói.

Bà Thu đề nghị ngành y tế phải tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền để người dân quan tâm đến dịch bệnh này. Các thành viên trong đoàn giám sát dịch bệnh phải đến các hộ hướng dẫn để người dân biết rõ những vật dụng chứa nước trong nhà có thể xuất hiện lăng quăng, phát sinh muỗi gây bệnh Zika như: bình hoa, nước cúng, lư hương ngoài trời... Đồng thời đề nghị người dân phải đổ bỏ những vật dụng chứa nước đó.

Riêng Sở Tài nguyên - Môi trường TP phải mời chủ đầu tư các dự án báo cáo những nơi có nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi và đề nghị xử lý; còn Sở Giáo dục - Đào tào phải hướng dẫn các trường học lật úp các vật dụng chứa nước xung quanh để tránh phát sinh lăng quăng, muỗi, gây bệnh cho học sinh, rất nguy hiểm.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM có 13/24 quận huyện xuất hiện dịch bệnh vi rút Zika