Sáng 24.9, tại TP.HCM diễn ra phiên bế mạc Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ 12 nhiệm kỳ 2023-2028. Dự đại hội có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Tại đại hội, Công đoàn TP.HCM đã ứng dụng giải pháp công nghệ quét mã QR trong công tác quản lý đại biểu, thông tin, điểm danh đại biểu. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cũng sẽ được sử dụng trong công tác bầu cử để bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đồng thời tổ chức lấy ý kiến về chỉ tiêu qua ứng dụng công nghệ…
Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ 12 nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 22-24.9 với 549 đại biểu. Song song với việc đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2018-2023, đại hội còn tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - người lao động; tăng cường niềm tin, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động. Đây cũng là dịp để một số đơn vị điển hình chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên - người lao động.
Với phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội Công đoàn TP.HCM lần này tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tăng cường củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp người lao động, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của công nhân lao động. Công đoàn TP.HCM cũng tích cực xây dựng tổ chức công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ, chính quyền thành phố.
Điểm mới của Đại hội Công đoàn TP.HCM 12 là bên cạnh việc thực hiện theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn TP.HCM cũng tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động thông qua 4 đợt khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn, chủ doanh nghiệp, lãnh đạo đơn vị… về hoạt động công đoàn, từ đó đề ra chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới sát với tình hình thực tế.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2018-2023 là chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Đây là chương trình hỗ trợ ý nghĩa, chăm lo kịp thời đời sống đoàn viên, người lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết của tổ chức công đoàn. Công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động cũng được tập trung thực hiện thông qua Tổ chức tài chính vi mô CEP. Trong nhiệm kỳ, tổ chức này đã phát huy tốt vai trò đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, người lao động giải quyết khó khăn trong cuộc sống thông qua cho vay lãi suất thấp, mở rộng đối tượng được vay vốn, góp phần tích cực phòng chống tín dụng đen.
Cùng với đó là việc thích ứng với tình hình mới, "Phiên chợ online" ra đời. Đây là một hình thức hỗ trợ tiêu dùng áp dụng thương mại điện tử, mua sắm mới với mong muốn gia tăng số lượng người tham gia, thụ hưởng; mở rộng sự lựa chọn hàng hóa; giảm chi phí, thời gian tổ chức; hướng đến tiêu dùng hiện đại, văn minh, phù hợp xu thế phát triển.
Đại hội cũng đặt ra chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó tập trung 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đó là tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và giờ giấc làm việc; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính. Đại hội cũng đưa ra những chỉ tiêu chủ yếu sát với tình hình thực tế.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028, kết quả 55 người trúng cử.
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Công đoàn TP.HCM lần thứ 12, nhiệm kỳ 2023-2028, các ủy viên đã bầu Ban Thường vụ gồm 17 người; bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM khóa 11, nhiệm kỳ 2018-2023 tái đắc cử.
Bà Trần Thị Diệu Thúy sinh năm 1977, trình độ thạc sĩ xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; cử nhân kinh tế; cao cấp lý luận chính trị.