Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết: “Ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại”.

TP.HCM chưa cho phép dịch vụ ăn uống tại chỗ

Tú Viên | 11/10/2021, 18:47

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết: “Ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại”.

Chiều 11.10, tại cuộc họp thông tin về phòng, chống COVID-19 TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, thời gian qua loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện thì đã được mở lại, loại hình có khả năng gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 thì nên cân nhắc như dịch vụ ăn uống tại chỗ.

Theo ông Phương, hiện nay các loại hình dịch vụ sẽ do sở ngành chuyên môn phụ trách, dịch vụ vui chơi giải trí do Sở Văn hóa thông tin, dịch vụ tư vấn làm đẹp do Sở Y tế phụ trách và dịch vụ ăn uống hiện nay do Ban quản lý an toàn thực phẩm phụ trách. Khi tham mưu cho UBND TP, Sở Công Thương không chịu trách nhiệm tham mưu lĩnh vực này.

mang-ve.jpeg
Các dịch vụ ăn uống tại quận 7 vẫn phải hoạt động theo hình thức bán hàng mang đi theo quy định của UBND TP - Ảnh: Internet

Tại buổi họp báo, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải thông tin, sau 10 ngày nới lỏng giãn cách, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Công tác an sinh được triển khai đến đông đảo người dân. Công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Tính đến 11.10, TP đã có 21 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch theo quy định 3979 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, theo ông Hải, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn 3 hạn chế là một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm việc phòng dịch. Cụ thể là vi phạm 5K, tụ tập đông người, giữ khoảng cách chưa nghiêm, nhiều người không đeo khẩu trang. Số doanh nghiệp hoạt động lại chưa nhiều. Tình hình đi lại của người dân từ TP đến các tỉnh khó khăn.

"TP.HCM vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, đó là thách thức buộc người dân phải điều chỉnh thói quen, không được chủ quan, cảnh giác hơn nữa. Ngoài ra, phải cảnh giác hơn về vấn đề an ninh trật tự. 10 ngày qua từ 1.10 đến 10.10, phạm pháp hình sự xảy ra 70 vụ, bắt 54 đối tượng, xảy ra 11 vụ cháy, làm chết 1 người, bị thương 4 người", ông Hải cho biết.

Trả lời những phản ánh của người dân về một số cơ sở vẫn còn thu tiền chữa bệnh COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết về vấn đề này Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19. "Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị COVID-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh", bà Mai khẳng định.

Do đó, cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định ban hành. Bệnh viện không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị COVID-19, riêng chi phí tiện ích ngoài quy định thì bệnh viện được thu thêm nhưng phải do người bệnh yêu cầu sử dụng tiện ích và thu đúng giá đã niêm yết.

Về việc lực lượng y tế phục vụ khám chữa bệnh có bị thiếu không khi nhiều bệnh viện chuyển công năng sang điều tri COVID-19, bà Mai cho biết hiện tại 3 bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 sẽ phải giữ lại để sẵn sàng các tình huống điều trị dịch bệnh.

Bên cạnh đó, TP cũng tiếp nhận các Trung tâm hồi sức COVID-19 sau khi lực lượng y tế chi viện từ các tỉnh thành "rút quân". Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chưa cho phép dịch vụ ăn uống tại chỗ