Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận bổ sung thêm hai tuyến buýt đường sông là tuyến số 3 (từ bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7).

TP.HCM cho mở thêm 2 tuyến buýt đường sông đến quận 7

Phan Diệu | 06/04/2017, 19:50

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận bổ sung thêm hai tuyến buýt đường sông là tuyến số 3 (từ bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Để phát huy hiệu quả dự án, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông khác và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng; người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng chấp thuận bổ sung 3 vị trí bến.

Cụ thể, ba bến này gồm bến tại khu đô thị Thủ Thiêm;bến tại khu vực phường Trường Thọ, quận Thủ Đức và bến tại khu vực Tân Cảng. Riêng bến tại Tân Cảng, TP yêu cầu nhà đầu tư phải có kết hợp xây dựng nhà đậu xe và bổ sung thêm 2 tuyến buýt. Đó là tuyến số 3 (từ Bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ Bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận liên quan nhanh chóng hoàn tất thủ tục, bàn giao mặt bằng các vị trí bến cho Công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư) trước ngày 10.4. Đồng thời, lãnh đạo UBND TP giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, hướng dẫn Công ty TNHH Thường Nhật thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án bổ sung các bến tuyến buýt sông trên.

Các quận liên quan phải trình bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất đối với các bến theo đúng quy định là trước ngày 30.4 để phấn đấu đưa vào khai thác dự án trong tháng 6.2017.

Về khu vực bến Bình Triệu của dự án (đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với quận Thủ Đức hoàn tất thủ tục thu hồi, bàn giao khu đất cho Công ty TNHH Thường Nhật để đảm bảo tiến độ dự án.

Còn tại khu vực bến Vườn Kiểng thuộc bến Bạch Đằng (quận 1), Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất bàn giao cho chủ đầu tư để tổ chức quản lý, khai thác vận hành dự án.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Công ty TNHH Thường Nhật phải đảm bảo giữ nguyên hiện trạng khu vực bến Vườn Kiểng theo đúng quy hoạch được duyệt. Nhà đầu tư này không được xây dựng mở rộng diện tích, cơi nới kiên cố mà chỉ cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa nhỏ để đảm bảo cảnh quan chung, an ninh trật tự đô thị và an toàn khai thác vận hành. Ngoài ra, công ty cần có các giải pháp chống ùn tắc giao thông khu vực công viên bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đã trình UBND TP dự án đầu tư 2 tuyến buýt sông theo hợp đồng đối tác công tư (BOO). Hai tuyến buýtsông được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Tuyếnbuýt có tổng chiều dài hơn 21km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8.

Tuyến số 1 từ Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức) có chiều dài khoảng 10,8 km với 7 trạm dừng thuộc các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Tuyến buýt bắt đầu từ bến đò Bình Quới (thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức cách giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân khoảng 1km) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và đổ ra sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng (đang được chỉnh trang).

Tuyến số 2 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Lò Gốm (quận 8) dài 10,3 km. Tuyến buýt bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (quận 8).

Cả hai tuyến này sẽ có buýt chạy trên sông theo hai chiều xuôi ngược. Khu bến trung tâm rộng khoảng 3 ha sẽ được xây dựng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Trên các tuyến sẽ có 2 bến ở đầu, cuối tuyến và 6 bến đón, trả khách dọc tuyến.

Thời gian khai thác, vận hành 2 tuyến này là 50 năm và nhà đầu tư đảm bảo chi phí đầu tư thực tế không thấp hơn tổng mức đầu tư đã duyệt. Sau khi kết thúc thời gian khai thác vận hành, nếu nhà đầu tư không được UBND TP tiếp tục giao khai thác vận hành thì bàn giao mặt bằng và các công trình xây dựng cơ bản cho thành phố.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM cho mở thêm 2 tuyến buýt đường sông đến quận 7