TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết 15/37 tuyến đường ngập nước do mưa, 28/179 tuyến hẻm và 5/9 tuyến đường ngập nước do triều cường. Để triển khai các giải pháp chống ngập, TP.HCM cần hơn 73.400 tỉ đồng.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2018 - 2020.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết 15/37 tuyến đường ngập nước do mưa (đã giải quyết 22/37 tuyến), 28/179 tuyến hẻm (đã giải quyết 151/179 tuyến) và 5/9 tuyến đường ngập nước do triều (đã giải quyết 4/9 tuyến).
Đồng thời, hoàn thành 2 nhà máy xử lý nước thải (Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất lên 469.000 m3/ngày và Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày). Triển khai xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hóa Lò Gốm và Bắc Sài Gòn 1 (hiện đã hoàn thành Nhà máy Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày).
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong thời gian tới, TP.HCM đề ra một số giải pháp thực hiện như: nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó là việc tập trung nghiên cứu xây dựng, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM, đồ án điều chỉnh quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước.
Việc thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết và quy hoạch cốt cao độ nền trên cơ sở phải có tầm nhìn về quy hoạch, trong đó có kết hợp các vấn đề về đô thị với quy hoạch thoát nước, giải quyết ngập. Mục tiêu của TP.HCM đặt ra là tập trung xử lý từ khu vực trung tâm hiện hữu xuống khu vực phía Nam Thành phố.
Đặc biệt, Thành phố sẽ bổ sung chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư; huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ theo lưu vực thoát nước. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc giải ngân kinh phí của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1… Ngoài ra sẽ tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM cũng quyết định thành lập Ban Điều hành chương trình hành động giảm ngập nước trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020, trong đó Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm Trưởng ban.
Theo báo cáo của TP.HCM, để triển khai các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM cần hơn 73.400 tỉ đồng. Thế nhưng, ngân sách thành phố chỉ có thể bố trí hơn 16.300 tỉ đồng, còn lại cần kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
Do đó, TP.HCM đã công bố danh mục các dự án chống ngập cấp bách được kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.
Cụ thể, có 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải gồm lưu vực Tây Sài Gòn với tổng mức đầu tư 7.700 tỉ đồng; lưu vực Bình Tân: 9.804 tỉ đồng; lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm: 6.395 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1: 5.544 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2: 5.100 tỉ đồng; lưu vực rạch Cầu Dừa: 5.000 tỉ đồng và lưu vực Tây Bắc: 6.000 tỉ đồng.
Sáu dự án nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch: xây dựng bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Chợ Đệm là 8.825 tỉ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm: 1.097 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào: 522 tỉ đồng. Bên cạnh đó là việc nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé: 1.250 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu: 1.789 tỉ đồng; cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình: 6.184 tỉ đồng.
Ba dự án xây đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP.HCM gồm cống kiểm soát triều sông Kinh: 1.200 tỉ đồng; cống kiểm soát triều rạch Tra: 1.122 tỉ đồng; đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại: 3.400 tỉ đồng.
Phan Diệu