Lực lượng thanh kiểm tra của Chi cục vệ sinh An toàn thực phẩm TP.HCM còn rất mỏng, dù đã bung hết công suất cũng không thể quán xuyến, kiểm soát nổi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là vấn đề thực phẩm bẩn dịp Tết này.
Bất lực trước thực trạng thực phẩm bẩn lan tràn dịp tết là thừa nhận của ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM) trong cuộc làm việc với Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan tại TP.HCM, sau khi đi thị sát thực tế chất lượng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán trong 2 ngày (26 và 27.1).
Theo ông Hòa, hiện nay nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật mới ra đời rất nguy hiểm đối với thực phẩm, nhưng chưa được cập nhật vào danh sách cấm nên đã gây khó khăn trong việc quản lý cũng như kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Ông Hòa cho rằng, tình trạng trên càng khó khăn đối với một TP có dân số lên đến hơn 10 triệu dân như TP.HCM; hàng hóa, thực phẩm được sản xuất, chế biến với một khối lượng rất lớn; đón nhận nguồn thực phẩm rất lớn từ khắp nơi trên cả nước đổ về, nhất là trong những ngày giáp Tết.
Trong khi đó, lực lượng thanh kiểm tra của Chi cục vệ sinh An toàn thực phẩm TP.HCM còn rất mỏng, dù đã bung hết công suất cũng không thể quán xuyến, kiểm soát nổi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, qua kiểm tra các loại rau, quả trên địa bàn TP đã phát hiện khá nhiều mẫu rau, quả tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
“Phần lớn các mẫu rau, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép đều có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác đưa vào TP. Chúng tôi đang tiếp tục tiến hành lấy mẫu rau, quả để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các chất cấm trong gia súc, gia cầm, thủy sản…”, bà Cúc nói.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu tháng 1.2016 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra 117 lô hàng gia súc, gia cầm thì phát hiện tới 22 mẫu dương tính với các loại chất cấm trong chăn nuôi, chiếm 13,8%.
Đáng lo lắng hơn, theo ông Phan Xuân Thảo - Chi Cục trưởng Chi Cục Thú Y TP.HCM, là nhiều loại gia súc vận chuyển vào TP.HCM bị bơm nước, bơm thuốc an thần để giúp cho quá trình vận chuyển không bị sốc hoặc chết cũng như tăng trọng lượng. Việc bơm nước, bơm thuốc an thần vào gia súc sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
“Cái khó hiện nay của chúng ta là chưa có đủ chứng cứ để xử lý những cơ sở giết mổ tại TP.HCM khi giết mổ những gia súc bơm nước, bơm thuốc an thần. Từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của người TP tăng khoảng 2,5 lần so với ngày thường. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý nặng, thậm chí xử lý hình sự đối với những cơ sở giết mổ gia súc bơm nước, bơm thuốc an thần thì rất khó để xử lý triệt để nguồn thực phẩm bẩn”, ông Thảo nói.
Hồ Quang