Chiều 19.12, UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức hội thảo “Phát triển theo định hướng Giao thông công cộng (TOD) và Quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn”.

TP.HCM bàn việc áp dụng TOD và PPP trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng

Tú Viên | 19/12/2022, 21:00

Chiều 19.12, UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức hội thảo “Phát triển theo định hướng Giao thông công cộng (TOD) và Quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn”.

Hội thảo thảo luận về phương hướng áp dụng TOD và PPP trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho hay, TP.HCM đã quy hoạch 8 tuyến metro với tổng chiều dài hơn 220km cùng các tuyến BRT. Tuy nhiên để thực hiện thì nguồn lực dành cho giao thông công cộng, đặc biệt đường sắt đô thị, là rất lớn với tổng chi phí ước tính khoảng 15 tỉ USD, hiện nay mới giải quyết được hơn 25%.

z3972535133027_ab12981bcd201b470c804878b8b74c37.jpg
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Tú Viên

Cùng với đó, TP.HCM đang hưởng tỷ lệ điều tiết từ ngân sách trung ương khoảng 21%/năm. Thành phố đã ưu tiên nguồn lực riêng cho giao thông, chiếm trên 70% ngân sách được điều tiết hàng năm, nhưng nguồn lực này được tập trung vào các dự án đường vành đai và các tuyến cao tốc kết nối địa phương xung quanh với thành phố. Vì vậy, ngân sách địa phương rất khó đáp ứng nhu cầu đầu tư các tuyến metro.

Ông Trần Quang Lâm nhận định, TP.HCM có thuận lợi là nguồn lực từ đất đai rất hấp dẫn các nhà đầu tư, miễn là có quy hoạch tốt, có cơ chế khai thác và đầu tư, hoạch định quy hoạch gắn với giao thông, đặc biệt là gắn với giao thông công cộng xung quanh nhà ga, các tàu điện ngầm, các tuyến metro. Khi giao thông phát triển, đô thị cũng sẽ cùng phát triển theo và nguồn lực đất đai tự thân sẽ tăng lên tương ứng và tạo thành nguồn lực để tái đầu tư.

Theo ông Shige Sakaki (chuyên gia giao thông vận tải), TOD sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp cách tiếp cận chính sách cho phép cộng đồng thu hồi và tái đầu tư giá trị đất tăng lên nhờ đầu tư công và các giải pháp của chính phủ. Đồng thời, TOD sẽ tạo ra cộng đồng đô thị sôi động xung quanh các nhà ga để thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng. Thu hút người dân đi qua và sinh sống tại khu vực gần các ga giao thông công cộng.

Chuyên gia của WB cũng chỉ ra thực tế là tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM mới đạt khoảng 9% là mức rất thấp so với nhu cầu. Hiện nay WB chưa có tính toán về chi phí thất thoát của kinh tế TP.HCM do vấn đề tắc nghẽn giao thông, song chi phí này của Hà Nội vào khoảng 1,2 tỉ USD/năm. TP.HCM nhiều khả năng còn cao hơn.

11metro-400(1).jpeg
Tàu metro số 1 đang được cẩu xuống đường ra depot Long Bình (TP.Thủ Đức) - Ảnh: NLĐ

WB cho biết các quốc gia đã thành công trong việc phát triển TOD theo hướng tận dụng quy hoạch hành lang giao thông quan trọng để gia tăng giá trị từ nguồn đất. Các cơ quan quản lý đã có chiến lược thiết kế để tăng số lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tạo nguồn thu nhiều hơn cả từ nguồn vé và nguồn thu không phải từ vé.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, TP.HCM quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng với nhiều dự án, nếu thực hiện tốt sẽ cải thiện được tình hình ùn tắc giao thông trong 10 năm tới. Hình thức PPP là một giải pháp tốt mà nhiều nước trong khu vực đã thực hiện thành công trong lĩnh vực này.

TOD đang được kết hợp với PPP và triển khai rộng rãi tại các dự metro ở nhiều quốc gia khác nhau như Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… Định hướng này đã trở thành chiến lược tạo nguồn vốn quan trọng, giảm gánh nặng cho nhà nước, đảm bảo năng lực phát triển cho khu vực tư nhân, mang lại các khả năng sáng tạo cho tất cả các bên tham gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM bàn việc áp dụng TOD và PPP trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng