UBND TP hôm nay 12.8 vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”.

TP.HCM ban hành 6 điều kiện để giữ vững các “vùng xanh” phòng chống dịch COVID-19

T.V | 12/08/2021, 20:26

UBND TP hôm nay 12.8 vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”.

Cụ thể, nguyên tắc thiết lập “vùng xanh” có thể trên phạm vi một hoặc một số xã, phường, thị trấn hoặc một quận, huyện. Tuy nhiên, trong “vùng xanh” phải được phân chia thành những khu vực giới hạn bởi các tuyến đường giao thông có các phương tiện vận tải, công cộng có thể lưu thông thường xuyên (gọi tắt là khu vực).

Mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân phải được đáp ứng để không phải ra những tuyến đường này. Mỗi khu vực trong “vùng xanh” phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

1. Ban hành, niêm yết nội quy tại mỗi khu vực. Quy định điều kiện an toàn phòng, chống dịch ở mức cao nhất; Quy định đối tượng ra - vào khu vực; Quy định quyền và trách nhiệm của người dân phải chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ, không được chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài vào “vùng xanh” (kể cả người thân, bạn bè, ...); Những đối tượng cấm vào khu vực (người không có trách nhiệm, shipper công nghệ...).

Trong mỗi khu vực phải thường xuyên tổ chức phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong khu vực tuân thủ nội quy đã ban hành; vận động, kêu gọi Nhân dân lên án, phản ánh các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

2. Thiết lập các chốt kiểm soát bảo vệ khu vực thuộc “vùng xanh”. Mỗi khu vực chỉ thiết lập 01 lối đi vào 01 lối đi ra riêng biệt có lập chốt kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát), tuy nhiên phải ưu tiên bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Hạn chế bố trí lối ra - vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly, khu vực có người nhiễm COVID-19. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra - vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện.

3. Lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh”, lực lượng huy động: chủ yếu là lực lượng tại chỗ, gồm: Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng do UBND phường, xã, thị trấn ra Quyết định thành lập, có chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên (mỗi thành viên phụ trách một lĩnh vực theo chuyên môn), được cấp thẻ công vụ để chỉ đạo, điều hành chung cho toàn bộ địa bàn phường, xã, thị trấn.

Tổ chức thiết lập, quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng xanh”. Tại mỗi khu vực trong vùng xanh” cũng thành lập các Tổ công tác có nhiệm vụ tương tự, chịu sự điều hành chung của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng.

Lực lượng huy động: Đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, cựu chiến binh, chữ thập đỏ); bảo vệ dân phố; dân quân tự vệ; công an hưu trí; cán bộ, công chức đang nghỉ... Nhiệm vụ: tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự, an toàn bên trong các khu vực thuộc “vùng xanh”; phát loa tuyên truyền, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp người dân không chấp hành các quy định phòng chống dịch.

Tại mỗi “vùng xanh” phường, xã, thị trấn thành lập ít nhất 01 Tổ phản ứng nhanh để cơ động nhanh, giải quyết kịp thời những trường hợp liên quan đến trợ giúp y tế, xử lý người chống đối, gây rối khi người dân hoặc tổ công tác ở các khu vực yêu cầu. Thành viên phải có lực lượng Công an, y tế và dân quân tự vệ, trật tự đô thị... Mỗi “vùng xanh” thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại của thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và thông báo rộng rãi để người dân biết và gọi khi cần.

Kiểm soát ra vào “vùng xanh” - Kiểm soát “vùng xanh” theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, thực hiện đúng nội quy “vùng xanh”. Cư dân trong các khu vực thuộc “vùng xanh” phải được kiểm danh, kiểm diện hàng ngày (do Tổ công tác thực hiện thông qua các hình thức phù hợp như: phát loa gọi tên, gọi điện thoại, các hình thức liên lạc OTT như zalo...). Nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công Thương điều phối, khi vào “vùng xanh” phải mặc trang phục bảo hộ y tế cấp.

4. Cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên có nơi cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình thường, khi về đến “vùng xanh” phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly như trường hợp F1 cách ly tại nhà; quá trình sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình và người xung quanh, bố trí phòng sinh hoạt riêng. Các trường hợp làm việc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly phải có kết quả xét nghiệm âm tính và có thời gian cách ly tập trung bên ngoài theo quy định của cơ quan y tế trước khi vào “vùng xanh”.

5. Hoạt động cung ứng thực phẩm: Điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực nào trong “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó. Bố trí các điểm cung ứng bên trong các khu vực thuộc “vùng xanh”, hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra đường và tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Hàng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình (01 tuần/01 hộ gia đình sẽ có 01 thẻ, phiếu đi chợ) ghi rõ cụ thể: địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm. UBND phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký ít nhất 01 điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh”.

Người dân ở khu vực có điểm cung ứng thực phẩm thì chỉ được đi đến điểm cung ứng đó để mua hàng. Trường hợp trong các khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn y tế thì thực hiện mô hình đi chợ thuê, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.

Giao lãnh đạo UBND phường, xã, thị trấn chỉ đạo, điều phối việc cung ứng hàng hóa thực phẩm cho người dân tại các khu vực vùng xanh; làm đầu mối liên hệ Sở Công Thương để điều phối, cung cấp đầy đủ hàng hóa cho các điểm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm trong các khu vực thuộc “vùng xanh”. Đối với những hàng hóa cần thiết liên quan đến gia dụng, vệ sinh, dược phẩm... người dân phải đăng ký để Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức mua, cung ứng theo nhu cầu.

6. Hoạt động y tế tại “vùng xanh”: Tổ chức ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho cư dân “vùng xanh” theo quy định. Các cư dân “vùng xanh” phải được xét nghiệm định kỳ theo quy định của y tế hoặc khi có yếu tố dịch tễ. Trường hợp có người nghi nhiễm trong khu vực “vùng xanh” phải nhanh chóng khoanh vùng, cô lập và đưa người nghi nhiễm và những người tiếp xúc đi cách ly bên ngoài “vùng xanh”.

Yêu cầu Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các nội dung trên, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Công an Thành phố để tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo, giải quyết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM ban hành 6 điều kiện để giữ vững các “vùng xanh” phòng chống dịch COVID-19