Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã có lễ xuất quân dự SEA Games 32 với mục tiêu giành từ 90 đến 120 HCV để có mặt trong top 3 bảng xếp hạng toàn đoàn. Trong khi đó, Thái Lan không ngần ngại đặt mục tiêu nhất toàn đoàn.

Top 3 SEA Games 32: Mục tiêu khiêm tốn của thể thao Việt Nam

Đặng Hoàng | 23/04/2023, 08:05

Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã có lễ xuất quân dự SEA Games 32 với mục tiêu giành từ 90 đến 120 HCV để có mặt trong top 3 bảng xếp hạng toàn đoàn. Trong khi đó, Thái Lan không ngần ngại đặt mục tiêu nhất toàn đoàn.

Nếu so sánh với SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, mục tiêu của đoàn TTVN đặt ra khá khiêm tốn. Năm ngoái, ở vị trí chủ nhà, chúng ta không chỉ nhất toàn đoàn mà còn đoạt đến 205 HCV.

Việc đặt ra mục tiêu thấp hơn cũng hợp lý khi nước chủ nhà Campuchia đã bỏ nhiều nội dung được xem là thế mạnh của TTVN. Nhưng khó cho Việt Nam cũng là khó chung cho các đoàn khác (trừ chủ nhà Campuchia). Chính vì thế, mục tiêu vào top 3 SEA Games 32 thật ra quá khiêm tốn và chưa thể tạo động lực để đoàn TTVN cố gắng vươn lên vị trí cao hơn.

Kể từ khi nhất toàn đoàn năm 2003 tại kỳ SEA Games lần đầu tổ chức ở Việt Nam, đoàn thể thao của chúng ta luôn xếp vị trí trong top 3 toàn đoàn sau đó, chỉ sau nước chủ nhà và Thái Lan. Tại SEA Games 30 vào năm 2019, Việt Nam còn vươn lên giành vị trí thứ 2, vượt qua Thái Lan nhờ hơn 6 HCV (98 so với 92), và chỉ kém chủ nhà Philippines.

Có thể thấy rằng trong 2 thập niên qua, vị thế của Việt Nam trong làng thể thao Đông Nam Á đã bước lên vị trí nhất, nhì rồi. Thành tích tại Philippines năm 2019 còn cho thấy Việt Nam có khả năng giữ vị trí nhất toàn đoàn khi giải tổ chức ở nơi mà chủ nhà không đủ khả năng cạnh tranh vị trí số 1.

seagames.jpg
Đoàn TTVN đã có lễ xuất quân dự SEA Games 32 vào tối 19.4

Kỳ SEA Games lần này gợi nhớ tới giải cách đây 14 năm khi tổ chức tại Lào. Do Lào không đủ khả năng cạnh tranh top đầu nên cuộc đua giành vị trí nhất toàn đoàn giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra khá gay cấn. Cuối cùng, Thái Lan nhất toàn đoàn với 86 HCV, chỉ hơn Việt Nam 3 HCV mà thôi.

Sẽ có người nói SEA Games là giải thể thao “ao làng”, nhưng đã là sân chơi thể thao thì ở bất kỳ cấp độ nào cũng phải hướng tới vị trí cao nhất khi đủ thực lực. Do vậy, sẽ khó gọi là thành công nếu hoàn thành chỉ tiêu top 3 khi mà TTVN từng vượt trên Thái Lan ở 2 kỳ SEA Games gần đây.

Đó là vấn đề về số lượng, còn vấn đề chất lượng cũng rất quan trọng. Các bộ môn thể thao tại SEA Games thường có nhiều môn lạ chỉ phổ biến ở một vài nước, hay có khi chỉ có ở nước chủ nhà. Tuy nhiên, như đã nói, đó là các giải “bonus” nhằm động viên cho nước chủ nhà, khó cho Việt Nam thì cũng khó cho các nước khác. Quan trọng là dù đưa các môn lạ vào thi đấu thì các môn cơ bản tại Olympic vẫn được đảm bảo ở SEA Games.

Rất đồng tình với khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt rằng đoàn TTVN không quá nặng nề trong mục tiêu thi đấu mà sẽ cố gắng tập trung vào các môn Olympic.

Người theo dõi thể thao lâu năm đều biết, Việt Nam gần đây đoạt HCV rất thuyết phục trong 2 môn cơ bản của mọi kỳ thể thao là điền kinh và bơi lội. Đây chính là những bộ môn "khuôn vàng thước ngọc" tại các kỳ đại hội thể thao vì không thể đánh tráo thành tích.

Nói về điền kinh, tính từ SEAP Games 1959 đến SEA Games 1995, TTVN mới có được chiếc HCV đầu tiên của nữ vận động viên Vũ Bích Hường ở cự ly 110m rào. Vậy mà tại SEA Games 2017 ở Malaysia, chúng ta đã khiến Thái Lan bị sốc khi giành đến 17 HCV. Thành tích này không chỉ giúp điền kinh Việt Nam lần đầu vượt người Thái mà còn nhiều gấp đôi họ.

Hai năm sau tại kỳ SEA Games 30 ở Philippines, Thái Lan quyết tâm lấy lại vị trí số 1 nhưng vẫn không thể thành công khi Việt Nam có 16 HCV điền kinh, nhiều hơn Thái Lan 4 tấm. Còn SEA Games năm ngoái, Việt Nam có 22 tấm HCV, cũng gần gấp đôi Thái Lan. Do vậy, Việt Nam muốn chứng tỏ là vua thể thao tại khu vực thì phải tiếp tục thống trị môn điền kinh tại kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp.

Với bơi lội, Singapore ở trình độ thế giới nhưng từ SEA Games 2015, chúng ta đã vượt qua Thái Lan để trở thành nước có thành tích tốt thứ 2 khu vực. Ngay giải năm ngoái, dù không có Ánh Viên, bơi lội Việt Nam cũng giành được 11 HCV. Tại SEA Games lần này, chúng ta phải tiếp tục giữ vị trí thứ 2 môn bơi lội mới là thành công.

Tất nhiên, điền kinh và bơi lội của Việt Nam dù xưng vương ở khu vực nhưng chưa là gì khi ra châu lục chứ đừng nói là thế giới hay Olympic. Tuy nhiên, không vì thế mà không chú ý ở 2 bộ môn cơ bản này. Cũng có nhiều ý kiến nói rằng Việt Nam chỉ giỏi ở khu vực mà không đạt được thành tích khi ra Olympic như Thái Lan hay Singapore.

Thực ra chỉ có Singapore có nền bơi lội ở tầm thế giới nhờ vào các VĐV nhập tịch. Còn việc Thái Lan giành được những tấm HCV cử tạ nữ hay quyền Anh hạng nhẹ thì Việt Nam cũng làm được nếu đầu tư đúng hướng. Thế nhưng, các môn cử tạ hay quyền Anh nữ lại khó hút sự chú ý của dư luận như điền kinh, bóng đá hay bơi lội. Chúng ta không thể chỉ chăm chăm tập trung vào đó để vì huy chương Olympic mà đánh mất sự cân đối của một nền thể thao.

Do vậy, để một nền thể thao phát triển cần phải tạo thành tích tổng hợp hài hòa: môn thể thao đại chúng phải có thành tích trong khu vực, môn thể thao mũi nhọn nâng dần thành tích để kiếm huy chương tại Olympic, môn thể thao làng xã cũng phải tham gia để giao lưu trong khu vực và kiếm điểm trên bảng tổng sắp huy chương...

SEA Games chính là sân chơi đáp ứng cho tất cả các mục tiêu như thế nên việc dẫn đầu bảng tổng sắp, xếp trên Thái Lan, Indonesia… các môn như điền kinh hay bóng đá đều khiến người Việt Nam thấy vui. Đáng chú ý, đoàn thể thao Thái Lan hướng tới mục tiêu nhất toàn đoàn SEA Games 32 với 162 HCV, gần gấp đôi so với mốc tối thiểu của Việt Nam. Do vậy, sự ganh đua giữa Việt Nam và Thái Lan sắp tới sẽ rất thú vị.

Chúng ta cùng chúc đoàn TTVN thi đấu thành công tại SEA Games 32, giành nhiều HCV ở những bộ môn Olympic và đặc biệt là bóng đá nam và nữ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Top 3 SEA Games 32: Mục tiêu khiêm tốn của thể thao Việt Nam