Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh gây nguy hiểm cho khoảng 900 triệu người sống ở các vũng trũng thấp ven biển.

Tổng thư ký LHQ: Nước biển dâng là ‘án tử' đối với một số quốc gia

Bảo Vĩnh (Theo AP) | 15/02/2023, 10:48

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh gây nguy hiểm cho khoảng 900 triệu người sống ở các vũng trũng thấp ven biển.

Tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ về mực nước biển dâng gây đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế hôm 14.2 (giờ Mỹ), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố, mực nước biển dâng sẽ rất cao và không ngừng, ngay khi tình trạng nóng dần lên của Trái đất được kiềm chế “như một phép lạ” ở mức 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu đã đề ra năm 2015.

Ông cảnh báo, Trái đất nhiều khả năng sẽ càng nóng hơn nữa, đến độ đó là “án tử hình” cho một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh hay Hà Lan, cùng một số quốc đảo nhỏ.

Ngoài ra, nhiều siêu đô thị trên từng lục địa sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng từ mực nước biển dâng, gồm: Bangkok (Thái Lan); Jakarta (Indonesia); Thượng Hải (Trung Quốc); Mumbai (Ấn Độ); Lagos (Nigeria); Cairo (Ai Cập); Copenhagen (Đan Mạch); Los Angeles, New York (Mỹ); Buenos Aires (Argentina) và Santiago (Chile).

sea.jpg
Nước biển xâm thực, tàn phá đường sá - Ảnh: whoi.edu

Ông Guterres cho biết, mực nước biển dâng có thể tăng gấp đôi, nếu nhiệt độ tăng lên 2 độ C và có thể tăng theo cấp số mũ khi nhiệt độ tăng cao hơn nữa.

Tổng thư ký LHQ cho biết, trong cùng ngày, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố dữ liệu cho thấy sự nguy hiểm nghiêm trọng khi mực nước biển dâng.

Ông cho biết: “Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900 so với bất kỳ thế kỷ nào trước đó trong 3.000 năm qua. Đại dương toàn cầu đã nóng lên nhanh hơn trong thế kỷ qua so với bất kỳ thời điểm nào trong 11.000 năm qua”.

Theo các dữ liệu WTO, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng khoảng từ 2 đến 3 mét trong 2.000 năm tới, nếu sự nóng lên của Trái đất được kiềm chế ở mức 1,5 độ C. Còn nếu tăng lên 2 độ C, nước biển có thể dâng cao 6 mét và nếu tăng lên đến 5 độ C thì nước biển có thể dâng cao 22 mét.

Ông Guterres nói: “Thế giới của chúng ta đang vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C, và với các chính sách hiện tại, đang hướng tới 2,8 độ C, một bản án tử hình đối với các quốc gia dễ bị tổn thương”.

Ông khẳng định, điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không thể tưởng tượng được. Các cộng đồng dân cư ở những vùng trũng thấp và toàn bộ các quốc gia có thể biến mất; thế giới sẽ phải chứng kiến ​​một cuộc di cư ồ ạt và cuộc cạnh tranh nước ngọt, đất đai cùng các nguồn tài nguyên khác sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tổng thư ký LHQ đã cố gắng kêu gọi thế giới chú ý đến những nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra, từ đó thế giới có những cách đối phó.

Hồi tháng 10.2022, ông Guterres đã cảnh báo, thế giới đang trong “một cuộc đấu tranh sinh - tử” để sinh tồn vì “rối loạn khí hậu đang chạy phi mã”, đồng thời, cáo buộc 20 quốc gia giàu nhất thế giới không nỗ lực ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng dần lên.

Qua tháng 11.2022, ông nói Trái đất đang hướng đến những “rối loạn khí hậu” không thể tránh được, và kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện đúng các giải pháp kéo giảm lượng khí thải; thực hiện các cam kết tài chính giúp đối phó biến đổi khí hậu, giúp các nước đang phát triển tăng tốc chuyển qua sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Mực nước biển dâng cao và những hậu quả đối với nền kinh tế
Các nhà khoa học cảnh báo: nếu nhân loại không giảm khí thải nhà kính, 50% các bãi cát trên thế giới sẽ chìm trong nước hoặc bị phá hủy do xói mòn, gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là du lịch và cũng sẽ khiến các khu vực ven biển dễ bị tổn thương hơn bởi thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thư ký LHQ: Nước biển dâng là ‘án tử' đối với một số quốc gia