Chỉ trong một thời gian ngắn, cả Tổng thống Pháp lẫn cựu Ngoại trưởng Mỹ đã “quay xe” trong quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine và cách kết thúc nó.

Tổng thống Pháp và ông Kissinger 'nói lại' về cách kết thúc cuộc chiến ở Ukraine

Quỳnh Yên | 12/06/2022, 13:01

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả Tổng thống Pháp lẫn cựu Ngoại trưởng Mỹ đã “quay xe” trong quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine và cách kết thúc nó.

“Nước Pháp mong muốn Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga và sẵn sàng tham gia vào chiến dịch gỡ bỏ phong tỏa cảng Odessa để ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu”. Điện Élysée hôm thứ Sáu (10.6) đưa ra tuyên bố như trên, theo AFP.

“Như Tổng thống đã có dịp nói, chúng tôi mong muốn Ukraine chiến thắng. Chúng tôi mong toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục”, người phát ngôn điện Élysée nói, nhằm phản hồi những câu hỏi về lời kêu gọi trước đó của Tổng thống Emmanuel Macron rằng “không nên làm nhục nước Nga”.

“Chúng tôi mong muốn cuộc xung đột này, cuộc chiến của nước Nga chống Ukraine chấm dứt càng sớm càng tốt và khởi động các cuộc đàm phán nhằm không chỉ khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine mà còn xem xét cả những yếu tố rất quan trọng khác như công lý chuyển tiếp (xét xử tội ác chiến tranh), bồi thường thiệt hại chiến tranh…”, người phát ngôn nói tiếp.

Những tuyên bố của Tổng thống Macron đã khiến một số nước Đông Âu nghi ngờ lập trường của Pháp muốn đạt được ngừng bắn bằng mọi giá, kể cả nguy cơ phía Ukraine phải chấp nhận nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga.

french.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Các nước châu Âu khác, từ Anh cho đến ba quốc gia Baltic thì kêu gọi phương Tây ủng hộ Ukraine cho đến khi giành thắng lợi và bác bỏ mọi sự nhượng bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập từ 2014.

“Không thể chấp nhận, dù với bất kỳ điều kiện nào, việc đánh chiếm lãnh thổ nước khác bằng quân sự”, điện Élysée nhấn mạnh.

Một cố vấn của Tổng thống Macron nói thêm: “Chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng Ukraine phải chiến thắng trong cuộc xung đột này và mặt khác chúng tôi cũng tìm kiếm những phương tiện để đạt tới một nền hòa bình được thương lượng trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Ukraine".

Trong khi đó thì theo tạp chí NOEMA của Viện nghiên cứu Berggruen - một viện nghiên cứu độc lập về các vấn đề chính trị-kinh tế của thế kỷ 21, đặt trụ sở tại Los Angeles - cũng trong tuần qua, tại một cuộc họp của Hội đồng Tre Oci của viện này ở Venice, Ý, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đưa ra quan điểm của mình về cách kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và về tương lai đầy nguy cơ của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Eric Schmidt, cựu CEO của Alphabet/Google và đồng tác giả với Kissinger của cuốn sách Thời đại của AI và tương lai nhân loại, Kissinger đưa ra đánh giá cho rằng Nga đã thua cuộc chiến Ukraine về mặt chiến lược vì đã không hoàn thành được những mục tiêu ban đầu của cuộc tiến công. Hậu quả là quân đội Nga mất “ánh hào quang”, dẫn đến thay đổi kịch tính trong tính toán cán cân lực lượng và sự tập hợp địa chính trị vốn đã hình thành ở châu Âu từ sau Thế chiến thứ 2.

kissing.jpg
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong một sự kiện tại Berlin vào 21.1.2020

Phản hồi những ý kiến tranh luận về những nhận xét mới đây của ông về ngừng bắn và đàm phán ở Ukraine, Kissinger đã nói rõ hơn quan điểm của mình. Đó là: những lãnh thổ do Nga chiếm được sau cuộc tiến quân vào Ukraine ngày 24.2 không thể nằm dưới quyền kiểm soát của Nga và phải được trả lại, ông nhấn mạnh. Chỉ khi nguyên trạng trước (ngày 24.2) được khôi phục, khi đó mới có thể có hiệp định ngừng bắn và đàm phán về những phần lãnh thổ tranh chấp khác từ trước khi diễn ra cuộc tiến quân. Cựu Ngoại trưởng Mỹ lưu ý rằng bản thân Tổng thống Ukraine V. Zelensky cũng chia sẻ quan điểm này.

Kissinger cũng đưa ra nhận định, lịch sử gợi ý cho chúng ta rằng, sự liên kết “không giới hạn” hiện tại giữa Nga và Trung Quốc sẽ không thể lâu dài. Vấn đề cốt lõi trước mắt với Mỹ là quan hệ với Trung Quốc. Trên hết, hai cường quốc hạt nhân phải tránh để rơi vào một trạng thái “đối đầu thường trực” với nguy cơ những cuộc xung đột nhỏ có thể leo thang thành một cuộc chiến thảm họa. Giải pháp thay thế duy nhất cho chiều hướng đó là khuyến khích Trung Quốc tham gia vào một hệ thống quốc tế chung. Tối thiểu thì lãnh đạo hai nước phải thường xuyên gặp gỡ và thiết lập những kênh thông tin sẵn sàng để tránh phán đoán sai, tính toán sai, dẫn đến chiến tranh.

Như vậy, trong một thời gian ngắn, cả Tổng thống Pháp lẫn cựu Ngoại trưởng Mỹ đã “quay xe” trong quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine và cách kết thúc nó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Pháp và ông Kissinger 'nói lại' về cách kết thúc cuộc chiến ở Ukraine