Chuyến thăm Lào của Tổng thống Obama đã đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Lào. Đài truyền hình NBC của Mỹ đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang nỗ lực hàn gắn quá khứ chiến tranh để hướng đến đẩy mạnh hợp tác song phương với Lào.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith tại thủ đô Vientiane vào sáng 6.9 trong chuyến công du Lào kéo dài 3 ngày. Tại buổi gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo tại dinh Chủ tịch, Tổng thống Obama thừa nhận giữa 2 nước từng có một quá khứ khó khăn và hy vọng 2 bên có thể thảo luận những vấn đề tương lai trong mối quan hệ song phương Mỹ - Lào.
Ông Obama cũng là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên công du đến Lào. Chuyến thăm Lào lần này của Tổng thống Obama với mục đích xây dựng lại niềm tin giữa 2 quốc gia và nhằm xoa dịu quá khứ chiến tranh giữa 2 nước, theo nhận định của kênh truyền hình PBS (Mỹ).
Trong chuyến thăm Lào, Tổng thống Obama cũng tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 và các hội nghị liên quan tổ chức tại Vientiane bắt đầu từ ngày 6.9.
Chuyến thăm Lào lần này có thể sẽ là chuyến công du cuối cùng của Tổng thống Obama đến Đông Nam Á, khu vực đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính phủ Mỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Các chuyến công du đến những nơi từng ít được chính phủ Mỹ lưu tâm tại khu vực châu Á –Thái Bình Dương được xem là hoạt động trọng tâm trong chính sách của ông Obama nhằm đối chọi với hoạt động bành trướng thế lực ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này.
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith duyệt binh tại Vientiane ngày 6.9 - Ảnh: AP
Chính phủ của ông Obama thông qua việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam, Campuchia và Lào đã cho thấy quyết tâm muốn cạnh tranh ảnh hưởng và thị trường với Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Hàn gắn lịch sử chiến tranh
Trong chuyến công du đến Lào lần này, Tổng thống Obama mong muốn đề cập đến các vấn đề đang là vết nhơ trong lịch sử quan hệ song phương giữa 2 nước.
Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960-1970, Mỹ đã rải một số lượng lớn bom đạn xuống làng mạc và vùng nông thôn của Lào. Chính phủ Lào ước tính Mỹ đã ném tổng cộng hơn 2 triệu tấn bom xuống Lào, tương đương với một quả bom được ném cứ mỗi 8 phút trong vòng 9 năm.
Ước tính hiện nay có khoảng 80 triệu quả bom bi chưa phát nổ do Mỹ ném đang nằm rải rác khắp các cánh đồng làng quê nghèo của Lào, gây ra nhiều nguy hiểm cho người dân địa phương.
Một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Lào lần này là việc ông Obama sẽ lên tiếng thừa nhận trách nhiệm của chính phủ Mỹ trong các chiến dịch ném bom cũng như tác hại của hành động đó đối với tình hình phát triển kinh tế, du lịch và nông nghiệp của Lào.
Ông cũng có kế hoạch sẽ thông báo tăng cường viện trợ cho Lào để giải quyết số bom mìn chưa nổ, đổi lấy việc Vientiane sẽ giúp tìm kiếm lính Mỹ chết trận hoặc mất tích tại Lào.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc trước khi đến Lào, Tổng thống Obama cho rằng các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề lịch sử do chiến tranh gây ra sẽ thể hiện thiện chí và giúp mở đường cho bước tiếp theo trong việc phát triển mối quan hệ song phương.
Ông Obama nhắc tới Việt Nam như là mô hình tiêu biểu trong chính sách ngoại giao của ông muốn thực hiện tại Lào. Trong chuyến công du Việt Nam vào tháng 5.2016, Tổng thống Obama trong bài phát biểu tại Hà Nội tuyên bố rằng ông “quan tâm đến quá khứ, quan tâm đến lịch sử khó khăn giữa 2 nước, nhưng muốn tập trung vào tương lai”.
Hướng tới người trẻ và quan hệ song phương trong tương lai
Tại Việt Nam và Lào, sự kiện ông Obama chưa từng nhập ngũ và tham chiến tại Việt Nam đã giúp ông có thể đề cập đến vấn đề lịch sử dễ dàng hơn và nói chuyện trực tiếp được với những người bản xứ trẻ chưa từng biết đến chiến tranh.
Tại Lào, Tổng thống Obama sẽ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ không chính thức với những người trẻ như ông đã từng làm tại các quốc gia Đông Nam Á khác. Theo thông tin của Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp Lào cũng như mở rộng hơn nữa các hoạt động chính trị tại đây.
Anysay Keola, một người làm phim trẻ tại Vientiane, nhận xét: “Ông ấy được xem như một ngôi sao. Mọi người đều trầm trồ về máy bay, xe Cadillac của ông ấy”.
Keola (33 tuổi), người chưa từng biết đến chiến tranh, cho biết nhiều bạn bè xung quanh đang rất phấn khởi chờ đón ông Obama, tuy nhiên không phải vì lý do chính trị mà chủ yếu vì ông Obama là người nổi tiếng.
Mặc dù Mỹ được xem là một quốc gia giàu có với nhiều sức ảnh hưởng nhưng Trung Quốc lại được xem là quốc gia láng giềng lớn đang góp phần thúc đẩy kinh tế của Lào. Nhiều công trường khổng lồ mọc lên tại Vientiane với các dòng chữ tiếng Hoa được ghi bên ngoài. Trung Quốc cũng đầu tư 7 tỉ USD để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Lào.
Huỳnh Hy (tổng hợp)