Tờ Washington Post (Mỹ) hôm 3.8 đã đăng bài xã luận được cho là do tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum viết.

Tổng thống Niger bị phế truất kêu gọi Mỹ can thiệp

Hoàng Vũ (theo Washington Post, RT) | 04/08/2023, 11:40

Tờ Washington Post (Mỹ) hôm 3.8 đã đăng bài xã luận được cho là do tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum viết.

Trong bài xã luận, ông Bazoum đã yêu cầu Mỹ giúp đỡ để đánh bại chính quyền quân sự đã lên nắm quyền vào tuần trước.

“Tôi viết những dòng này khi đang là một con tin. Niger đang bị tấn công bởi một chính quyền quân sự đang cố gắng lật đổ nền dân chủ của chúng tôi”, ông Bazoum viết, đồng thời nhấn mạnh cuộc đảo chính tuần trước “không có lý do chính đáng nào” và là một “nỗ lực hoài nghi nhằm phá hoại những tiến bộ đáng kể mà Niger đã đạt được dưới chế độ dân chủ”.

tong-thong-niger.png
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chụp ảnh với Tổng thống Nigeri Mohamed Bazoum trong cuộc gặp tại dinh tổng thống ở thủ đô Niamey ngày 18.3 - Ảnh: AP

“Tôi kêu gọi chính phủ Mỹ và toàn bộ cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi khôi phục lại trật tự hiến pháp của mình. Đấu tranh cho các giá trị chung của chúng tôi, bao gồm đa nguyên dân chủ và tôn trọng pháp quyền. Đó là cách duy nhất để đạt được tiến bộ bền vững chống lại nghèo đói và khủng bố”, nhà lãnh đạo bị lật đổ viết.

Bazoum cho rằng chính phủ của ông đã đạt được tiến bộ lớn trong “quản trị kinh tế và xã hội”, hợp tác với Mỹ để giảm thiểu các mối đe dọa khủng bố. Ông cho biết Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ đã chuyển trọng tâm từ công việc nhân đạo sang “xây dựng năng lượng bền vững, cải thiện năng suất nông nghiệp và giáo dục nhằm noi gương Nigeria”.

Tổng thống bị quân đội phế truất của Niger tiết lộ rằng viện trợ nước ngoài chiếm 40% ngân sách của đất nước, nhưng hiện đang bị chặn do lệnh trừng phạt của Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Theo ông Bazoum, Niger “là pháo đài cuối cùng của sự tôn trọng nhân quyền giữa các thể chế độc tài đã lấn át một số nước láng giềng”. Ông cũng chỉ trích Mali và Burkina Faso về việc đã hợp tác với tập đoàn Wagner “tàn bạo”.

bai-xa-luan.png
Bài xã luận của Tổng thống Mohamed Bazoum được đăng trên báo Washington Post của Mỹ - Ảnh: Washington Post

“Trừ khi Mỹ và ECOWAS can thiệp, nếu không Wagner sẽ được mời vào khu vực và toàn bộ miền trung Sahel có thể rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga”, ông Bazoum viết.

Chính quyền mới Niger hủy bỏ quan hệ quân sự với Pháp

Quân đội Niger ngày 26.7 đã đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum, người được cho là đã bị bắt giữ từ ngày 19.7. Hai ngày sau đó, tướng Abdourahamane Tchiani - người đứng đầu cuộc đảo chính tuyên bố lên nắm quyền trong sự phản ứng mạnh mẽ của châu Âu và Nhóm cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

ECOWAS đã ra tối hậu thư đòi quân đội Niger trao trả quyền lực trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, chính quyền quân sự 2 nước láng giềng Mali và Burkina Faso, vốn ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger, cũng đã cảnh báo sẽ tham chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.

Các tướng lĩnh của chính quyền quân sự Niger cũng tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ "sự xâm lược" nào của phương Tây hoặc ECOWAS.

Người đứng đầu chính quyền quân sự tại Niger, tướng Abdourahamane Tchiani trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 2.8 nói rằng ông “bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt, và từ chối sự nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào, dù nó đến từ đâu”.

“Nếu ECOWAS theo đuổi logic hủy diệt của mình đến cùng, xin thánh Allah trông chừng Niger và đảm bảo rằng đây là trận chiến vĩ đại cuối cùng mà chúng tôi sẽ cùng nhau chiến đấu vì nền độc lập thực sự của quốc gia mình”, ông nói.

Đáng chú ý, Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc quốc gia Niger đã lên án hiệp ước quân sự với Pháp và cảnh báo các quốc gia châu Phi láng giềng không được can thiệp, theo AFP.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 3.8, một đại diện của chính phủ quân sự nói rằng Niger sẽ đình chỉ “ngay lập tức” tất cả các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, bao gồm cả thỏa thuận mà theo đó Paris đã triển khai khoảng 1.500 quân tại khu vực Sahel.

Ứng phó đảo chính tại Niger có thể leo thang thành chiến tranh tại châu Phi

Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh Kinh tế và tiền tệ Tây Phi (WAEMU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ mới của Niger vào tuần trước, đình chỉ tất cả các giao dịch tài chính và đóng băng tài sản của nước này tại các quốc gia thành viên ECOWAS. 

Các ngân hàng phát triển khu vực đã cắt mọi hỗ trợ, cũng như EU và Pháp. Mỹ và Liên minh châu Phi cũng đe dọa sẽ làm theo.

ECOWAS cũng đã ra tối hậu thư cho Niger phải khôi phục Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trước ngày 6.8 hoặc đối mặt với sự can thiệp quân sự.

Theo truyền thông địa phương, nước láng giềng phía nam của Niger là Nigeria đã bắt đầu tập trung quân đội ở biên giới.

Một phái đoàn Nigeria đã bay tới thủ đô Niamey của Niger hôm 3.8 để đàm phán với chính quyền mới của tướng Abdourahamane Tchiani. Một phái đoàn Nigeria khác đã được cử đến Algeria và Libya - cả hai quốc gia đều đã phát đi tín hiệu ủng hộ chính phủ mới ở Niamey.

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu đã đưa ra một tuyên bố rằng ông đã chỉ thị cho cả hai phái đoàn làm “bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo một giải pháp hữu hiệu và thân thiện cho tình hình ở Niger”.

“Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh thế giới ở châu Phi. Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) có hành động quân sự để loại bỏ chính phủ mới của Niger, thì các đồng minh như Burkina Faso và Mali có thể sẽ đến bảo vệ quốc gia này”, Chủ tịch Viện Tự do châu Phi Franklin Nyamsi cho báo RT (Nga) biết hôm 3.8

Nyamsi lập luận rằng ECOWAS đang hành động vì lợi ích của Mỹ và NATO, cũng như Bazoum, và không có thẩm quyền trong điều lệ của mình để tấn công một trong các thành viên của mình.

“Họ đang làm việc cho các lợi ích nước ngoài, các lợi ích của chủ nghĩa đế quốc kiểu mới thuộc địa. Và tổ chức này vĩnh viễn tuân theo các quyết định của các thế lực chính trị Pháp, các thế lực chính trị châu Âu, các thế lực chính trị Mỹ”, ông Nyamsi nói.

Theo Chủ tịch Viện Tự do châu Phi, sự can thiệp quân sự của ECOWAS sẽ là một “lời tuyên chiến” không chỉ chống lại Niger mà còn chống lại các nước bất đồng chính kiến, bao gồm Burkina Faso, Mali và có thể cả Guinea.

“Các quốc gia đó đã tuyên bố rõ ràng rằng họ phản đối việc lặp lại những gì đã xảy ra với Libya năm 2011 khi NATO lật đổ chính phủ. Kết quả là sự bất ổn lớn hơn ở khu vực Sahel vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Thật không thể tin được rằng ECOWAS lại tham gia vào một cuộc tấn công mới nhằm vào châu Phi chỉ vì các thế lực tư bản phương Tây có rất nhiều ý định nắm giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời của châu Phi”, Nyamsi nhấn mạnh.

“Chúng ta đang ở trong một tình huống nguy hiểm cho toàn hành tinh. Nếu chúng ta không đàm phán, nếu chúng ta không tìm kiếm sự đồng thuận, nếu chúng ta không tôn trọng luật pháp quốc tế thì chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ cho toàn nhân loại”, ông Nyasmi cảnh báo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Niger bị phế truất kêu gọi Mỹ can thiệp