Khuya 22.5 (giờ Mỹ) báo Washington Post đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ‘xúi’ sếp tình báo chối phắt vụ nhóm tranh cử thông đồng với quan chức Nga, bằng cách yêu cầu họ công khai phản đối cuộc điều tra của FBI.

Tổng thống Mỹ Donald Trump 'xúi' sếp tình báo chối phắt nghi ngờ nhóm tranh cử thông đồng với quan chức Nga

Trần Trí | 24/05/2017, 14:33

Khuya 22.5 (giờ Mỹ) báo Washington Post đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ‘xúi’ sếp tình báo chối phắt vụ nhóm tranh cử thông đồng với quan chức Nga, bằng cách yêu cầu họ công khai phản đối cuộc điều tra của FBI.

Theo hai cựu và đương kim quan chức tình báo cho tờ báo Mỹ biết, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Đô đốc Michael Rogers,giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) và Giám đốc tình báo quốc gia (DNI) Dan Coats thay nhau công khai bác bỏ sự thông đồnggiữa nhóm tranh cử của ông Trump với các quan chức Nga trongcuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Lời 'xúi' được ông Trump đưa ra, sau khi giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey tiết lộ FBI đang điều tra vụ thông đồng, lúc ông dự cuộc điều trần ngày 20.3 trước Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ.

Các nguồn tin cho biết cả hai ông Coats và Rogers đều không chấp nhận lời “xúi” của ông Trump, vì họ cho rằng làm thế là không chính đáng.

Các nguồn tin còn nói một nhân viên cấp cao ở Nhà Trắng cũng trao đổi với các quan chức tình báo, về khả năng Nhà Trắng can thiệp trực tiếp vào cuộc điều tra của FBI.

Theo một quan chức tình báo, nhân viên cấp cao này hỏi: “Liệu chúng tôi có thể yêu cầu ông ấy ngưng cuộc điều tra ? Liệu ông có thể giúp vụ này ?”.

Hai tuần qua, chính phủ Mỹ đang bị chìm trong vụ tranh cãi, sau khi ông Trump quyết định sa thải giám đốc FBI Comey ngày 9.5.

Sau đó nổi lên thông tin ông Trump cách chức ông Comey “vìvụ Nga”, theo lời ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ cũng bị tai tiếng tiết lộ tin tình báo tuyệt mật cho các quan chức Nga ngay tại Phòng Bầu Dục ngày 10.5.

Hai sếp tình báo Daniel Coats (trái) và Đô đốc Michael Rogers

Cố vấn an ninh quốc gia ráng 'lách' khỏi cuộc điều tra

Theo biên bản mà ông Comey viết sau cuộc họp với ông Trump hồi tháng 2, ông Trump yêu cầu giám đốc FBI hủy cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Cuộc họp này diễn ra một ngày sau khi ông Flynn bị ông Trump buộc phải từ chức ngày 13.2, với lý do ông Flynn “nói láo” với các quan chức về cuộc điện thoại giữa ông với Sergey Kislyak, Đại sứ Nga tại Mỹ.

Theo các cựu quan chức Mỹ, trong cuộc nói chuyện này, ông Flynn đã trấn an ông Kislyak rằng Washington sẽ không tăng thêm mức trừng phạt Nga.

Hãng tin CNN còn nêu ông Flynn hứa với Đại sứ Nga rằng chính phủ Trump sẽ xem xét lại quyết định trừng phạt Nga một khi ông Trump nhậm chức.

Hai ông Flynn-Kislyak đã biết nhau từ hơn 4 năm qua, ông Flynn thường dự các sự kiện do Nga tổ chức.

Ông Flynn còn từng nhận 53.000 USD của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không báo cáo, trong thời gian ông Trump tranh cử Tổng thống.

Tuần trước, báo New York Times đưa tin nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã biết chuyện tướng Flynn bị điều tra từ trước khi ông Trump nhậm chức ngày 20.1.

Tướng Flynn chỉ từ chức một tháng sau đó, và 18 ngày sau khi cựu Tổng chưởng lý tạm quyền Sally Yates cảnh báo Nhà Trắng rằng tướng Flynn có thể bị Nga tống tiền.

Ngày 22.5, các nghị sĩ đảng Dân chủ ở Ủy ban giám sát Hạ viện công bố bức thư cáo buộc ông Flynn nói dối với các nhà điều tra của Lầu Năm Góc, về những khoản thu nhập ông có từ các công ty Nga, cùng mối quan hệ giữa ông với các quan chức Nga lúc ông chuẩn bị nhận chức cố vấn an ninh quốc gia.

Ngày 22.5, hãng tin AP đưa tin tướng Flynn sẽ vận dụng Tu chính án số 5 đểtừ chối nộp các tài liệu cá nhân từ tháng 6.2015 đến tháng 1.2017cho Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ.

Ủy ban này đã có trát đòi ông Flynn nộp các tài liệu này hôm 10.5, hy vọng có được các tài liệu cho thấy có sự kết nối giữa nhóm tranh cử của ông Trump với các doanh nhân và quan chức Nga, gồm tin nhắn, e-mail, thư từ, cuộc gọi điện thoại và tài liệu tài chính.

Bằng cách vận dụng Tu chính án số 5, ông Flynn có thể sử dụng quyền được ghi trong Hiến pháp Mỹ cho phép công dân có quyền từ chối đưa ra các tài liệu có thể khiến họ tự buộc tội mình, hoặc là “bằng chứng chống lại chính họ”.

Hồi tháng 4, luật sư của tướng Flynn tuyên bố ông sẽ không tự nguyện tham gia điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện, nếu như ông không được đảm bảo sẽ được xét xử công bằng.

Ông Trump cũng nói tướng Flynn có quyền yêu cầu được miễn tội.

Tướng Flynn (bìa phải) trước khi bị cách chức

Liệu có khả năng ông Donald Trumpbị luận tội "cản trở công lý"?

Ngày 17.5, cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định giám sát cuộc điều tra của FBI về nghi án nhóm tranh cử của ông Trump cấu kết với các quan chức Nga.

Ngày 19.5, báo Washington Post đưa tin FBI đã gặp một cố vấn Nhà Trắng thân cận ông Trump, theo người biết chuyện.

Những thông tin nóng nổi lên trong vài tuần qua, buộc các nhà phân tích pháp lý và nghị sĩ xem xét khả năng Tổng thống Donald Trump bị luận tộivề tội cản trở công lý, từ chuyện đòi giám đốc FBI hủy điều tra ông Flynn rồisa thải ông Comey vì tội bất tuân lệnh, và rồi thừa nhận sa thải ông Comey vì cuộc điều tra Nga.

Nay lại thêm khả năng ông Trump yêu cầu hai sếp tình báo “nói láo”, thì đó là lý do mạnh cho thấy ông tìm cáchlợi dụng họ làm công cụ cản trở một cuộc điều tra đang diễn ra.

Các quan chức tình báo cấp cao còn nói việc ông Trump yêu cầu hai sếp tình báo Coats và Rogers “nói láo” có thể đe dọa tính độc lập của các cơ quan tình báo Mỹ, và có thể bị xem là một nỗ lực làm mất uy tín của FBI.

Trung Trực (theo Washington Post)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mỹ Donald Trump 'xúi' sếp tình báo chối phắt nghi ngờ nhóm tranh cử thông đồng với quan chức Nga