Nói về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết rằng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã yêu cầu tổng thầu Trung Quốc sớm sang Việt Nam để bàn bạc cụ thể và toàn diện...

Tổng thầu Trung Quốc sẽ sớm qua Việt Nam bàn cụ thể dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

22/01/2020, 12:27

Nói về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết rằng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã yêu cầu tổng thầu Trung Quốc sớm sang Việt Nam để bàn bạc cụ thể và toàn diện...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. Ảnh: VGP

Sáng 21.1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, VGP thông tin. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (18.1.1950-18.1.2020).

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Với hơn 2.800 dự án đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 7 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương ước đạt 116,8 tỉ USD, tăng 9,5%, trong đó có tới 1/3 lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc.

Đó là những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và tiềm năng của 2 nước.

Trên cơ sở thành quả quan hệ hai nước trong 70 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị 2 bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tiếp tục duy trì giao lưu và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao; đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại và đầu tư.

Phó Thủ tướng mong muốn Đại sứ Hùng Ba với vai trò của mình sẽ thúc đẩy để ngày càng có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cân bằng cán cân thương mại.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hợp tác thương mại Việt - Trung cần phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng, bền vững; cùng hợp tác xử lý dứt điểm tồn tại của một số dự án để không làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhà đầu tư Trung Quốc. Đồng thời có những dự án mới, tiêu biểu cho trình độ phát triển và công nghệ của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc không ngừng củng cố và có những bước phát triển mới đi vào chiều sâu.

Nhất trí với mục tiêu phát triển thương mại 2 nước lành mạnh, cân bằng, bền vững mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết phía Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy, mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác như giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nội dung buổi tiếp còn đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội hiện vẫn còn chậm tiến độ, chưa thể đưa vào hoạt động.

Theo VGP, nói về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết rằng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rất quan tâm và đã yêu cầu tổng thầu Trung Quốc sớm sang Việt Nam để bàn bạc cụ thể, toàn diện với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý những vướng mắc, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định đã yêu cầu Bộ GTVT và các cơ quan chức năng Việt Nam làm việc với tổng thầu Trung Quốc để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại nhằm đưa công trình vào vận hành, phục vụ nhân dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Trên thực tế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nếu đi vào hoạt động sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân thủ đô. Không chỉ giúp cho môi trường trở nên trong sạch hơn, hạn chế khói bụi và giảm thiểu ô nhiễm do xe cộ gây ra mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đặc biệt là rút ngắn thời gian và tiết kiệm được chi phí đi lại.

Theo TTO, tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm hồi tháng 11.2019 Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông 5 lần chậm tiến độ, chưa thể đưa vào vận hành do còn 4 vấn đề lớn chưa được giải quyết:

Thứ nhất là hội đồng nghiệm thu nhà nước cần phải tiến hành nghiệm thu đánh giá về an toàn khi đưa toàn bộ hệ thống của dự án vào vận hành. Hiện tổng thầu Trung quốc chưa cung cấp toàn bộ chứng minh liên quan nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc cho hội đồng nghiệm thu nhà nước.

Thứ hai là những nội dung về kiểm toán. Tổng thầu Trung Quốc không muốn kiểm toán nhưng người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cho biết ông đã nói rõ quan điểm là bất kể một dự án FDI, vốn ODA của bất cứ nước nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải chấp hành theo pháp luật của Việt Nam, cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền và tổng thầu phải giải trình.

Thứ ba, tất cả các thiết bị liên quan đến nguồn gốc xuất xứ là phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để cung cấp trang thiết bị và các nội dung trong hợp đồng đã ký thì phải thực hiện.

Thứ tư, tất cả các kiến nghị của kiểm toán là phải khắc phục, Hà Nội cũng đồng ý việc này vì sau khi dự án kiểm định sẽ bàn giao cho Hà Nội quản lý và sử dụng.

Thi Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thầu Trung Quốc sẽ sớm qua Việt Nam bàn cụ thể dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?