Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, các quy định về những loại hình du lịch mạo hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của khách du lịch đã được quy định rất chi tiết trong Nghị định 168 của Chính phủ... nên không đưa thêm cảnh báo với du khách.

Tổng cục Du lịch VN nói gì về du lịch mạo hiểm trước vụ mắc kẹt của đội bóng Thái Lan?

Dantri | 10/07/2018, 11:28

Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, các quy định về những loại hình du lịch mạo hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của khách du lịch đã được quy định rất chi tiết trong Nghị định 168 của Chính phủ... nên không đưa thêm cảnh báo với du khách.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II - năm 2018, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Không phải đến thời điểm này, du lịch Việt Nam mới chú trọng đưa ra những cảnh báo với người tham gia loại hình du lịch này.

Trước đó, do lường trước được những loại hình du lịch mạo hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của khách du lịch nên Nghị định 168 của Chính phủ đã quy định rất chi tiết các nội dung này. Cụ thể, các đơn vị tổ chức dịch vụ du lịch mạo hiểm cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách như thế nào. Phải có cảnh báo, có phương án cứu hộ cứu nạn, sử dụng hướng dẫn viên được đào tạo và các trang thiết bị - dụng cụ đảm bảo tiêu chuẩn… ra sao.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam trả lời thắc mắc của báo chí tại họp báo.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải có trách nhiệm như thế nào, kiểm tra và giám sát ra làm sao. Đơn vị quản lý khu - điểm du lịch, nơi tổ chức các điểm du lịch đấy cũng phải có trách nhiệm như thế nào. Công ty lữ hành đưa khách đến có trách nhiệm như thế nào. Nội dung này được quy định rất rõ trong Nghị định 168 của Chính phủ nên với sự việc xảy ra với đội bóng thiếu niên Thái Lan, du lịch mạo hiểm Việt Nam không đưa ra thêm các cảnh báo với du khách”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho biết, du lịch mạo hiểm Việt Nam đã từng xảy ra nhiều vụ việc gây chấn động dư luận do những thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra với người tham gia trải nghiệm và gia đình các nạn nhân.

Gần đây nhất có thể kể đến vụ một phượt thủ đã mất mạng tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng (địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận). Ngay sau đó, 72 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ tử vong tại thác Lao Phào trở về với gia đình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, từ những sự việc đáng tiếc xảy ra ở loại hình du lịch mạo hiểm thời gian vừa qua cần đặt trách nhiệm, vai trò của chính quyền địa phương, công ty du lịch, hướng dẫn viên, người tham gia... lên cao. Các tai nạn xảy ra với du khách trong quá trình khám phá du lịch mạo hiểm thường xảy ra ở các địa bàn giáp ranh, hoặc tại các địa phương còn lơ là trách nhiệm quản lý...

Trong khi đó, bà Yolanda Perdomo, Giám đốc Chương trình Hợp tác của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO Affliate Members Programme) khẳng định, du lịch mạo hiểm là một trong những xu hướng du lịch tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến những điểm mới, ít nổi tiếng để khám phá, tìm những trải nghiệm mới lạ. Nhiều quốc gia đang rất coi trọng phát triển du lịch mạo hiểm bởi những lợi thế về sinh thái, văn hóa và kinh tế của loại hình du lịch này.

Cũng theo bà Yolanda Perdomo, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình 3/4 là đồi núi, hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia rộng lớn, và bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Đỉnh Fansipan, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng, dãy Liang Biang là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi. Hệ thống hang động thu hút sự chú ý của những người ưa mạo hiểm trên khắp thế giới như tại Phong Nha - Kẻ Bàng với động Phong Nha - Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng.

Bờ biển dài và các hòn đảo đẹp là địa điểm thuận lợi cho nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm như lặn biển, đua thuyền buồm, lướt ván. Hệ thống sông và hồ dày đặc lại là tiềm năng cho các tour du lịch chèo thuyền, vượt thác… Ngoài lợi thế về địa hình, Việt Nam còn có lợi thế to lớn về văn hóa với 54 dân tộc, nhiều phong tục tập quán, lễ hội vẫn được duy trì và gìn giữ. Một số hoạt động du lịch mạo hiểm đã bắt đầu được thực hiện tại các địa điểm này đang được ưa chuộng trong thị trường khách quốc tế và nội địa.

Chương III của Nghị định 168 quy định về việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch có phân định rõ. Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch khi có một hoặc một số hoạt động sau đây:

1. Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao.

2. Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.

3. Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay.

4. Thám hiểm hang động, rừng, núi.

Biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch:

1. Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.

2. Có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm.

3. Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp.

4. Phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.

5. Cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân:

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này:

a) Thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 9 Nghị định này (Nghị định 168)

b) Thông báo bằng văn bản cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh;

c) Tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn quy định tại Điều 9 Nghị định này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng được các biện pháp bảo đảm an toàn, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản yêu cầu hoàn thiện, bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn và chỉ được kinh doanh sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch:

a) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định tại Điều 9 Nghị định này của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch trong phạm vi quản lý;

b) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch;

c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra rủi ro đối với khách du lịch.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch;

b) Sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch cung cấp trong trường hợp không trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch này.

Theo Hà Tùng Long – Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng cục Du lịch VN nói gì về du lịch mạo hiểm trước vụ mắc kẹt của đội bóng Thái Lan?