Trong khi tổng nguồn vốn của công ty là 6.560 tỉ đồng thì nợ phải trả là 5.309 tỉ đồng, chiếm 77%. Đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư thấp...

Tổng công ty xây dựng HN: Nợ lớn, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả

tuyetnhung | 23/12/2017, 06:31

Trong khi tổng nguồn vốn của công ty là 6.560 tỉ đồng thì nợ phải trả là 5.309 tỉ đồng, chiếm 77%. Đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư thấp...

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hàng loạt các vấn đề về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hancorp).

Bộ Tài chính nhận định cơ cấu vốn và nợ phải trả của Hancorp tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính trong trường hợp chủ đầu tư không kịp thời thanh toán hoặc dự án bị chậm tiến độ. Cụ thể, tính đến ngày 31.12.2016, tổng nguồn vốn của Hancorp là 6.560 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả là 5.309 tỉ đồng, chiếm 77%.

Cơ cấu nợ phải trả gồm: vay ngắn hạn trong nước 718 tỉ đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2015), chủ yếu vay phục vụ hoạt động xây lắp trong khi chờ chủ đầu tư thanh toán; vay dài hạn trong nước là 1.792 tỉ đồng (tăng gấp 2,7 lần so với năm trước), chủ yếu vay để thực hiện các dự án hạ tầng, đô thị với thời gian thực hiên dài; trích trước chi phí các công trình xây dựng là 377 tỉ đồng; trích trước chi phí các dự án bất động sản mà Tổng công ty là chủ đầu tư 732 tỉ đồng.
Vốn điều lệ của Hancorp là 1.410 tỉ đồng, trong đó nhà nước nắm 98,83%.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31.12.2016 là 3,3 lần, tăng so với năm 2015 (2,8 lần). Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu năm 2016 tăng so với 2015, mặc dù chủ yếu do tăng vay nợ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính (xây lắp và bất động sản) nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về tài chính trong trường hợp chủ đầu tư không kịp thời thanh toán hoặc dự án bị chậm tiến độ.

Về đầu tư ra doanh nghiệp bên ngoài, hết tháng 12.2016, tổng giá trị đầu tư ngoài ngành đạt 1.280 tỉ đồng, trong đó có 6 công ty con, 20 công ty liên kết, 14 công ty khác (theo kiểu đầu tư dài hạn)... trong đó nhiều doanh nghiệp, dự án bất động sản lớn tại Hà Nội.

"Đầu tư ngoài ngành của Hancorp không hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư thấp, vốn tập trung chủ yếu tại công ty liên kết khác mà Hancorp không có quyền chi phối, rủi ro mất vốn", Bộ Tài chính nhận định.

Năm 2016, doanh thu của Tổng công ty này là 2.776 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản, xây dựng chiếm 94%, lợi nhuận năm 2016 đạt 128 tỉ đồng. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản là 1,95%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 4,6%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ 7,4%... Với số liệu này, Bộ Tài chính cho rằng kết quả sản xuất kinh doanh của Hancorp chưa cao.

Thời gian vừa qua, Hancorp liên tiếp dính phải lùm xùm tại các dự án công ty này thực hiện, trong đó có dự án Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn nằm phía Tây hồ Tây... Thời điểm 2016, Hancorp bị Thanh tra Chính phủ nêu danh với nhiều vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công công trình với Bệnh viện Nhi trung ương Giai đoạn 2.

Trước tình hình tài chính trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Hancorp rà soát, đánh giá các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn, có biện pháp thoái bớt vốn đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả để tập trung nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính và hoạt động mang lại hiệu quả cao hơn.

Đồng thời rà soát lại các trường hợp công ty con, công ty liên doanh, liên kết có (nếu có) để yêu cầu báo cáo giải trình và có giải pháp cụ thể; Có ý kiến để Hancorp có biện pháp thu hồi cần thiết số nợ phải thu quá hạn, các khoản khách hàng, chủ đầu tư còn nợ chưa thanh toán để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn; Rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và nợ phải thu khó đòi của Tổng công ty đảm bảo theo đúng chê độ quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cần có ý kiến với người đại diện vốn Tổng công ty tại các công ty con, công ty liên kết tăng cường công tác phân tích, đánh giá kỹ các nguyên nhân chính và xây dựng phương án khắc phục khó khăn tài chính đối với các công ty và hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao và/hoặc phát sinh lỗ, lỗ lũy kế; Kiểm tra việc trích trước chi phí các công trình xây dựng và trích trước chi phí các dự án bất động sản mà Hancorp làm chủ đầu tư, trường hợp không đúng quy định đề nghị hoàn nhập thu nhập chịu thuế.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập năm 1982. Tổng công ty là hợp nhất 5 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng gồm: Công ty Xây dựng số 1, Công ty Xây dựng số 3, Công ty Xây dựng số 11, Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội, Xí nghiệp Một Bạch Đằng. Ngành nghề kinh doanh chính của Hancorp là xây dựng, thi công xây lắp; đầu tư bất động sản.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng công ty xây dựng HN: Nợ lớn, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả