Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội như: "hoàng hôn nhiệm kỳ", "nể nang, thoả hiệp", "né tránh va chạm", "vận động, tranh thủ phiếu bầu", "kích động, chia rẽ nội bộ"...

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Tránh chia rẽ nội bộ trước đại hội

Bùi Trí Lâm | 31/12/2019, 10:12

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội như: "hoàng hôn nhiệm kỳ", "nể nang, thoả hiệp", "né tránh va chạm", "vận động, tranh thủ phiếu bầu", "kích động, chia rẽ nội bộ"...

Lần đầu xử được tội nhận hối lộ, tham nhũng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

“Việc xét xử vụ án AVG cho thấy, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xét xử công khai, kết án rất nghiêm minh hai cựu Uỷ viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều quan chức khác về tội tham nhũng, nhận hối lộ, chứ không chỉ là "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tất cả các bị cáo đều đã tâm phục, khẩu phục nhận tội, ăn năn, hối lỗi, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản của Nhà nước”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.

Cùng với đó, kinh tế nhà nước, nhất là DNNN hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc (giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ, các ngân hàng thương mại yếu kém còn nhiều vướng mắc, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra).

Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình, cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho người khác...

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục kế thừa, phát huy các bài học đã rút ra được tại hai hội nghị trước, đồng thời, bổ sung thêm bài học mới của năm nay, đó là đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Dự báo đúng tình hình Biển Đông để ứng phó

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, về kinh tế, cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác.

Về phát triển văn hóa, xã hội, cần chăm lo đời sống người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tích cực triển khai các nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, dân số...

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

“Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh. Nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là về Biển Đông để chủ động, kịp thời ứng phó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Loại bỏ người có tư tưởng bàn lùi

Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài" như tôi vẫn thường nói ở nhiều nơi.

“Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát, xác định rõ và làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật cụ thể như: Xem xét, quyết định danh mục đầu tư công; cho ý kiến vào báo cáo khả thi và lựa chọn nhà thầu xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia...”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu.

Toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.

Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu.

Về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ Đại hội như: "hoàng hôn nhiệm kỳ", "nể nang, thoả hiệp", "né tránh va chạm", "vận động, tranh thủ phiếu bầu", "kích động, chia rẽ nội bộ"...

Lam Thanh
Bài liên quan
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Tránh chia rẽ nội bộ trước đại hội