Nhiều bảo tàng, nhà hát được đầu tư xây dựng hàng chục đến hàng ngàn tỉ đồng, oái oăm thay... "vỏ đẹp nhưng ruột rỗng".

Tốn tiền tỉ xây bảo tàng nhà hát… "vỏ đẹp nhưng ruột rỗng"

Một Thế Giới | 08/08/2015, 15:52

Nhiều bảo tàng, nhà hát được đầu tư xây dựng hàng chục đến hàng ngàn tỉ đồng, oái oăm thay... "vỏ đẹp nhưng ruột rỗng".

Khi con số nợ khổng lồ 1.589 tỉ đồng của Sở Xây dựng Hà Nội nợ Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) từ việc xây Bảo tàng Hà Nội được công bố, nhiều người mới ngỡ ngàng tại sao ngành văn hóa lại nợ nần nhiều đến vậy. Nhưng ngành văn hóa bị oan. 
Món nợ đó thuộc về chủ đầu tư là ngành xây dựng. Số nợ đó nói lên sự bất ổn trong quy trình xây dựng bảo tàng. “Chủ đầu tư là ngành xây dựng. Họ xây bảo tàng. Còn khâu trưng bày - phần quan trọng cốt lõi của Bảo tàng Hà Nội - thì họ thuê ngành văn hóa làm”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói.
Bảo tàng chỉ "có vỏ không có ruột"
Theo ông Huy, nhiều bảo tàng đang được xây theo quy trình ngược. Chính ngành văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng như bị đẩy ra ngoài việc hình thành thiết chế máu thịt của mình. 
Ngoài chuyện chi phí xây dựng cơ bản choán hết đầu tư, lấn át phần đầu tư nội dung còn có chuyện bên xây dựng cũng cầm trịch luôn việc làm nội dung. Ngành văn hóa khi đó bị đi làm thuê ngay trên địa hạt của mình. 
Thậm chí, nếu bên xây dựng không thuê cán bộ Bảo tàng Hà Nội làm nội dung cho bảo tàng đó, mà thuê một nhóm khác, thì Bảo tàng Hà Nội cũng phải chịu. “Không chỉ Bảo tàng Hà Nội như thế, Bảo tàng Quảng Ninh cũng vậy”, ông Huy cho biết.
Còn nhớ, việc cân đối nội dung trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh đã khó khăn đến nỗi, dù được giải thưởng kiến trúc, nhưng công trình này vẫn gần như rỗng ruột. Theo một số nhà chuyên môn về bảo tàng, Bảo tàng Quảng Ninh không thể nói là có trưng bày hấp dẫn được. Thậm chí, ông Trần Trọng Hà, Giám đốc bảo tàng này, từng chia sẻ trên báo chí về cảnh “có vỏ không có ruột” của nó. Ông còn kể thêm nhiều bảo tàng địa phương như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương làm cả chục năm mà vẫn chưa trưng bày xong.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan từng được mời làm dự án nội dung cho Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn truyền thống VN. Dự án này do chính Bộ VH-TT khi đó làm chủ đầu tư. 
Ông Loan cùng đồng nghiệp đã đi điều tra khảo sát hiện vật, Nội dung dự án đã tính kỹ đến phương án trưng bày. Từng gian trưng bày, từng hiện vật, thậm chí cả tư liệu video để tương tác cũng đã được ghi, được chọn. 
“Đầu tư như thế, mấy chục tỉ đồng, rồi biến nó thành cái tào lao. Họ vứt toàn bộ cái nội dung đó đi, trưng bày cái khác. Phí cả công chuyên gia Pháp. Rồi sau đó biến cái bảo tàng đấy thành cái thứ khác. Nó như là phá hoại. Tốn của nhà nước bao tiền cho hết”, ông Loan nhớ lại.
Nhà hát không thể sáng đèn
Ton tien ti xay bao tang nha hat… vo dep nhung ruot rong-hinh-anh-1
 Sân khấu chính của Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang)  với bề ngang quá hẹp. Ảnh: HOÀNG SONG VIỆT
Nhà hát chèo Kim Mã, Hà Nội cũng vậy. Khi các vở diễn của nhà hát chèo này đã theo lối thể hiện như sân khấu phương Tây thì người ta vẫn xây dựng một không gian ba mặt như trong đình làng xưa của chèo. 
Chính điều đó làm cho nhà hát không thể phù hợp với vở diễn. Và nếu như những người xây dựng nhà hát đó ngồi với các nhà văn hóa, nhà phê bình, nghệ sĩ... nghe góp ý phản biện thì sân khấu đó đã không cập kênh đến vậy.
Khi những nhà hát, bảo tàng cứ xây và không có khách, thì ông Huy lại đi làm những dự án nhỏ như Bảo tàng Hải quan, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên... 
“Tôi nghĩ bảo tàng không nhất thiết phải lớn mới được. Đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế của chúng ta, tại sao chúng ta không làm những không gian nhỏ mà có ý nghĩa, hấp dẫn”, ông nói.
Sự nhỏ nhắn, ý nghĩa, hấp dẫn đó theo ông Huy phải bắt đầu từ nội dung, từ các hoạt động được thiết kế cho công chúng. “Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc cắt băng khánh thành thì hoàn toàn sai lầm. Hoàn thành công trình về mặt kiên trúc thôi vẫn chưa đủ”, ông nói.
Với các nhà hát cũng vậy. Để các nhà hát sáng đèn, điều quan trọng không phải là to lớn hay không mà do chính những hoạt động được tổ chức ở đó. Nó phải vì cộng đồng, thân thiện ngay từ khoảng sân trở đi. 
“Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô có sân rất rộng. Và tôi ước gì sân đó được sử dụng để trẻ em chơi trượt patin hay tập hip hop”, ông Nguyễn Đình Thành - một chuyên gia về truyền thông văn hóa nói.
     Theo Trinh Nguyễn/ Thanh Niên
Bài liên quan
ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng, đãi ngộ phù hợp cho nhà giáo
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương vẫn không phù hợp. Do đó, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tốn tiền tỉ xây bảo tàng nhà hát… "vỏ đẹp nhưng ruột rỗng"