Gần như mọi tuyến đường giao thông, thương mại và quân sự kết nối các tỉnh phía Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của quốc gia này đều đi qua một dải đất hẹp được biết đến với cái tên hành lang Siliguri (hay còn gọi là Cổ gà) do sự chắn ngang của Bangladesh. Vị trí xung đột với Trung Quốc nằm ngay gần nơi có thể cắt đôi Ấn Độ đó.

Toàn cảnh vụ xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Himalaya

31/07/2017, 06:47

Gần như mọi tuyến đường giao thông, thương mại và quân sự kết nối các tỉnh phía Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của quốc gia này đều đi qua một dải đất hẹp được biết đến với cái tên hành lang Siliguri (hay còn gọi là Cổ gà) do sự chắn ngang của Bangladesh. Vị trí xung đột với Trung Quốc nằm ngay gần nơi có thể cắt đôi Ấn Độ đó.

Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân với dân số tổng cộng lên đến 2,7 tỉ người, đang bị cuốn vào một cuộc xung đột ở biên giới trong khu vực gần với Bhutan – một vương quốc nằm ở khu vực xa xôi và hẻo lánh dưới chân dãy Himalaya – kể từ giữa tháng 6 vừa qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Đây là vụ xung đột biên giới lớn nhất giữa hai nước kể từ năm 1962 – thời điểm một cuộc chiến biên giới bùng nổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nó được xem là điều sớm muộn sẽ xảy ra khi cả hai cường quốc châu Á này đều đang muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực. Phạm vi chủ yếu của cuộc xung đột được xác định thuộc khu vực ngã ba kết nối giữa Bhutan, khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và Sikkim của Ấn Độ - một vị trí chiến lược quan trọng đủ để lý giải sự kéo dài của cuộc tranh chấp này.

1. Vì sao khu vực ngã ba này lại quan trọng đến thế?

Một trong những lý do hàng đầu giải thích tầm quan trọng của khu vực tranh chấp, là vì gần như mọi tuyến đường giao thông, thương mại và quân sự kết nối các tỉnh phía Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của quốc gia này đều đi qua một dải đất hẹp được biết đến với cái tên hành lang Siliguri (hay còn gọi là Cổ gà) do sự chắn ngang của Bangladesh. Và cao nguyên Doklam – nơi khá gần với khu vực xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay – lại giữ vai trò bảo vệ hành lang Siliguri với các tuyến đường huyết mạch quan trọng đó. Nói cách khác, Ấn Độ có lý do để đề phòng việc Trung Quốc đe dọa khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa hai đầu đất nước.

2. Cuộc tranh chấp này có nguồn gốc từ khi nào?

Một hiệp ước được ký giữa Trung Quốc và Anh năm 1890 được xem là cơ sở để xác định biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực hành lang Siliguri. Tuy nhiên, sự phân định trong hiệp ước này không rõ ràng và cụ thể. Trong khi Ấn Độ cho rằng mốc phân định ranh giới giữa hai nước nằm ở khu vực Batang La, thì Trung Quốc lại cho rằng đó là tại núi Gimpochi cách đó khoảng 3 dặm về phía Nam. Nói cách khác, nếu căn cứ vào quan điểm của Trung Quốc thì nước này đang cho rằng mình có quyền đối với khu vực cao nguyên Doklam vốn có thể đe dọa hành lang Siliguri của Ấn Độ bất cứ lúc nào.

3. Mối quan hệ Bhutan - Trung Quốc - Ấn Độ hiện tại ra sao?

Bhutan có quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ từ năm 1949 khi nước này đồng ý gia nhập một Hiệp ước Hữu Nghị, theo đó Bhutan sẽ chấp nhận một sự hướng dẫn về chính sách đối ngoại do Ấn Độ dẫn dắt. Hiệp ước này đã được điều chỉnh vào năm 2007, theo đó cả hai nước đều đồng thuận việc sẽ không cho phép các hoạt động trên lãnh thổ của mình gây hại về an ninh quốc gia cho phía bên kia. Bhutan gần như không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc dù hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp biên giới hiện đang diễn ra tại khoảng 7 khu vực chính.

4. Lý do dẫn đến cuộc tranh chấp hiện tại?

Cả ba bên đều thừa nhận rằng động thái dẫn đến cuộc xung đột hiện nay là việc các cơ quan xây dựng cầu đường thuộc quân đội Trung Quốc tiến vào khu vực gần cao nguyên Doklam và bắt đầu tiến hành các công trình xây dựng của mình. Ấn Độ giải thích rằng quân đội nước này tiến vào khu vực sát lãnh thổ của Bhutan là để phối hợp với chính quyền nước này ngăn chặn các công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc. Theo tờ Times of Indina, hiện mỗi bên đang có khoảng 3.000 binh lính tại khu vực cao nguyên. Đây có thể xem là lần đầu tiên quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ nhau tại khu vực của một nước thứ ba.

5. Tất cả chỉ là do con đường đang được xây dựng?

Bộ Ngoại giao Bhutan tuyên bố con đường mà Trung Quốc đang xây dựng nằm trên khu vực đang có tranh chấp về lãnh thổ. Hai bên đã thừa nhận hai lần vào các năm 1988 và 1998 rằng không được thay đổi hiện trạng của khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố nước này chỉ đang tiến hành xây dựng trên khu vực lãnh thổ của mình và trích dẫn các quy ước của Hiệp ước năm 1890. Bắc Kinh tuyên bố điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán và đối thoại nhằm giải quyết xung đột hiện nay là phía Ấn Độ phải đưa quân đội ra khỏi khu vực này. Trong khi đó, Ấn Độ lại trích dẫn một thỏa thuận vào năm 2012 để cho rằng các điểm mốc xác định biên giới giữa hai nước vẫn chưa hoàn chỉnh và hành động của Trung Quốc đang mang tính gây hấn và khiến Ấn Độ lo ngại.

6. Điều này có ý nghĩa gì với các vấn đề khác?

Vụ xung đột này diễn ra vào đúng thời điểm Ấn Độ và Trung Quốc đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Nam Á. Mối quan hệ Trung - Ấn trên thực tế đã bị phủ bóng đen từ khá lâu trước khi vụ xung đột biên giới này diễn ra. Nó được bắt đầu từ khi New Delhi phản đối sáng kiến thương mại và cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một phần của sáng kiến này đi qua khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan hiện đang do phía Pakistan quản lý. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc từng tuyên bố, theo logic của Ấn Độ thì việc này đồng nghĩa với việc quân đội của một nước thứ ba có thể xâm nhập vào khu vực tranh chấp song phương giữa Ấn Độ và Pakistan.

7. Liệu cuộc xung đột này có dẫn đến chiến tranh như năm 1962?

Hầu hết các nhà quan sát không cho là vậy. Xung đột quân sự quy mô ở thời điểm hiện tại đều không đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ấn Độ sẽ có một cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2019, và sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế nếu đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có lý do để thể hiện mình là một cường quốc lãnh đạo ôn hòa sau sự suy giảm vị thế của Mỹ tại khu vực châu Á.

8. Nếu không phải chiến tranh thì giải pháp cho cuộc xung đột này sẽ là gì?

Việc gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước đang khiến cho một giải pháp ôn hòa là điều khó có thể xảy ra. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán cuộc xung đột sẽ kéo dài dù không căng thẳng như ban đầu trước khi hai bên có thể đưa ra được một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên nó sẽ không hề dễ dàng khi không bên nào muốn là bên đầu tiên rút quân.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn cảnh vụ xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Himalaya