Một tòa án ở thành phố Thượng Hải đã bác bỏ cáo buộc của người tiêu dùng Trung Quốc rằng Apple đang lạm dụng sự thống trị thị trường của mình với mức phí trên App Store cao.
Việc này đánh dấu một chiến thắng cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ khi phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền ngày càng tăng trên thế giới.
Theo phán quyết hôm 30.5 của Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải, dù Apple có vị trí thống lĩnh thị trường về phân phối ứng dụng iOS ở Trung Quốc nhưng hãng này không lạm dụng quyền lực đó và không tính phí hoa hồng cao một cách bất công.
Vụ kiện được thụ lý vào năm 2021 bởi cá nhân tên Jin Xin. Người này tuyên bố rằng một số phí thành viên ứng dụng trên iPhone cao hơn trên smartphone Android vì khoản hoa hồng 30% mà Apple tính cho các nhà phát triển ứng dụng.
Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải cho biết, sau khi so sánh phí hoa hồng trên các cửa hàng ứng dụng, họ không thấy phí của Apple cao hơn đáng kể so với trên nền tảng Android và không có bằng chứng nào cho thấy khoản phí này trực tiếp dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng.
Sau khi thua kiện, đại diện của nguyên đơn Jin Xin tiết lộ dự định nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc.
Wang Qiongfei, nhà sáng lập của hãng luật Kinding Law Firm, viết trong bài đăng trên blog rằng họ “tin tưởng chắc chắn” rằng các hoạt động của Apple đã cấu thành hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường, xâm phạm quyền lựa chọn và các giao dịch công bằng của người tiêu dùng Trung Quốc.
Wang Qiongfei viết: “Các hoạt động của Apple cũng làm tăng chi phí hoạt động cho các công ty Trung Quốc và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp internet Trung Quốc”.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận hôm 30.5.
Các hoạt động trên App Store của Apple từ lâu đã trở thành chủ đề khiếu nại của các nhà sản xuất ứng dụng và gần đây chịu sự giám sát chặt chẽ về chống độc quyền từ các cơ quan quản lý toàn cầu.
Ủy ban châu Âu tháng trước đã phạt Apple hơn 1,8 tỉ euro (1,95 tỉ USD) vì ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng âm nhạc thông báo cho người dùng iPhone về các ưu đãi đăng ký thay thế có sẵn bên ngoài ứng dụng iOS của họ, cho rằng công ty lạm dụng vị trí thống trị của mình.
Hồi tháng 3, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc rằng Apple đã sử dụng quyền lực của mình trong việc phân phối ứng dụng trên iPhone để ngăn cản những đổi mới có thể giúp người tiêu dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng hơn. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, ví kỹ thuật số hạn chế của bên thứ ba và đồng hồ thông minh không phải của công ty, đồng thời chặn các ứng dụng game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây.
Bộ Tư pháp Mỹ nêu bật 5 ví dụ về các công nghệ mà họ cho rằng Apple đang kìm hãm sự cạnh tranh gồm siêu ứng dụng, ứng dụng game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây, ứng dụng nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số.
Apple gần đây đã hỗ trợ cho các dịch vụ chơi game dựa trên đám mây và cho biết sẽ bổ sung tính năng nhắn tin đa nền tảng RCS (Rich Communication Services) vào cuối năm 2024.
RCS là sự thay thế cho dịch vụ SMS tiêu chuẩn sẽ mang lại trải nghiệm nhắn tin được cải thiện giữa các nền tảng. Với RCS, được coi là tiêu chuẩn ngành công nghiệp cho tin nhắn, người dùng có thể gửi và nhận ảnh và video chất lượng cao, trò chuyện qua Wi-Fi hoặc dữ liệu di động và biết khi nào tin nhắn đã được đọc, cùng với các tính năng khác.
Phán quyết của Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải đánh dấu một chiến thắng cho Apple, công ty đang phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng ở Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất smartphone trong nước như Huawei, Vivo, Xiaomi và Oppo.
Đầu tháng 5, Apple đã thực hiện chiến dịch giảm giá sâu iPhone trên trang các cửa hàng trực tuyến chính thức của mình tại Trung Quốc, ưu đãi lên tới 2.300 nhân dân tệ (khoảng 318 USD) cho vài mẫu iPhone. Đợt giảm giá mới này lớn hơn so với chương trình khuyến mãi mà Apple thực hiện vào tháng 2.
Mức giảm giá cao nhất trong chiến dịch tháng 2 là 1.150 nhân dân tệ, còn lần này giảm tới 2.300 nhân dân tệ. Mức giảm sâu nhất áp dụng cho iPhone 15 Pro Max bản 1TB, còn các phiên bản khác cũng được giảm giá đáng kể.
Ví dụ, iPhone 15 Pro Max bản 256 GB hôm 20.5 được bán với giá 7.949 nhân dân tệ (1.100 USD) tại cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple trên JD.com và Tmall của Alibaba, giảm 2.050 nhân dân tệ hoặc 20% so với mức 9.999 nhân dân tệ khi bắt đầu được bán vào tháng 9.2023.
Trong khi đó, iPhone 15 bản 128GB hiện có giá 4.599 nhân dân tệ, thấp hơn 23% so với mức giá 5.999 nhân dân tệ trước đó, trên cả JD.com và Tmall. Chương trình giảm giá diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28.5, theo hai nền tảng.
Tuy nhiên, Apple Store trực tuyến tại Trung Quốc vẫn giữ nguyên giá gần đây của các mẫu iPhone 15. Apple không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Việc giảm giá mạnh các mẫu iPhone 15 trên hai nền tảng trực tuyến lớn cho thấy nỗ lực của Apple để phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc cho sản phẩm chủ lực, hơn một tháng sau khi doanh số iPhone tại khu vực Đại Trung Hoa (gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan) giảm 8% xuống còn 16,4 tỉ USD trong quý 1/2024.
Chương trình giảm giá iPhone không thường thấy của Apple trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc bắt đầu vào tháng 1, sau chiến dịch trực tuyến và ngoại tuyến từ các hãng smartphone Trung Quốc, gồm cả Xiaomi và Honor, đã hạ giá nhiều mẫu máy Android khác nhau.
Trong cùng tháng 1, Apple giảm giá tới 800 nhân dân tệ cho iPhone, iPad, máy tính xách tay MacBook, AirPods và Apple Watch trên cửa hàng trực tuyến của mình ở Trung Quốc.
Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, thị phần iPhone của Apple tại Trung Quốc vào quý 1/2024 đã giảm xuống còn 15,7%, từ mức 20,2% cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Vivo và Honor đã vượt qua Apple ở Trung Quốc trong quý 1/2024 với thị phần smartphone lần lượt là 17,4% và 16,1%.
Đang trên đà trở lại thành công nhờ dòng smartphone Mate 60 hỗ trợ 5G, Huawei xếp thứ 4 trong quý 1/2024 ở Trung Quốc với 15,5% thị phần. Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng với Apple sau khi Huawei hồi tháng 4 bán ra loạt smartphone cao cấp mới Pura 70.
Thế nhưng, đợt giảm giá iPhone gần đây dường như đã giúp ích cho Apple. Theo dữ liệu được Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố hồi đầu tháng 5, doanh số smartphone mang thương hiệu nước ngoài trong tháng 4 đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Reuters dẫn dữ liệu từ Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) cho thấy doanh số smartphone của một thương hiệu nước ngoài tại đây trong tháng 4 là 3,495 triệu máy, tăng 52% từ mức 2,301 triệu máy so với cùng kỳ năm ngoái. CAICT không nêu cụ thể tên, nhưng Apple hiện là hãng smartphone nước ngoài thống trị tại Trung Quốc, trong khi thị phần của Samsung gần bằng 0.
Doanh số iPhone đi lên cũng phản ánh sự phục hồi của thị trường smartphone Trung Quốc với số lượng máy bán ra trong tháng 4 là 22,7 triệu, tăng trưởng 25,5%.
Trang Bloomberg nhận định thị phần Apple tại Trung Quốc có thể sớm ổn định do nhiều người tiêu dùng sẵn sàng nâng cấp iPhone. Bloomberg cho biết hơn nửa số người Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát gần đây nói rằng sẵn sàng chi trên 4.000 nhân dân tệ (14 triệu đồng) để lên đời smartphone. Xu hướng mua sắm smartphone đắt tiền được đánh giá có lợi cho Apple khi hãng thống trị phân khúc cao cấp và sẽ ra mắt dòng iPhone 16 vào tháng 9 tới.