Hàn Quốc đang đối mặt với một trong những khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào tối 3.12 (giờ địa phương).
Chuyển động

Tình trạng thiết quân luật ở Hàn Quốc, phản ứng của quốc tế

Hoàng Vũ 03/12/2024 23:55

Hàn Quốc đang đối mặt với một trong những khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào tối 3.12 (giờ địa phương).

Theo Reuters và Yonhap, quyết định này không chỉ làm rung chuyển nền chính trị nội bộ mà còn gây ra những tác động sâu sắc tới nền kinh tế và sự ổn định trong khu vực.

Nguyên nhân và bối cảnh ban bố thiết quân luật

Trong bài phát biểu ngắn trên đài YTN, Tổng thống Yoon Suk Yeol viện dẫn điều 77 của Hiến pháp Hàn Quốc cho phép ông ban bố thiết quân luật trong các tình huống "đáp ứng nhu cầu quân sự hoặc đảm bảo an toàn công cộng".

Một trong các tình huống là các thành viên đảng Dân chủ đối lập và nhiều nhóm dân sự đã không ngừng tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Seoul, kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon. Những chỉ trích nhằm vào ông xoay quanh các cáo buộc vụ bê bối mua chuộc liên đới đến vợ ông và những quan ngại về việc ông quản lý kém hiệu quả các vấn đề nhà nước.

quan-doi-xong-vao-qh-han-quoc.jpg
Binh lính tiến vào tòa nhà chính của quốc hội sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật - Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu, Tổng thống Yoon không chỉ bác bỏ những cáo buộc này mà còn chỉ trích gay gắt đảng đối lập, đổ lỗi cho họ về các nỗ lực luận tội "chưa từng có" nhắm vào nhiều quan chức trong chính phủ của ông và phản đối kế hoạch ngân sách năm tới. Ông Yoon tuyên bố phe đối lập đang đẩy Hàn Quốc vào tình trạng "thiên đường ma túy" và kích động hỗn loạn, làm suy yếu an ninh quốc gia cũng như sinh kế của người dân.

Cao trào trong phát biểu của ông Yoon là lời cáo buộc đảng Dân chủ đối lập đang tìm cách "lật đổ hệ thống dân chủ tự do", khiến đất nước "đứng bên bờ vực sụp đổ". Ông thậm chí đi xa hơn khi tuyên bố rằng phe đối lập có thái độ đồng cảm với Triều Tiên, ám chỉ sự cản trở từ họ đang làm suy yếu những nỗ lực điều hành của chính quyền ông.

Khi lệnh thiết quân luật được ban bố, chính quyền Hàn Quốc có quyền thực thi những biện pháp mạnh mẽ nhằm chuyển từ hệ thống quản trị dân sự sang chế độ quân sự, tạm dừng các tiến trình pháp lý dân sự để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp.

Sắc lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol bao gồm các hạn chế sâu rộng, như nghiêm cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm các cuộc họp quốc hội, hoạt động của các hội đồng địa phương, đảng phái và hội đoàn chính trị. Các cuộc tuần hành và biểu tình cũng bị coi là hành vi kích động bất ổn và bị nghiêm cấm hoàn toàn.

Toàn bộ hệ thống truyền thông và báo chí bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Tư lệnh thiết quân luật. Quyền tự do ngôn luận, một trong những nền tảng của nền dân chủ, bị hạn chế nghiêm ngặt, trong khi quyền lực của chính phủ và tòa án bị điều chỉnh theo các quy định đặc biệt trong thời gian này.

Lệnh thiết quân luật cũng bao gồm những yêu cầu cụ thể với các ngành thiết yếu. Các nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ nội trú đang đình công, được lệnh phải quay lại làm việc toàn thời gian trong vòng 48 giờ. Những ai vi phạm sẽ phải đối mặt với các biện pháp xử lý theo quy định của luật quân sự.

Theo điều 9 của Đạo luật Thiết quân luật, các cơ quan chức năng được phép bắt giữ và khám xét người vi phạm mà không cần lệnh tòa án. Chính phủ của Tổng thống Yoon cam kết sẽ thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến người dân thường, song các quy định này đã làm dấy lên lo ngại về việc lạm quyền và xâm phạm quyền tự do cơ bản của công dân.

Phản ứng trong nước

Ngay sau lệnh thiết quân luật, quân đội đã được triển khai để thực thi sắc lệnh, trong đó có việc phong tỏa nhà quốc hội. Hình ảnh binh lính cố gắng xông vào quốc hội, đối đầu với các nhân viên sử dụng bình chữa cháy để chống trả đã lan truyền rộng rãi và trở thành biểu tượng của sự hỗn loạn.

Công chúng cũng nhanh chóng phản ứng mạnh mẽ. Hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài quốc hội, hô vang khẩu hiệu phản đối thiết quân luật và yêu cầu khôi phục dân chủ, cũng như đòi luận tội đương kim tổng thống Hàn Quốc. Sự tức giận càng tăng cao khi các phương tiện truyền thông bị kiểm soát và quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm ngặt theo quy định của lệnh thiết quân luật.

bieu-tinh-han-quoc.jpg
Đám đông bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3.12 - Ảnh: Reuters

Phe đối lập, đặc biệt là đảng Dân chủ, đã yêu cầu các nghị sĩ lập tức tới quốc hội để bỏ phiếu bãi bỏ lệnh thiết quân luật. 190/300 thành viên sau khi có mặt, đã bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố, truyền thông Hàn Quốc cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Shik đã tuyên bố lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol là "vô hiệu", dựa trên kết quả của cuộc bỏ phiếu nói trên. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Woo Won Shik choi biết "toàn bộ binh sĩ đã rút khỏi tòa nhà". Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin trực thăng quân đội bắt đầu rời khỏi khu vực trong tiếng hò reo của nhiều người.

Theo quy định hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống có quyền ban bố thiết quân luật trong những tình huống bất thường, trao cho chính phủ quyền thực hiện các biện pháp đặc biệt, gồm cả hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố thiết quân luật, tổng thống phải báo cáo quyết định của mình trước quốc hội.

Nếu đa số các nhà lập pháp bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật, hiến pháp quy định rằng "tổng thống sẽ tuân thủ" quyết định này. Tuy nhiên, một điều khoản khác yêu cầu nội các của tổng thống phải "cân nhắc" và đánh giá lại quyết định dỡ bỏ thiết quân luật, tạo ra sự mơ hồ về quy trình thực hiện.

Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Yoon Suk Yeol có tuân thủ kết quả bỏ phiếu của quốc hội, vốn đã yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật với sự ủng hộ của 190/300 nghị sĩ, hay không. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố tiếp tục duy trì thiết quân luật cho đến khi Tổng thống Yoon đưa ra lệnh chính thức để dỡ bỏ.

Trong khi đó, văn phòng tổng thống Hàn Quốc vẫn giữ im lặng trước quyết định của quốc hội, khiến tình hình thêm phần căng thẳng. Sự thiếu rõ ràng này làm dấy lên lo ngại về cách thức chính phủ sẽ xử lý khủng hoảng, cũng như khả năng tiếp tục gia tăng căng thẳng chính trị và xã hội trong những ngày tới.

Tác động kinh tế: Thị trường chao đảo và đồng won suy yếu

Tác động kinh tế từ lệnh thiết quân luật là tức thời và rõ rệt. Đồng won Hàn Quốc giảm mạnh so với USD, gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc vốn đã chịu áp lực từ tăng trưởng chậm và xuất khẩu suy giảm.

Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các quan chức kinh tế hàng đầu để thảo luận các biện pháp ổn định thị trường. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng duy trì dân chủ và pháp quyền của Hàn Quốc đang bị lung lay nghiêm trọng.

Phản ứng quốc tế

Mỹ đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, đang theo dõi sát sao tình hình.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell hôm 4.12 cho biết Washington đang "theo dõi những diễn biến" tại Hàn Quốc "với mối quan ngại sâu sắc". Phát biểu tại một sự kiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Campbell nhấn mạnh rằng toàn bộ bộ máy chính quyền Mỹ, với Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao, đều đã được thông báo và đang theo dõi sát sao tình hình.

Ông Campbell khẳng định rằng Mỹ đang tìm cách hợp tác với các đối tác Hàn Quốc "ở mọi cấp độ, cả ở đây và tại Seoul", đồng thời nhấn mạnh liên minh vững chắc giữa hai quốc gia. "Chúng tôi sát cánh cùng Hàn Quốc trong thời điểm bất ổn này", ông tuyên bố.

Thứ trưởng Ngoại giao cũng bày tỏ hy vọng rằng những tranh chấp chính trị tại Hàn Quốc sẽ được giải quyết "một cách hòa bình và theo đúng pháp luật".

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện từ chối bình luận về tình hình căng thẳng tại Hàn Quốc. Trong một tuyên bố ngắn với các phóng viên cùng ngày, ông Biden cho biết: "Tôi chỉ đang được báo cáo về vấn đề này", nhấn mạnh rằng ông chưa nhận được thông tin đầy đủ để đưa ra nhận xét.

Phản ứng từ chính quyền Biden cho thấy sự bất ngờ trước diễn biến này. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ thừa nhận: "Chúng tôi thực sự lo ngại về những gì chúng tôi đang chứng kiến", ám chỉ những tác động tiềm tàng đến ổn định khu vực và quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đưa ra thông báo trước đó, xác nhận rằng Washington đang duy trì liên lạc với chính phủ Hàn Quốc và theo dõi sát tình hình. Các diễn biến tại Hàn Quốc đang thu hút sự chú ý lớn trong bối cảnh mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia, với Mỹ đóng vai trò là đồng minh quan trọng trong việc duy trì an ninh khu vực trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Sự việc nhấn mạnh thách thức đối với Washington trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại trước các tình huống khủng hoảng tại khu vực Đông Á, một trọng tâm chiến lược của chính quyền Biden.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ. Tình hình bất ổn tại Hàn Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ với Triều Tiên luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Lịch sử thiết quân luật tại Hàn Quốc

Thiết quân luật không phải là điều xa lạ với Hàn Quốc. Trong nửa sau thế kỷ 20, nước này đã trải qua nhiều giai đoạn bất ổn chính trị, với các nhà lãnh đạo sử dụng thiết quân luật như một công cụ để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang chế độ dân chủ vào cuối những năm 1980, thiết quân luật đã trở thành một ký ức đau thương, tượng trưng cho sự đàn áp và bất công.

Lần ban bố thiết quân luật gần nhất vào năm 1980, dưới thời Tổng thống Chun Doo Hwan, đã dẫn đến các cuộc biểu tình đẫm máu và sự hy sinh của nhiều người dân trong phong trào dân chủ. Quyết định lần này của Tổng thống Yoon, dù được biện minh là để bảo vệ hiến pháp, đang bị chỉ trích mạnh mẽ là hành động quay lưng lại với các giá trị dân chủ mà Hàn Quốc đã dày công xây dựng.

Dù lệnh thiết quân luật đã bị quốc hội hủy bỏ, Hàn Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường, sự mất lòng tin của công chúng và tác động kinh tế tiêu cực là những vấn đề cần được giải quyết.

Bài liên quan
Hàn Quốc ra mắt lá chắn tên lửa đạn đạo tự phát triển
Trang The Asia Live đưa tin Hàn Quốc vừa hoàn thành phát triển hệ thống phòng thủ đất đối không tầm xa (L-SAM) – đạt cột mốc quan trọng trong chiến lược quốc phòng quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
10 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình trạng thiết quân luật ở Hàn Quốc, phản ứng của quốc tế