Giới chuyên gia nhận định khi được áp dụng, giá điện hai thành phần sẽ phát tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và vận hành. Người dùng cũng biết mức sử dụng điện để điều chỉnh.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tính giá điện hai thành phần, người dân liệu có lợi?

Tuyết Nhung 13/04/2024 12:15

Giới chuyên gia nhận định khi được áp dụng, giá điện hai thành phần sẽ phát tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và vận hành. Người dùng cũng biết mức sử dụng điện để điều chỉnh.

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần, đồng thời yêu cầu EVN đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện được áp dụng.

gia-dien.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt bán cho người dân cao hơn giá điện sản xuất bán cho doanh nghiệp - Ảnh: IT

Hệ thống giá điện 2 thành phần là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi.

Khi nói về giá điện hai thành phần, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhận định hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần. Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện, bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.

Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kWh hoặc đồng/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được), đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.

Chuyên gia kinh tế năng lượng PGS-TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, hiện nay giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành chỉ gồm thành phần điện năng, trong khi quá trình cung cấp điện gồm hai thành phần: Công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng. Do đó, việc áp dụng cơ chế giá một thành phần không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.

Lấy ví dụ so sánh giữa một hộ tiêu thụ công suất 1kWh trong 1 giờ/ngày (dùng hết 24kWh trong 1 ngày) với 1 hộ dùng 24kWh chỉ trong 1 giờ/ngày và 1 ngày cũng tiêu thụ 24kWh, ông Hồi nêu: "Dù điện năng tiêu dùng như nhau (24kWh/ngày), trả một hóa đơn giống nhau nhưng chi phí thực tế mà ngành điện phải trả cho 2 hộ này lại hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, với trường hợp đầu tiên, ngành điện chỉ đầu tư quy mô 1kWh (chi phí cố định) và trả phí vận hành cho 24 giờ (chi phí biến đổi). Trong khi trường hợp còn lại, ngành điện phải đầu tư quy mô lên tới 24kWh và trả phí vận hành trong 1 giờ".

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho rằng: "Giá điện 2 thành phần sẽ đem lại tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, sử dụng nguồn lực hợp lý.

Cụ thể, ngoài thành phần giá điện năng, khi áp dụng thêm giá công suất (đồng/kWh hoặc đồng/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện; đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng, thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký. Do đó, đây được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên".

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - cho rằng khi được áp dụng, giá điện hai thành phần sẽ có nhiều tác dụng như phát ra tín hiệu cho nhà sản xuất, đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và chi phí vận hành. Trong khi đó, người dùng biết được chi phí sử dụng điện của mình để điều chỉnh hành vi sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.

Phương án này cũng góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện thực hiện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Biểu giá điện hai thành phần làm cân bằng phụ tải cho hệ thống. Cơ chế này cũng giúp các hộ sử dụng ổn định hơn, phụ tải ổn định hơn mọi thời điểm.

Ông Thỏa cũng cho rằng việc thí điểm áp dụng giá điện hai thành phần là phù hợp để đánh giá tác động ra sao, chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án. Đặc biệt, người tiêu dùng có cơ hội đánh giá, so sánh giữa hai phương án về mức độ chênh lệch giá.

Về tiền điện của người dân, với cách tính này, một chuyên gia về giá nhận định rằng giá điện hai thành phần khi áp dụng, tiền điện của người dùng có tăng lên hay giảm đi còn phụ thuộc vào việc xây dựng biểu giá của cơ quan chức năng và ngành điện. Nhưng về mặt lý thuyết, chi phí điện khi tính theo cơ chế này phải rẻ hơn, song cũng tùy vào từng hộ khách hàng và từng thời điểm sử dụng điện.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt bán cho người dân cao hơn giá điện sản xuất bán cho doanh nghiệp.

Bài liên quan
Tranh cãi biểu giá điện bậc thang, Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải
Bộ Công Thương đang xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang và rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí xoay quanh vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6.12.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tính giá điện hai thành phần, người dân liệu có lợi?