Các tin tặc từ Trung Quốc đã 2 lần xâm nhập máy tính của một nhà thầu hải quân Mỹ, đánh cắp một lượng lớn dữ liệu nhạy cảm liên quan đến tác chiến dưới biển, gồm cả kế hoạch phát triển tên lửa chống hạm siêu thanh trang bị cho tàu ngầm của Washington vào năm 2020.

Tin tặc Trung Quốc bị tố đánh cắp bí mật vũ khí tàu ngầm Mỹ

Cẩm Bình | 09/06/2018, 10:32

Các tin tặc từ Trung Quốc đã 2 lần xâm nhập máy tính của một nhà thầu hải quân Mỹ, đánh cắp một lượng lớn dữ liệu nhạy cảm liên quan đến tác chiến dưới biển, gồm cả kế hoạch phát triển tên lửa chống hạm siêu thanh trang bị cho tàu ngầm của Washington vào năm 2020.

Thông tin được báo The Washington Post dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ. Hải quân Mỹ đang phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều tra vụ việc.

Theo các nguồn tin, hai vụ xâm nhập xảy ra vào tháng 1 và tháng 2.2018. Đối tượng bị nhắm đến là một nhà thầu (danh tính được giữ kín) làm việc cho Trung tâm Tác chiến dưới biển hải quân (NUWC) chịu trách nhiệm tiến hành nghiên cứu và phát triển tàu ngầm cũng như vũ khí dùng dưới nước.

Tin tặc đã lấy đi 614 gigabyte dữ liệu liên quan đến một dự án mang tên Sea Dragon, dữ liệu về tín hiệu và cảm biến, thông tin về hệ thống mật mã, thư viện về tác chiến điện tử của NUWC. Theo yêu cầu của hải quân, The Washington Post không đăng tải thông tin về dự án tên lửa bị đánh cắp.

Sea Dragon là một sáng kiến được Lầu Năm Góc đưa ra năm 2012, nhằm ứng dụng những công nghệ quân sự hiện tại của Mỹ vào những trang thiết bị hoặc lĩnh vực tác chiến mới. Thông tin về dự án này rất ít được tiết lộ.

Các nguồn tin còn cho biết dù được lưu trữ trong hệ thống thông tin thông thường của nhà thầu, nhưng những dữ liệu trên về bản chất rất nhạy cảm và có thể được liệt vào danh sách thông tin mật nếu trải qua phân loại.

Hải quân Mỹ và FBI đều từ chối đưa ra bình luận về vụ việc vào thời điểm này. Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho hay không hề biết gì, đồng thời khẳng định chính quyền Bắc Kinh phản đối và chống lại mọi dạng thức tấn công mạng.

614 gigabyte dữ liệu của hải quân Mỹ bị tin tặc Trung Quốc đánh cắp - Ảnh: Yonhap News

Trong phiên điều trần để được chính thức giữ chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (nay đã đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) vào tháng 4, Đô đốc Philip Davidson cho biết Trung Quốc đang đầu tư vào một loạt nền tảng chiến đấu, trong đó có tàu ngầm hoạt động yên lặng hơn, có cảm biến mới lẫn vũ khí tinh vi. Ông cũng cảnh báo khi không thể tự phát triển, Bắc Kinh sẽ tiến hành “ăn cắp”, chủ yếu thông qua các hoạt động tấn công mạng.

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Daniel R.Coats vào tháng 2 cũng từng tuyên bố hầu hết các chiến dịch trên không gian mạng của Trung Quốc mà Washington phát hiện đều nhắm vào những nhà thầu quốc phòng hay công ty công nghệ hỗ trợ cho hoạt động của mạng lưới chính phủ Mỹ.

Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP)
Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tin tặc Trung Quốc bị tố đánh cắp bí mật vũ khí tàu ngầm Mỹ