Các lãnh đạo Apple bao gồm Tim Cook, Craig Federighi và Johny Srouji đã giữ khoảng cách với tai nghe thực tế hỗn hợp trong suốt quá trình phát triển nó do hàng loạt rắc rối và bất đồng nội bộ, theo cây viết Mark Gurman từ hãng tin Bloomberg,
Theo Mark Gurman, Apple đã bắt đầu phát triển tai nghe thực tế hỗn hợp vào năm 2015, sử dụng Samsung Gear VR và HTC Vive trong các thử nghiệm ban đầu. Tai nghe này được cho đã đi chệch hướng đáng kể so với tầm nhìn ban đầu của Tim Cook.
Sản phẩm ban đầu được hình dung là "cặp kính có thể đeo cả ngày", nhưng giờ đây nó đã trở thành chiếc tai nghe toàn diện trông giống như kính trượt tuyết và yêu cầu một bộ pin riêng do những hạn chế về công nghệ, các mâu thuẫn nội bộ và sự vội vã để tung một sản phẩm AR (thực tế tăng cường)/VR (thực tế ảo) ra thị trường.
Bất chấp quan điểm kiên quyết của Tim Cook rằng thiết bị nên tập trung vào thực tế tăng cường không phô trương, ông không tham gia sâu vào việc thiết kế và chỉ góp mặt trong các buổi trình diễn. Hành động của Tim Cook đôi khi được coi là thiếu quyết đoán và gây thất vọng cho nhân viên, dẫn đến sự chậm trễ và lo ngại về việc không có được các nguồn lực cần thiết để phát triển tai nghe thực tế hỗn hợp.
Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao về Kỹ thuật phần mềm tại Apple, cũng giữ khoảng cách với tai nghe thực tế hỗn hợp trong quá trình phát triển và có vẻ cảnh giác với thiết bị này.
Johny Srouji, Phó chủ tịch cấp cao về công nghệ phần cứng của Apple, được cho hoài nghi về tai nghe thực tế hỗn hợp, ví nó như một dự án khoa học. Ông đã cảnh báo rằng việc thiết kế chip hiệu suất cao mà tai nghe yêu cầu có thể làm xao nhãng công việc thiết kế các chip cho iPhone mới, vốn mang lại nhiều doanh thu hơn.
Năm 2017, Apple tin chắc rằng chiếc tai nghe thực tế hỗn hợp có thể được bán ra vào 2020, nhưng dự án đã bị sa lầy bởi những thách thức về phần cứng và phần mềm cũng như những bất đồng về việc phát triển ứng dụng nào cho thiết bị. Một số tính năng của tai nghe thực tế hỗn hợp, gồm cả khả năng hoạt động như màn hình ngoài cho máy Mac và các cuộc gọi video nhiều người, hiện được cho là kém tiên tiến hơn so với dự định ban đầu của Apple. Công ty hy vọng rằng "các ứng dụng của bên thứ ba sẽ cứu nó".
Apple đã thảo luận với các nhà phát triển phần mềm và game cũng như những công ty giải trí để chuẩn bị sẵn nội dung cho tai nghe thực tế hỗn hợp sau khi bán ra thị trường.
Apple từng hy vọng rằng người dùng cuối sẽ đeo thiết bị AR gắn trên đầu suốt cả ngày, thay thế các tác vụ hiện được thực hiện trên các thiết bị khác như iPhone và Mac, bao gồm duyệt web, chơi game, gửi email, gọi video và cộng tác, tập thể dục và thiền định, nhưng không mong đợi điều này xảy ra ngay lập tức.
Các dự đoán nội bộ ước tính rằng sản phẩm cuối cùng có tiềm năng lớn như Apple Watch hoặc iPad sau khi bổ sung các tính năng mới và mức giá thấp hơn.
Dù ban đầu Apple hy vọng sẽ bán được 3 triệu tai nghe thực tế hỗn hợp trong năm đầu tiên ra mắt sản phẩm, nhưng giờ đây công ty chỉ kỳ vọng bán được khoảng 900.000 chiếc. Apple đã quyết định bán thiết bị với giá gần bằng chi phí sản xuất, thay vì bán với giá lỗ như dự tính ban đầu.
Apple đã sớm nhận ra trong quá trình phát triển tai nghe thực tế hỗn hợp rằng mục tiêu dài hạn là tạo kính AR có đủ công suất để hoạt động hiệu quả và mượt mà không khả thi. Các kỹ sư đã tính toán rằng kính AR phải cung cấp hiệu suất của iPhone với mức tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/10 để ngăn nó quá nóng. Công việc của Apple trên kính AR chỉ nhận được tài nguyên hạn chế.
Theo nhân viên làm việc trong dự án, có trò đùa đang diễn ra rằng công ty tiếp tục làm việc trên thiết bị "tuyệt vọng" (kính AR) chỉ đơn giản là để làm cho Tim Cook hài lòng. Dù không đạt được tiến bộ đáng kể nào trên kính AR vào năm 2019, nhưng nhóm phát triển tin rằng Apple có thể giới thiệu nó chỉ một năm sau khi tung ra chiếc tai nghe thực tế hỗn hợp đầu tiên và nói điều này tại cuộc họp toàn công ty vào cuối năm 2019.
Apple cuối cùng trì hoãn bất kỳ sự phát triển nghiêm túc nào với kính AR độc lập trong nhiều năm, "hầu như bỏ ý tưởng đó". Có thông tin cho rằng Apple còn ít nhất 4 năm để giới thiệu bất kỳ sản phẩm như vậy, nếu điều đó xảy ra.
Apple dùng chiến thuật đưa mọi thứ vào tai nghe thực tế hỗn hợp
Apple đang thực hiện một cách tiếp cận phân tán với các tính năng của kính thực tế hỗn hợp sắp ra mắt, hy vọng rằng nhiều tùy chọn sẽ thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm.
Khi bắt đầu phát triển tai nghe thực tế hỗn hợp khoảng 7 năm trước, Apple thuê một kỹ sư từ NASA từng sử dụng AR và VR để khám phá sao Hỏa. Câu hỏi lớn trong thời điểm đó là "Tại sao người tiêu dùng bình thường cần một thiết bị như thế?".
Khi Apple chuẩn bị ra mắt sản phẩm vào tháng 6 tới, câu hỏi đó vẫn còn treo lơ lửng. Apple đã không thực sự tìm thấy một ứng dụng chủ đạo nào có thể biến chiếc tai nghe thực tế hỗn hợp trị giá khoảng 3.000 USD trở thành món đồ không thể thiếu. Thay vào đó, Apple đang áp dụng một chiến thuật khác: Tung ra mọi thứ có thể để thu hút người tiêu dùng.
Apple có kế hoạch trang bị cho tai nghe thực tế hỗn hợp nhiều tính năng khác nhau như game, dịch vụ thể dục thể thao, thậm chí là ứng dụng đọc sách trong thực tế ảo với hy vọng người mua sẽ tìm thấy thứ họ thích.
Đây không phải là một chiến lược quá khó hiểu. Apple từng làm điều tương tự khi trình làng chiếc đồng hồ thông minh của mình.
Vào năm 2014, Giám đốc điều hành Tim Cook đã giới thiệu Apple Watch như một chiếc đồng hồ có độ chính xác cao, một thiết bị theo dõi thể lực, một cách để gửi tin nhắn cá nhân cho những người đeo đồng hồ Apple khác và hơn thế nữa. Trong bài thuyết trình của mình, ông đã nói về việc sử dụng Apple Watch làm điều khiển từ xa Apple TV, công cụ tìm chế độ xem camera của iPhone và bộ đàm.
“Danh sách tính năng dài cả dặm và tôi chắc chắn rằng khi các nhà phát triển chạm tay vào bộ công cụ dành cho nhà phát triển, danh sách này sẽ còn dài hơn nữa”, Tim Cook cho biết tại sự kiện đó.
Tuy nhiên, một số tính năng không được đón nhận. Ban đầu Apple đã quảng bá khả năng gửi nhịp tim của bạn đến các số liên lạc - một thứ không được chú ý. Apple Watch cũng có tùy chọn Glances để vuốt qua các widget nhưng hệ thống đó hiện đã biến mất. Thậm chí việc báo thời gian không thực sự là một tính năng cốt lõi nữa, bất chấp tên sản phẩm là Apple Watch.
Thực tế là Apple không biết lựa chọn nào sẽ gây được tiếng vang. Cuối cùng, công ty tập trung vào theo dõi sức khỏe, thông báo và giao diện đồng hồ có nhiều chi tiết nhưng chỉ sau khi khách hàng coi những tính năng đó là mục yêu thích của họ.
9 năm sau, chúng ta sắp chứng kiến một điều tương tự diễn ra với tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple, được đặt tên là Reality Pro hoặc Reality One dựa trên các đăng ký thương hiệu. Thiết bị này được tích hợp nhiều công nghệ mới và nhiều khả năng, bao gồm:
Khả năng chạy hầu hết ứng dụng iPad hiện có trong thực tế hỗn hợp, kết hợp giữa AR và VR, gồm cả Books, Camera, Contacts, FaceTime, Files, Freeform, Home, Mail, Maps, Messages, Music, Notes, Photos, Reminders, Safari, Stocks, TV và Weather.
Một ứng dụng Wellness mới tập trung vào giảm căng thẳng với hàng loạt đồ họa, âm thanh và giọng nói êm dịu.
Có thể chạy hàng trăm ngàn ứng dụng iPad hiện có của bên thứ ba từ App Store thông qua giao diện 3D mới.
Cổng thông tin mới để xem thể thao trong thực tế ảo như một phần nỗ lực của Apple về việc phát trực tuyến game và tin tức.
Tập trung lớn vào game, bao gồm các tựa game hàng đầu từ nhiều nhà phát triển bên thứ ba hiện có cho các thiết bị khác của Apple.
Tính năng sử dụng tai nghe làm màn hình ngoài cho máy Mac được kết nối.
Hội nghị truyền hình nâng cao và phòng họp ảo với hình đại diện chân thực, giúp người dùng cảm thấy như đang tương tác ở cùng một nơi.
Các công cụ cộng tác mới thông qua ứng dụng Freeform cho phép người dùng làm việc trên bảng trắng ảo và cùng nhau xem qua tài liệu.
Trải nghiệm Fitness+ tập trung vào VR mới để tập luyện khi đeo tai nghe dù tính năng này có thể không xuất hiện từ đầu.
Một cách để xem video khi đắm mình trong một môi trường ảo, chẳng hạn như cảnh sa mạc hoặc trên bầu trời.
Người dùng cũng sẽ có thể vận hành tai nghe theo nhiều cách khác nhau, bao gồm điều khiển bằng tay, mắt và Siri. Nó cũng sẽ hoạt động với bàn phím được kết nối hoặc các nút điều khiển từ một thiết bị Apple khác.
Những tính năng đó sẽ đi kèm với làn sóng ứng dụng từ các nhà phát triển bên thứ ba. Apple đang lên kế hoạch công bố bộ công cụ phát triển phần mềm và trình giả lập tai nghe dựa trên máy Mac tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) diễn ra từ 5.6 đến 9.6, nơi công ty sẽ thúc đẩy những người tham dự viết ứng dụng và dịch vụ cho xrOS, hệ điều hành thực tế hỗn hợp mới của hãng.
Theo thời gian, Mark Gurman hy vọng Apple sẽ điều chỉnh tai nghe thực tế hỗn hợp vào một bộ tính năng dễ quản lý hơn sau khi biết được người tiêu dùng thích những cái nào.
Câu hỏi lớn là liệu Apple có đủ thời gian để xem xét tất cả những điều đó trước khi người dùng có thể mất hứng thú hay không. Meta Platforms đưa ra một câu chuyện cảnh báo. Công ty mẹ của Facebook đã sớm đánh mất người tiêu dùng với tầm nhìn không rõ ràng và có báo cáo về việc người dùng tai nghe Oculus Quest vào ngăn kéo đầu giường chỉ vài tháng sau khi mua.
Để tránh tình trạng đó, Mark Gurman hy vọng Apple sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với việc thay đổi giá sao cho phù hợp và nâng cấp phần cứng, tai nghe thực tế hỗn hợp có thể là một phần quan trọng trong tương lai của Apple.
Tai nghe thực tế hỗn hợp dùng pin gắn ngoài bỏ túi quần, kết nối qua cáp
Tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple sẽ có đầu nối sạc độc quyền mới. Một trong những yếu tố thiết kế đáng ngạc nhiên hơn của thiết bị là việc sử dụng pin bên ngoài nằm trong túi người dùng và kết nối qua cáp. Apple đã đưa ra lựa chọn đó để giảm trọng lượng tai nghe thực tế hỗn hợp và cải thiện sự thoải mái.
Mark Gurman chia sẻ thêm một số chi tiết về cách thức hoạt động của hệ thống.
Tai nghe sẽ có hai cổng là cổng kết nối USB-C để xử lý dữ liệu và bộ sạc độc quyền mới. Cáp sạc đi vào tai nghe có một đầu tròn chèn từ tính. Để tránh cổng kết nối bị rơi ra trong quá trình sử dụng, bạn xoay nó theo chiều kim đồng hồ để khóa lại. Bản thân cáp kết nối với bộ pin và hai phần đó không thể tách rời.
Pin có vẻ như sẽ cung cấp năng lượng cho tai nghe thực tế hỗn khoảng 2 giờ, có hình dáng giống gói pin MagSafe của Apple dành cho iPhone. Nó có kích thước tương tự như chiếc iPhone nhưng dày hơn. Pin được thiết kế để sạc qua cổng USB-C và sẽ được sạc bằng bộ sạc giống cái kèm theo MacBook Pro. Vì thời lượng pin ngắn, có thể do sử dụng chip M2 và hai màn hình 4K, Mark Gurman đoán rằng Apple sẽ cung cấp khả năng mua thêm các bộ pin.
Apple đã làm việc với một số nhà phát triển trong nhiều tháng để giúp họ nâng cấp phần mềm hiện có của mình cho thực tế hỗn hợp. Khoảng thời gian giữa việc công bố tai nghe thực tế hỗn hợp và bán ra sản phẩm sẽ cho phép các nhà phát triển có thời gian tối ưu hóa ứng dụng của họ cho nền tảng mới.
Một phần quan trọng của sản phẩm sẽ là dial, giống vương miện kỹ thuật số trên Apple Watch, cho phép người đeo chuyển đổi giữa VR và AR. Khi ở chế độ VR, người dùng sẽ hoàn toàn đắm chìm trong ứng dụng của họ. Khi AR được kích hoạt, họ sẽ nhìn thấy thế giới thực xung quanh một cách tương tự như trải nghiệm ARKit trên iPhone và iPad.
Thiết bị mới của Apple có khả năng chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, nổi trên giao diện thực tế hỗn hợp. Giống như các tai nghe đầu cuối khác, sản phẩm sẽ ghi nhớ vị trí vật lý của bạn khi dùng các ứng dụng. Ví dụ, nếu người dùng chạy trình duyệt web từ căn bếp, đi vào một phòng khác và sau đó trở lại, trình duyệt sẽ xuất hiện trở lại.
Nhiều ứng dụng iPad từ App Store sẽ có thể chạy trên tai nghe thực tế hỗn hợp, tự động hoặc với những sửa đổi nhỏ. Hệ điều hành của thiết bị là xrOS, được xây dựng dựa trên iOS, tạo nền tảng cho khả năng tương thích đó. Tất cả đều nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Apple nhằm giúp các ứng dụng chạy liền mạch hơn trên phần cứng của hãng, gồm cả máy Mac, iPhone và iPad.
Người đeo sẽ có thể vận hành tai nghe thực tế hỗn hợp bằng cử chỉ mắt và tay. Nó có thể xác định nơi người dùng đang tìm kiếm và sau đó bạn có thể chụm ngón tay để chọn các mục rồi di chuyển qua các menu. Thiết bị sẽ có bàn phím ảo trong không khí nhưng cũng có thể kết nối với bàn phím thực để cải thiện năng suất.
Màn hình chính của tai nghe thực tế hỗn hợp sẽ trông giống iPad và cung cấp trung tâm điều khiển quen thuộc để điều chỉnh Wi-Fi, Bluetooth, mức âm lượng. Giống như iPad, tai nghe thực tế hỗn hợp cũng sẽ có một hệ thống sinh trắc học để mở khóa thiết bị. Tuy nhiên, nó sẽ dựa vào việc quét mắt của người dùng thay vì khuôn mặt hoặc dấu vân tay.
Tai nghe thực tế hỗn hợp còn sẽ có một nét quen thuộc khác: Điều khiển bằng giọng nói Siri.