TS Trần Trọng Dương là một người trẻ lần đầu tiên va chạm đề tài tìm "chìa khóa" mở vào tiếng Việt từ 600 năm trước. Và cánh cửa cổ điển đó chính là tác phẩm Quốc âm thi tập của Đại thi hào Nguyễn Trãi...

Tìm chìa khóa mở tiếng Việt 600 năm trước

Một Thế Giới | 27/06/2014, 14:10

TS Trần Trọng Dương là một người trẻ lần đầu tiên va chạm đề tài tìm "chìa khóa" mở vào tiếng Việt từ 600 năm trước. Và cánh cửa cổ điển đó chính là tác phẩm Quốc âm thi tập của Đại thi hào Nguyễn Trãi...

“Mỗi quyển từ điển, dù chỉ là từ điển cho một tác phẩm, cũng phải là một sự thức nhận về tiếng Việt, chứ không chỉ đơn thuần là một quyển sách giải thích các từ”. Quan điểm này của PGS Phan Ngọc được TS Trần Trọng Dương, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, áp dụng trong công trình độc đáo của anh, vừa được NXB Từ điển bách khoa ấn hành.

Đó là cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển. Cuốn sách sưu tập toàn bộ các từ ngữ, thành ngữ, điển cổ… được đại thi hào Nguyễn Trãi sử dụng trong tác phẩm Quốc âm thi tập, được ông viết vào đầu thế kỷ 15, được đánh giá là tập thơ Nôm cổ nhất, có giá trị và có bản sắc dân tộc may mắn còn lại cho đến nay. Với hơn 250 bài thơ thuần Việt, trong sáng, khúc chiết, đại thi hào Nguyễn Trãi được coi là “người đặt nền móng ngôn ngữ văn học dân tộc”, như lời của GS Đào Duy Anh. TS Trần Trọng Dương cũng cho rằng: “Nguyễn Trãi là người mở đường cho sự điêu luyện trác tuyệt của nghệ thuật ngôn từ thơ ca Việt Nam. Ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tư tưởng uyên áo của triết học phương Đông với lời ăn tiếng nói, tục ngữ phong dao của tiếng mẹ đẻ”. Vì vậy, như TS Dương chia sẻ, công trình Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của anh là sự cố gắng phản ánh sự kiện văn hóa quan trọng bậc nhất ấy trong lịch sử của đất nước ngàn năm văn hiến.

Nghiên cứu, biên soạn công trình này, Trần Trọng Dương đã tham khảo hơn 200 nguồn tài liệu là những cuốn từ điển, tự điển, những cuốn sách, bài nghiên cứu chuyên sâu của các học giả trong và ngoài nước về nhiều khía cạnh lịch sử, đặc điểm, sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt, Hán Nôm, chữ Nôm, về những tác phẩm nổi tiếng thời kỳ trung đại, về nhiều từ ngữ cổ trong tiếng Việt, tiếng Mường, Tày, Dao… Từ đó, mỗi mục từ trong cuốn từ điển được sắp xếp từ phần khảo cứu, nghĩa cơ bản, nghĩa xuất hiện trước đến các nghĩa phái sinh… Cấu trúc của mỗi mục từ lại đi từ đầu mục từ, chữ Hán, âm Hán Việt đến từ loại, chú thích phong cách, sắc thái tu từ, cho đến những lời tường giải, chú thích… Nhờ sự công phu này mà đọc tìm hiểu một chữ nào đó trong “Quốc âm thi tập”, người đọc có thể nắm bắt được nghĩa của nó trong sự vận động, cũng như sẽ hứng thú được tiếp cận những từ cổ mà đến nay đã biến đổi quá nhiều hay đã vắng bóng. Thí dụ như từ “kẻ” trong câu “Con đòi trốn, dường ai quyến/ Bà ngựa gày, thiếu kẻ chăn” của một trong số nhiều bài mang tên Thủ thuật, mang nghĩa là “người” nhưng không phân biệt sang hèn, cao thấp. Hoặc từ “nẻo khuở” trong câu “Trời phú tính, uốn nên hình/ Ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh” của một bài Tự thán, có nghĩa là “khi”. Hay từ “nhà cả” trong câu “Đống lương tài có mấy bằng mày/ Nhà cả đòi phen chống khỏe thay” của bài “Tùng”, thì nghĩa là “trời đất, kiền khôn, vũ trụ”.

“Người yêu tiếng Việt có thể tìm ở đây những ngôn từ cổ kính như những hồi quang của quá khứ xa xăm nhưng tráng lệ. Người ham chuộng văn chương có thể nhặt được ở đây những phiến lời lấp lánh nhạc điệu và ý tưởng nhân văn. Người thích nghiền ngẫm sẽ được chiêm nghiệm những tuyệt cú danh ngôn. Kẻ phong nhã tài tình sẽ được phiêu lưu trong trường thơ bể ái. Thế cũng thú vị lắm chứ!”, tác giả công trình chia sẻ với người đọc. TS Dương đã hoàn thành cuốn từ điển từ bốn năm trước, nhưng mãi gần đây mới có được nguồn tài trợ để in công trình tâm huyết của mình, cũng là quãng thời gian anh tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện công trình.

Học giả An Chi, người được biết đến rộng rãi và có uy tín trong ngành từ nguyên học cảm thấy vui mừng và thích thú với cuốn “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển”. Ông nhớ lại, cảm xúc tương tự đó ông từng có gần 40 năm trước, khi đang làm thủ thư ở Trường học sinh miền Nam số 8 (Tam Đảo – Vĩnh Phúc), khi mua được quyển Từ điển Truyện Kiều của GS Đào Duy Anh tại hiệu sách nhân dân thị xã Vĩnh Yên. Ông chia sẻ: “Bây giờ cái cảm xúc đó lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn, nồng nhiệt hơn, sau gần bốn thập kỷ trăn trở và lăn lóc với việc tìm hiểu tiếng Việt, đặc biệt là về mặt từ nguyên học và ngữ tộc học”. Ông cho rằng, với công trình này, bạn đọc sẽ có thêm những điều kiện cần thiết để tìm hiểu, thưởng thức tác phẩm “Quốc âm thi tập”, đẹp và sang, của văn học cổ điển nước nhà mà ngôn ngữ đã cách xa chúng ta đến trên dưới 600 năm. 

Nhân dịp Nguyễn Trãi quốc âm từ điển được ấn hành, chúng tôi đã có cuộc cuộc trò chuyện với tác giả cuốn sách - TS Trần Trọng Dương.

Tim chia khoa mo tieng Viet 600 nam truoc

TS Trần Trọng Dương

* Anh đã dành thời gian, công sức thế nào để hoàn thành công trình dày dặn, tỉ mỉ và công phu này?

TS Trần Trọng Dương: Tôi là một người đam mê tiếng Việt và đam mê từ điển. Từ hai đam mê ấy, tôi nảy ra ý định dành cả đời biên soạn từ điển, nhất là các loại từ điển về tiếng Việt. Và “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển” là công trình đầu tiên tôi hiện thực hóa cái ý định “viển vông” của mình. Đầu 2010, tôi bắt đầu biên soạn cuốn sách bằng việc đọc lại toàn bộ Quốc âm thi tập của đại thi hào Nguyễn Trãi bằng nguyên bản chữ Nôm, rồi đối chiếu với tất cả các bản phiên chú từ trước đến nay. Kết quả là tôi đã “cập nhật” được tất cả những thành tựu phiên chú của các học giả đi trước, và đề xuất/sửa chữa thêm được cả trăm lượt chữ chưa được chuẩn xác.

Đến khâu làm phiếu cấp một, tôi được sự giúp đỡ của vợ tôi, lúc đó đang mang bầu đứa thứ nhất. Một công việc tỉ mẩn kéo dài hơn sáu tháng trời cho đến khi vợ tôi sinh con. Sau đó tôi mất thêm sáu tháng nữa để hoàn thành bản thảo lần thứ nhất, theo cách mà GS Đào Duy Anh đã từng làm với Từ điển Truyện Kiều.

Nhưng tôi còn muốn “update” hầu hết các thành tựu về nghiên cứu của giới ngôn ngữ học trong nước và quốc tế. Cứ như vậy, năm năm trời, tôi vừa viết, vừa đọc, vừa tra cứu, vừa giám định lại văn bản học, văn tự học, rồi tái lập lại ngữ âm của thế kỷ 15… Và cho đến thời điểm này, dù sách đã ra, nhưng tôi vẫn còn muốn viết tiếp, sửa chữa tiếp. Làm từ điển là một công việc bất tận, có lúc tôi nghĩ mình như là một con kiến thợ đi nhặt lại những mảnh vụn vô tận của thời gian.

* Vì sao anh chọn làm từ điển “Quốc âm thi tập” mà không phải tác phẩm khác của đại thi hào Nguyễn Trãi hoặc tác gia văn học Việt Nam khác?

TS Trần Trọng Dương: - Vâng, thì ai cũng đã biết hai thi hào lớn nhất của Việt Nam là Nguyễn Du và Nguyễn Trãi. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du được coi như là người đã biến tiếng Việt thành một thứ ngôn ngữ văn học đỉnh cao và tác phẩm này đã đưa Nguyễn Du trở thành một thi nhân có đóng góp ở tầm nhân loại. Còn Nguyễn Trãi, tác phẩm Quốc âm thi tập của ông được coi là “một đại biến cố” của văn học Việt Nam. Cũng chính với tác phẩm này, Nguyễn Trãi đã được coi là người “đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc”, như chữ của GS Đào Duy Anh. Vì thế, việc biên soạn một cuốn từ điển cho tác phẩm này là một công việc hết sức cần thiết, không chỉ đối với việc nghiên cứu Nguyễn Trãi, mà cả với lịch sử ngôn ngữ và văn hóa của Việt Nam.

* Giới thiệu, giải thích tiếng Việt cổ qua “Quốc âm thi tập” cách nay đã 600 năm, anh có “tham vọng” gì?

TS Trần Trọng Dương: Cuốn sách này tôi coi như là một “hố” khảo cổ ngôn từ để chúng ta hiểu được tiếng Việt cách nay gần 600 năm và nó sẽ là cơ sở để tôi biên soạn một cuốn từ điển tiếng Việt từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Đây sẽ là một công trình đồ sộ được xây dựng từ các nguồn tư liệu văn hiến cổ viết bằng tiếng Việt, gồm các văn bản chữ Nôm (từ thời Lý Trần cho đến thời Nguyễn) và các văn bản chữ quốc ngữ cổ (từ thế kỷ 17 đến năm 1945). 

* Tiếng Việt nay đã khác rất nhiều 600 năm trước. Đặc biệt, trong ngôn ngữ, cách dùng từ, ký hiệu của giới trẻ đã phát triển chóng mặt, phức tạp, lạ lẫm. Anh có hy vọng gì với những người trẻ cùng lứa và lớp sau trong việc tiếp cận, hiểu biết hoặc chỉ đơn giản là biết đến?

TS Trần Trọng Dương: Có những vấn đề thuộc về lịch sử của nó. Ngôn ngữ và văn hóa cũng vậy. Mỗi một thời, mỗi một giai đoạn đều tự dựng nên những bản sắc riêng. Có cái bản sắc sau tiếp nối cái bản sắc trước, nhưng cũng có cái bản sắc cũ lại bị cái bản sắc mới xóa nhòa, như một bức tranh cát vậy. Nhưng theo tôi nghĩ, Nguyễn Trãi và di sản văn hóa của ông sẽ còn mãi với thời gian. Công trình của tôi chỉ như là một chiếc chìa khóa cho bất kỳ ai, cho bất kỳ bạn trẻ nào có ý định mở cánh cửa để đi về quá khứ.
(Theo Ngày Nay)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm chìa khóa mở tiếng Việt 600 năm trước