Trong 6 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã phát hiện 43/126 lô heo dương tính với mẫu tập trung. Trong khi đó, cũng có đến 47/223 mẫu thủy sản dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, ở lĩnh vực chăn nuôi, thú y, Chi cục Thú y đã sử dụng kiểm tra nhanh để kiểm tra tồn dư chất cấm trong chăn nuôi.Tại cơ sở chăn nuôi, Chi cục Thú y kiểm tra 74 hộ chăn nuôi gia súc tại 6 quận, huyện, kết quả các mẫu kiểm tra đều âm tính.
Tại cơ sở giết mổ, cơ quan này lấy 1.273 mẫu nước tiểu trên 556 lô heo. Kết quả có 43/126 lô dương tính với mẫu tập trung tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương. Chi cục Thú y đã tiến hành xử lý các lô heo dương tính theo quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục Thú y cũng đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 1.371 trường hợp, tang vật xử lý khoảng 31 tấn; xử lý vệ sinh thú y 1.712 trường hợp với tang vật tiêu hủy khoảng 55 tấn.
Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ, không chấp hành tiêm phòng bắt buộc theo quy định.
Trong khi đó, ở lĩnh vực thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã lấy 233 mẫu. Kết quả phân tích phát hiện 47/223 mẫu dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Chi cục đã tiến hành lập biên bản và làm hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, đầu tháng 6, theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cảnh báo sản phẩm của 2 doanh nghiệp Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm. FSIS yêu cầu Nafiqad phải gửi thông báo cho biết nguyên nhân các lô hàng bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và các biện pháp khắc phục.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết 5 năm an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Y tế TP.HCM tổ chức hồi cuối tháng 5, cơ quan này cho biết trung bình có 27,1% trong tổng số 553 mẫu được khảo sát bị phát hiện tồn dư kháng sinh, trong đó Sulfadimidin là 14,8%; Tetracycline là 12%.
Tình trạng tồn dư kháng sinh trên cơ sở so sánh trong 2 năm qua cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có sự tăng vọt. Nếu năm 2014 chỉ có 17,6% mẫu thịt bị phát hiện tồn dư kháng sinh thì sang năm 2015, tỷ lệ mẫu bị phát hiện tăng lên 39,6%.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 31 31 mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm (trong đó có 7 mẫu nhiễm vi sinh, 4 mẫu nhiễm Triclofon, 20 mẫu nhiễm kháng sinh) trên tổng số 1.025 mẫu.
Đối với sản phẩm gia súc, từ năm 2011 đến 2015, các ngành chức năng đã kiểm tra 484 lô hàng gia súc thịt heo và lấy 1.784 mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ phân tích kiểm tra các chất cấm. Kết quả phát hiện có tới 61 lô có tồn dư chất tăng trọng; 57 lô bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc nhóm Beta-agonist.
Tại cơ sở chăn nuôi, năm 2015 tỷ lệ hộ chăn nuôi ở TP.HCM còn sử dụng nhóm chất cấm trên vẫn còn chiếm tới 5,77% tại các địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận 9.
Như vậy, mặc dù các cơ quan đã quyết liệt ngăn chặn và xử lý tình trạng heo chứa chất cấm, thủy sản tồn dư hóa chất, kháng sinh hay việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch...thế nhưng, dường như tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm và diễn biến ngày càng phức tạp.
Phan Diệu