Hiệp định EVFTA đã tạo ra tiếng vang, làm cho nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.

'Tiếng vang' EVFTA giúp hàng Việt cạnh tranh hơn hàng Thái, Malaysia về giá

Tuyết Nhung | 26/11/2022, 09:00

Hiệp định EVFTA đã tạo ra tiếng vang, làm cho nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.

Sau 2 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thể hiện rõ những hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EU. Mặc dù gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, song hàng hóa xuất khẩu sang EU mang thương hiệu Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Tại Tọa đàm "Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA" ngày 25.11, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương) - cho biết, EU là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp ở đa dạng các thị trường khác trên thế giới.

c2-1634191948.jpg

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) - cho hay, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần. Trước khi EVFTA có hiệu lực và sau khi EVFTA có hiệu lực đối với các sản phẩm của Hapro xuất khẩu thực tế được lợi thế là ưu đãi hơn về thuế.

"Tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng lâu nay với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia", ông Tuấn cho hay.

Đồng quan điểm, ông Vũ Anh Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp - cho rằng, EVFTA đã tạo ra tiếng vang, làm cho nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Đơn cử như thị trường Pháp, tính đến 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 4,29 tỉ euro, tăng 16% so với 2021 và tăng 20% so với 2020. Dự kiến trong năm 2022 này Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỉ euro. EVFTA là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên kết quả này.

Cần có bước đi bài bản, chiến lược "khôn ngoan"

Mặc dù hàng hóa Việt Nam đã gia tăng sự hiện diện tại thị trường EU, song số lượng thương hiệu Việt Nam tại thị trường này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm 2% thị phần. "Còn một dư địa rất lớn để cho các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta khai thác, đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu vào EU. Khi đạt được số lượng nhiều hơn nữa sản phẩm và cũng đạt được nhiều hơn nữa về giá trị kim ngạch, đồng nghĩa với việc hỗ trợ thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vào thị trường EU", bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhận định.

Để tận dụng được hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp cho doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu tại thị trường EU, theo bà Thủy, doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan thì mới có thể đưa được những thương hiệu riêng của doanh nghiệp vào thị trường.

"EU là một thị trường mà có những đòi hỏi quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường của EU, xem thị trường đó có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần chứ không phải bán những cái sản phẩm mà chúng ta có", bà Thủy khuyến nghị và cho biết thêm, các doanh nghiệp cần phải thay đổi những tư duy đối với việc kinh doanh với thị trường EU, đó là phải thấu hiểu văn hóa của thị trường EU, thấu hiểu các tập quán kinh doanh của khối thị trường này và cần phải thay đổi một tư duy bán hàng.

Ngoài ra, một điểm vô cùng quan trọng để quyết định doanh nghiệp có thể thành công trong việc phát triển thương hiệu tại thị trường EU, theo bà Thủy, đó là phải phát triển được sản phẩm phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường EU. Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU nhưng cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam để giúp cho việc định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tốt hơn ở thị trường EU.

Trong quá trình làm việc với các đối tác EU doanh nghiệp cũng cần lưu ý phải hết sức trung thực, đảm bảo ổn định về khả năng cung ứng hàng hóa và chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường EU. Cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp đối với các đối tác nhập khẩu tại EU và khi mà làm được những việc đó thì doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý xây dựng được một bộ nhận diện thương hiệu thực sự là chuyên nghiệp cho các sản phẩm để tiếp cận với cái thị trường EU, quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường EU để có thể phát triển được lâu dài với cái thị trường này.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần lưu tâm đến việc tìm kiếm những người uy tín ở thị trường EU để người ta giúp giới thiệu và lan tỏa những sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường EU, những người uy tín đó là ai, những người uy tín đó trước mắt doanh nghiệp có thể nhìn nhận ngay thấy là có một hệ thống các doanh nhân Việt kiều tại EU thì đây là một kênh rất tốt giúp cho hàng hóa của Việt Nam có thể đi nhanh được vào thị trường của EU.

"Việc các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ lần đầu thâm nhập, tìm cách thâm nhập vào thị trường EU để làm việc được ngay với các nhà nhập khẩu bản địa tại EU không phải là đơn giản. Các doanh nghiệp Việt kiều đã rất hiểu những cái văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh tại thị trường EU thì đó là một kênh rất tốt để giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào thị trường này", bà Thủy lưu ý thêm.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương hiệu của mình, bà Thủy cho biết, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng được đánh giá là sẽ có năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ, giúp cho chúng ta xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển thương hiệu tại EU, tạo những lực kéo để thúc đẩy các doanh nghiệp khác cũng phát triển theo.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, đây là những nét mới để phù hợp với những xu thế hiện nay để thực hiện được các hoạt động này một cách là hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn về chi phí trong khi đó lại sẽ thu được những lợi ích cụ thể và thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc phát triển tại thị trường EU.

Bài liên quan
Xuất xứ của sợi - 'điểm nghẽn' của dệt may Việt Nam trong EVFTA
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định ngành dệt may được giảm thuế hơn 10% nhưng phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sợi, vải. Đây là điểm nghẽn của dệt may Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tiếng vang' EVFTA giúp hàng Việt cạnh tranh hơn hàng Thái, Malaysia về giá