Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) nhà sưu tập tiền cổ Huỳnh Minh Hiệp vừa công bố bộ tiền Trường Sơn, một loại tiền rất quý hiếm ít có người lưu giữ lại được cho đến ngày nay.

Tiền Trường Sơn: kỷ vật vô giá của một thời kỳ lịch sử

Một Thế Giới | 24/04/2015, 08:10

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) nhà sưu tập tiền cổ Huỳnh Minh Hiệp vừa công bố bộ tiền Trường Sơn, một loại tiền rất quý hiếm ít có người lưu giữ lại được cho đến ngày nay.

Theo lời giới thiệu của nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp thì tiền Trường Sơn là một chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Bản thân mỗi tờ giấy bạc đã tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng cán bộ chiến sĩ thời kỳ đó. Tiền Trường Sơn gắn liền và không thể tách rời trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn trên dãy Trường Sơn năm xưa, góp phần vào chiến thắng mùa xuân 1975 của quân và dân ta.
Tien-truong-son-ky-vat-vo-gia-cua-mot-thoi-lich-su-hinh-anh-5
Nhà sưu tập - Kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp đang giới thiệu bộ tiền Trường Sơn với PV Một Thế Giới 
 Lịch sử ra đời của loại tiền này được nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp tìm hiểu rất kỹ. Anh kể lại: Từ năm 1965 căn cứ vào tình hình thực tế ở Trường Sơn, Cục Tài vụ thuộc Bộ Quốc phòng đã cho phát hành loại tiền này nhằm đáp ứng việc trao đổi mua bán và chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ chiến sĩ đang công tác ở Trường Sơn. Tiền Trường Sơn được lưu hành và sử dụng trong thời gian 10 năm trên địa bàn rất rộng từ bờ nam Sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) sang đến Lào và Campuchia. Theo ước tính đã có khoảng 5 vạn người đã sử dụng loại tiền này.
 Về hình thức của tiền Trường Sơn có kích thước 3,5cm x 10cm. Tiền được in hoa văn khá đơn giản, một mặt in ghi mệnh giá và mặt sau để trống. Màu của tờ tiền Trường Sơn có thể đậm nhạt khác nhau tùy thuộc vào mỗi lần in do thời đó mực để in tiền rất khan hiếm. Hiện tại loại tiền này rất hiếm và khó tìm vì rất ít người lưu giữ lại. Ngay đến cục lưu trữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không có bản tiền này ngoài bộ tiền được nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp  hiến tặng.
Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp còn cho biết thêm, bộ tiền Trường Sơn đầu tiên phát hành năm 1965, sử dụng được bốn năm thì địch phát hiện nên chuyển sang bộ tiền mới. Bộ tiền mới có kích thước giống bộ tiền trước đó nhưng không có dòng chữ Phiếu bách hóa. Ngoài ra, mặt trước còn có thêm một vòng tròn nhỏ có in hai chữ MT.
Tien-truong-son-ky-vat-vo-gia-cua-mot-thoi-lich-su-hinh-anh-1
Tiền Trường Sơn có ký hiệu số 1 và bút tích của một chiến sĩ 
Tiền Trường Sơn gồm bốn mệnh giá. Trên mỗi tờ tiền ghi 1, 2, 5 và 10, tương đương tiền thật có mệnh giá loại một đồng, hai đồng, năm đồng và 10 đồng. Loại tiền này cấp cho cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đi công tác từ binh trạm này sang binh trạm khác. Mọi thanh toán đều được đối chiếu với sổ cái từ phòng tài vụ Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Khi bị bộ đội ra lại miền Bắc thì tiền Trường Sơn phải được đổi sang tiền thật do Ngân hàng nhà nước phát hành.
Tien-truong-son-ky-vat-vo-gia-cua-mot-thoi-lich-su-hinh-anh-2
Tiền Trường Sơn được sử dụng ở chiến trường Lào được phát hiện bởi bút tích của một chiến sĩ từng chiến đấu ở đó 
Nhà sưu Huỳnh Minh Hiệp là người may mắn có đầy đủ hai bộ bốn loại tiền Trường Sơn. Một bộ tiền Trường Sơn đã được anh hiến tặng cho Bảo tàng TP.HCM. Kích cỡ bộ tiền Trường Sơn gồm loại 1 đồng là 3,5 x 7,3 cm, loại 2 đồng: 4 x 8,1 cm, loại 5 đồng: 4,5 x 9,1 cm, loại 10 đồng: 4,9 x 10,1 cm.
"Tôi rất may mắn khi sở hữu bộ tiền này. Đối với tôi nó là một kỷ vật vô giá của một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi muốn giới thiệu cho mọi người biết, nhất là những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Trường Sơn. Ước ao lớn nhất của tôi là được gặp lại những người đã để lại bút tích trên tờ giấy bạc đó, nghe họ kể lại những tháng ngày gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang của một người chiến sĩ từng chiến đấu ở Trường Sơn".Đó là những gì anh Huỳnh Minh Hiệp nói với chúng tôi khi giới thiệu bộ tiền quý hiếm này.
Tien-truong-son-ky-vat-vo-gia-cua-mot-thoi-lich-su-hinh-anh-3
Những dòng chữ kỷ niệm của chiến sĩ Trường Sơn ở mặt sau tờ tiền có ký hiệu số 10
Để có bộ sưu tập tiền Trường Sơn, anh Huỳnh Minh Hiệp đã nhiều ngày lặn lội khắp nơi sưu tầm tiền kiếm. Qua rất nhiều thời gian anh đã phát hiện ra bộ tiền này ở Bắc Ninh và mua lại để mang về TP.HCM bổ sung vào bộ sưu tập tiền khổng lồ của mình. Năm 2009, bộ sưu tập "Tiền Trường Sơn" của nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp, được giới thiệu trong triển lãm tại Bảo tàng TPHCM. Đây là lần thứ 2 anh công bố bộ tiền để phục vụ công chúng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm ôn lại một thời hào hùng của  lịch sử dân tộc.
Tien-truong-son-ky-vat-vo-gia-cua-mot-thoi-lich-su-hinh-anh-4
Tờ tiền Trường Sơn được nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp giữ rất cẩn thận vì đã rất cũ dễ rách
Nhà sưu tập tiền cổ Huỳnh Minh Hiệp, sinh năm 1973, hiện ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM). Anh đang sở hữu tiền giấy của 222 quốc gia, và tiền kim loại của 218 nước trên thế giới. Tháng 8/2005, Huỳnh Minh Hiệp đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà sưu tập có bộ tiền phong phú, nhiều và đa dạng nhất Việt Nam.
Bài & ảnh Tiểu Vũ 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Trường Sơn: kỷ vật vô giá của một thời kỳ lịch sử