Chỉ ở bóng đá Việt Nam, tiền lót tay mới là nguồn thu nhập chính mà cầu thủ hướng đến thay vì tiền lương, thưởng.
Khái niệm "lót tay" và lịch sử biến tướng ở Việt Nam
“Tiền lót tay” cho cầu thủ khi ký hợp đồng mới với bóng đá thế giới được gọi là “fee”, dịch nôm na là “phí bồi dưỡng ký hợp đồng”. Tức là khi ký một hợp đồng sau khi thỏa thuận được tiền lương, thưởng là thu nhập chính của cầu thủ thì hợp đồng còn có một khoảng “fee” riêng như một khoản thưởng cho cầu thủ và công ty, hay người đại diện của cầu thủ đó.
Bầu Trường, nhân vật khơi mào cho khai niệm "lót tay khủng" của bóng đá Việt Nam |
Ở Việt Nam, kể từ năm 2007, khi bầu Trường, tức ông Hoàng Mạnh Trường, xuất hiện với việc mua lại CLB Ngói Đồng Tâm Long An để chuyển ra Ninh Bình thành CLB Vinakansai Ninh Bình (sau là Vissai Ninh Bình) rồi dùng tiền "khủng" để chiêu mộ lực lượng bằng cách trả ngay cho cầu thủ một gói tiền khủng hàng tỷ đồng gọi là “lót tay” khi đặt bút hợp đồng. Từ đó khái niệm lót tay khủng cho cầu thủ ra đời và tồn tại cho đến tận ngày nay.
Trước khi bầu Trường xuất hiện, BĐVN từng chứng kiến nhiều bầu Đức cũng từng vung tiền tỷ làm bóng đá với CLB Hoàng Anh Gia Lai năm 2001-2002. Tuy nhiên, khi đó bầu Đức cũng chỉ trả tiền lương cho nhiều cầu thủ ngôi sao như Nguyễn Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng, Lương Trung Tuấn, Phạm Minh Đức, Nguyễn Mạnh Dũng, Việt Thắng… số tiền lương khoảng trên dưới 20 triệu/tháng, tức nhiều hơn số tiền lương chỉ 5-7 triệu/tháng mà các cầu thủ này nhận được ở CLB cũ vốn còn sống trong cơ chế bao cấp.
CLB B.Bình Dương năm 2004 khi thăng V.League họ bỏ 1 tỷ đồng để mua tiền vệ Trần Trường Giang từ đội Tiền Giang về, song số tiền 1 tỷ đồng đó được B.Bình Dương chuyển khoản cho Sở TDTT Tiền Giang, còn Trường Giang chỉ được nhận lương khoảng 25 triệu/tháng. Tương tự là trường hợp của tiền vệ Trung Kiên từ Nam Định về TMN.Cảng Sài Gòn năm 2006 với giá chuyển nhượng 1,6 tỷ đồng và Trung Kiên nhận lương 16 triệu/tháng ở TMN.CSG.
Trước đó nữa, năm 2003, khi tiền đạo Lê Huỳnh Đức đồng ý chuyển từ màu áo CA TPHCM sang phiên hiệu mới là Ngân hàng Đông Á thì Huỳnh Đức nhận mức lương 25 triệu/tháng, được coi là kỷ lục thời đó.
Cho đến thời điểm V.League 2006, BĐVN chưa có khái niệm lót tay vì đầu năm 2006 khi CLB Ngân hàng Đông Á bị giải thể vì bê bối mua chuộc trọng tài thì một loạt cầu thủ như thủ môn Thế Anh, hậu vệ Huỳnh Quang Thanh, tiền vệ Phùng Công Minh lúc chuyển về B.Bình Dương chỉ được bồi dưỡng một ít tiền chứ không có đồng lót tay nào.
Lót tay làm hỏng cả hệ thống bóng đá VN
Lót tay "khủng" cho cầu thủ khi ký hợp đồng là điều trái với quy luật lao động bình thường cũng như quy luật chung của bóng đá thế giới vì cầu thủ chưa lao động, thi đấu và cống hiến gì cho CLB mới nhưng lại nhận ngay một khoản tiền quá lớn.
Khoản tiền lớn lót tay về mặt nào đó cũng có ý nghĩa kích thích cầu thủ phấn đấu (ở CLB cũ) để được CLB mới để ý ký hợp đồng, song mặt tích cực đó chỉ rất nhỏ, còn mặt tiêu cực gần như tàn phá cả nền bóng đá Việt Nam.
Đồng ý ở lại với HN T&T và bầu Hiển song sau đó lại gật đầu về đầu quân cho bầu Kiên, Lê Công Vinh từng là đề tài đàm tiếu cách đây 3 năm (ảnh Leo-TTVH) |
Thứ nhất, nhiều cầu thủ khi nhận được số tiền lớn lót tay lúc ký hợp đồng mới sẽ mất đi động lực tập luyện, thi đấu vì tiền lương, thưởng nhận được hằng tháng không thể kích thích họ “mạnh” bằng tiền lót tay, từ đó dễ dẫn đến việc ăn chơi sa ngã, phong độ giảm sút.
Thứ hai, khi cầu thủ biết chắc nhận được khoản tiền lót tay lớn lúc về CLB mới thì họ sẽ cố tình chểnh mảng, giữ chân ở quãng thời gian cuối thi đấu cho CLB cũ. Kế đến đại bộ phận cầu thủ thay vì tập trung rèn luyện, thi đấu tốt thì chỉ chăm chăm vào việc chuyển sang CLB mới để được hưởng khoản lót tay khủng.
Thứ tư, do CLB mới chi trả tiền lót tay "khủng" cho cầu thủ nên dẫn đến cầu thủ chỉ chờ hết hạn hợp đồng cũ với CLB là tìm cách ra đi hoặc cố tình làm reo, chây ỳ để được đi. Từ đó dẫn đến việc các CLB dày công đào tạo cầu thủ trẻ thành tài như Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Định, Khánh Hòa… bị chảy máu cầu thủ giỏi liên tục nhưng không thu hồi được vốn từ tiền chuyển nhượng, dẫn đến việc ngày càng lụn bại về tài chính, chuyên môn không thể cạnh tranh thành tích và thậm chí là xóa sổ.
Thứ năm, tiền lót tay khủng cho cầu thủ cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo, buông thả của VFF từ nhiều năm qua góp phần phá hủy gần như toàn bộ hệ thống bóng đá VN vì tạo điều kiện cho các ông bầu, CLB ăn xổi, không đào tạo cầu thủ trẻ nhưng chỉ biết vung tiền lấy cầu thủ và đẩy các trung tâm đào tạo trẻ vào chỗ bế tắc vì chảy máu tài năng, thiệt hại nghiêm trọng về tài chính. Trong khi đó, về phía các cầu thủ Việt mặc dù nhận được lót tay "khủng" nhưng đóng góp, cống hiến về chuyên môn lại rất hạn chế và nhiều người sa ngã, đánh mất bản thân.
Đăng Khoa
Lót tay cho Công Vinh bằng 3,5 năm lương Lee Nguyễn ở MLS
Với mức phí 10 tỷ đồng lót tay, tương đương 500.000 USD và không phải đóng thuế thì chỉ riêng khoảng tiền mà Lê Công Vinh nhận được bằng 3 năm thu nhập của Lee Nguyễn ở MLS. Ở mùa bóng 2014, Lee Nguyễn tái ký hợp đồng mới với New England Revolution và được nhận tổng cộng mức lương 193.750 USD/mùa (khoảng 4 tỷ đồng), chưa tính thuế. Với mức thuế phải đóng khoảng 35% thì Lee Nguyễn thực nhận chỉ khoảng 130.000 USD/mùa. Ở giải MLS, cầu thủ không hề có lót tay, chỉ nhận được lương và tiền thưởng thắng cho từng trận tùy vào CLB (ở New England Revolution, cầu thủ đá chính nhận được khoảng 2000 USD/trận thắng).
Lúc còn ở Việt Nam, Lee Nguyễn cũng từng nhận được lót tay 250.000 USD tiền lót tay khi ký hợp đồng 1 năm với B.Bình Dương cùng mức lương 12.000 USD/tháng mà không phải đóng bất kỳ khoản thuế nào. Tuy nhiên, khi sự nghiệp bị sa sút nghiêm trọng, Lee Nguyễn đã bỏ V.League để trở về Mỹ vào cuối năm 2011 và chấp nhận bị MLS ép trả mức lương bèo bọt 44.000 USD/năm trong mùa đầu tiên đá cho New England Revolution.