Bị chiếc xe ngựa chở khách du lịch sông nước miệt vườn cán qua người, ông Xinh gãy 6 chiếc xương sườn. Trước đó cũng trên tuyến đường này, 1 chiếc xe ngựa du lịch đã tông vào xe gắn máy làm 1 người thiệt mạng.

Tiền Giang: Bất an với dịch vụ xe ngựa du lịch

Hùng Anh | 15/06/2018, 15:57

Bị chiếc xe ngựa chở khách du lịch sông nước miệt vườn cán qua người, ông Xinh gãy 6 chiếc xương sườn. Trước đó cũng trên tuyến đường này, 1 chiếc xe ngựa du lịch đã tông vào xe gắn máy làm 1 người thiệt mạng.

Xe ngựa cán người, đụng xe gắn máy

Cù lao Thới Sơn nằm giữa sông Tiền (xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từ lâu là điểm du lịch miệt vườn nổi tiếng trong, ngoài nước, hàng năm tiếp đón hơn 60.000 khách du lịch. Từ năm 2014-2015, trên “đảo du lịch sông nước” này xuất hiện loại hình xe ngựa chuyên chở khách du lịch đi tham quan các vườn cây ăn trái.

Ông Nguyễn Phong Lưu, cán bộ phụ trách Văn hóa xã hội - Thể thao - Du lịch của xã Thới Sơn, cho biết hiện tại trên cù lao có 2 doanh nghiệp kinh doanh du lịch với đội xe ngựa 27 chiếc và đều được các cơ quan hữu trách cấp phép hoạt động hợp pháp. Nhưng hiện nay, nhiều người đến cù lao Thới Sơn đã không giấu lo ngại về loại hình xe ngựa chở khách du lịch.

Mới đây khoảng 11 giờ ngày 2.6, ông Bùi Văn Xinh (53 tuổi, quê H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, tạm trú tại xã Thới Sơn) đã bị 1 chiếc xe ngựa gây tai nạn với thương tích rất nặng. Những người chứng kiến sự việc cho biết, ông Xinh là người đánh xe ngựa cho doanh nghiệp du lịch MeKong Mart ở xã Thới Sơn. Lúc xảy ra tai nạn, ông Xinh vừa tháo con ngựa ra khỏi xe đưa vào bãi chăn giữ và bước ra đường huyện lộ 94C thì bị 1 chiếc xe ngựa khác do ông Bùi Mạnh Triều (43 tuổi) đang chở khách du lịch trờ tới tông trúng.

Cú tông mạnh làm ông Xinh ngã xuống đường, nhưng chiếc xe ngựa của ông Triều không dừng lại mà tiếp tục cán qua người ông Xinh, khiến ông bị thương rất nặng. Khi đưa đến Bệnh viện Quân y K120 (Cục Hậu cần Quân khu 9, P.6, TP.Mỹ Tho) để cấp cứu, ông Xinh được xác định bị gãyxương sườn số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và bị thương phần mềm vùng cằm.

Trước đó vào chiều 29.6.2015, chiếc xe ngựa chở khách du lịch trên cù lao Thới Sơn đã tông trúng xe gắn máy biển số 71FB-8193 do ông Trần Văn Lân điều khiển, chở vợ là bà Võ Thị Kim Liên (2 vợ chồng cùng 78 tuổi, ngụ ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn). Thời điểm xảy ra tai nạn, ông Lân điều khiển xe gắn máy chạy trên đường huyện lộ 94C.

Đến khu vực ấp Thới Thạnh, chỉ cách nhà vài trăm mét thì xe gắn máy của ông Lân bị chiếc xe ngựa chở khách du lịch do ông Nguyễn Văn Đang (63 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) điều khiển chạy ngược chiều, lao sang lề trái tông trúng.

Sau khi tông ngã chiếc xe gắn máy chở vợ chồng ông Lân, con ngựa còn tiếp tục giẫm đạp lên người ông Lân nhiều lần, khiến nạn nhân bị trọng thương. Dù ông Lân và vợ được người dân nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu, nhưng ông Lân đã tử vong, còn bà Liên bị thương rất nặng.

Hiện trường vụ ông Xinh bị xe ngựa chở khách du lịch cán gãy 6 xương sườn ngày 2.6 - Ảnh: Thanh Anh

Sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng nêu trên, mặc dù chủ của những chiếc xe ngựa gây tai nạn đã tích cực hỗ trợ gia đình nạn nhân, nhưng nhiều người dân trên cù lao Thới Sơn và du khách vẫn có tâm trạng bất an.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cư dân TP.Mỹ Tho thường xuyên đến cù lao Thới Sơn vì công việc, cho biết: “Xe ngựa chở khách du lịch là loại xe thô sơ bằng gỗ có gắn 2 bánh xe cao su, trong lòng xe có thiết kế 2 băng ghế ngồi bằng gỗ dọc 2 thành xe, chạy khá nhanh dù có chở khách hay không. Trước đây tui rất ngán những chiếc xe ngựa này khi chúng lưu thông trên đường. Sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng thì mỗi khi gặp xe ngựa là tui nép xe gắn máy vào lề, tránh nó cho an toàn”.

Bà Thu, người dân Thới Sơn, cho biết bà và nhiều người rất lo lắng mỗi khi ra đường gặp xe ngựa du lịch. “Huyện lộ 94 C là tuyến đường giao thông chính của cù lao, mặt đường hẹp, hàng ngày xe gắn máy, xe du lịch lui tới rất đông, đặc biệt là những ngày cuối tuần, lễ tết. Trong khi đó xe ngựa lại chạy chung đường với các loại xe, nên ai cũng sợ xảy ra tai nạn”, bà Thu nói.

Phải “chung sống” với xe ngựa?

Theo ông Lưu, hiện tại toàn xã Thới Sơn có hơn 1.600 gia đình sinh sống, bình quân mỗi gia đình có 2 chiếc xe gắn máy và huyện lộ 94C dài 9,5km là trục đường giao thông chính của xã. Từ khi xuất hiện, dịch vụ xe ngựa chở khách được xem là loại hình du lịch mới trên cù lao, nên chuyện xe ngựa chở khách du lịch phải chạy chung đường với hơn 3.000 xe gắn máy của cư dân sở tại và hàng ngàn xe của du khách gần xa đến Thới Sơn là điều phải chấp nhận.

Nhưng UBND xã Thới Sơn chỉ cho phép xe ngựa du lịch hoạt động trên đoạn đường 1,5km ở các khu du lịch, từ cuối cù lao đến chân cầu Rạch Miễu. Xe nào muốn chạy ra khỏi khu vực này để phục vụ du khách, đám tiệc thì phải được UBND xã cho phép.

“Việc xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng do xe ngựa du lịch là điều rất đáng tiếc, bởi lẽ hàng tháng UBND xã đều yêu cầu các chủ xe ngựa phải cam kết đậu xe đúng chỗ, lên xuống khách đúng nơi quy định. Khi di chuyển, xe ngựa phải chạy sát lề phải thành hàng dọc, không dàn hàng ngang trên đường, không chạy đua giành tài, giành khách.

Người trên 18 tuổi mới được điều khiển xe ngựa, nghiêm cấm phụ nữ có thai và trẻ em điều khiển và các chủ xe phải dọn sạch chất thải do con ngựa thải ra”, ông Lưu cho biết. Tuy nhiên, ông Lưu cũng thừa nhận là từ trước đến nay UBND xã và các cơ quan hữu trách chưa lần nào tổ chức tập huấn kỹ năng điều khiển xe ngựa chở khách cho các “xà ích”.

Ông Nguyễn Văn Nên, Phó trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, cho biết việc các doanh nghiệp cho xe ngựa chở khách du lịch lưu thông trên huyện lộ 94C là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Khu du lịch Thới Sơn chỉ có duy nhất huyện lộ 94 C là tuyến giao thông độc đạo - Ảnh: Thanh Anh

“Xe di chuyển bằng sức kéo của động vật (xe bò, xe ngựa, xe trâu…) đều không thuộc đối tượng được phép di chuyển trên đường giao thông công cộng. Xe ngựa chở khách du lịch chỉ được phép lưu thông trong khuôn viên khu du lịch. Việc cho xe ngựa lưu thông trên đường huyện lộ chung với các loại phương tiện cơ giới khác đã sai, lại còn để cho xe ngựa gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng thì phải bị các cơ quan hữu trách xử lý nghiêm”, ông Nên cho biết.

Theo ông Sáu Nam, 1 người chuyên nuôi ngựa ở Đức Hòa (Long An), ngựa kéo xe chở du khách hay chở hàng hóa đều phải được che 2 mắt; mọi chuyện đi đứng, rẽ phải hay trái con ngựa đều tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển. Vì vậy, khi con ngựa kéo xe gây ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về người điều khiển con ngựa.

Tuy nhiên, nhiều người điều khiển xe ngựa chở khách du lịch ở cù lao Thới Sơn cho rằng, ngựa kéo xe ở các điểm du lịch đều rất thuần, hàng ngày chở khách đi trên đường huyện lộ 94C những con ngựa đều không có phản ứng gì khi gặp các loại xe cơ giới khác. Vì vậy 2 vụ tai nạn nghiêm trọng do ngựa kéo xe ra là điều rất đáng tiếc, không thể lý giải nổi.

Ông Ngô Minh Quân, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Mỹ Tho, cho biết: “Đúng là xe ngựa không được phép lưu thông trên đường giao thông công cộng, nhưng do Thới Sơn từ lâu là cù lao du lịch sông nước nổi tiếng, vì mục đích phát triển, thu hút khách du lịch nên các cơ quan hữu trách của tỉnh và TP.Mỹ Tho mới cho phép loại hình này hoạt động.

Tôi nghĩ, sắp tới các doanh nghiệp có dịch vụ xe ngựa chở khách du lịch ở Thới Sơn cần phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho người đi đường khi khai thác dịch vụ này”.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Bất an với dịch vụ xe ngựa du lịch