Theo TS Võ Trí Thành, chưa bao giờ nền kinh tế số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… và đem lại cơ hội lớn như hiện nay.
Thương mại điện tử là động lực lớn của kinh tế số
Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%.
Tại tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14.8, PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng hiện nay, kinh tế số có 2 nhóm ngành lĩnh vực chính.
Cụ thể: Kinh tế số ICT liên quan đến thiết bị công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, vĩnh thông, phần cứng và phần mềm nội dung số; Kinh tế số ngành lĩnh vực là toàn bộ hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử.
Theo định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Điều này chứng tỏ vai trò của kinh tế số ngành, lĩnh vực đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế số. Đặc biệt, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành cái động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15 - 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19.
Theo đó, việc đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.
Ông Tuấn dẫn một ví dụ là thời gian qua, cơ quan chức năng triển khai các chương trình đưa các hộ gia đình, hộ kinh doanh nông dân lên sàn khá hiệu quả.
Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng trên các sàn này. Hàng năm có hơn 1,1 triệu các hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử.
“Đó là những định hướng lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy và coi thương mại điện tử là một trong những động lực lớn, quan trọng nhất để phát triển kinh tế số trong thời gian tới”, ông Tuấn nêu.
Tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhìn nhận rằng chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.
Theo ông Thành, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13 - 14% GDP, trong khi mục tiêu là chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.
“Đằng sau là tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước”, ông Thành nói.
TS Thành nhận định thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực".
“Đôi khi chúng ta nhìn thế giới ảo, thế giới số tách rời thế giới thực mà điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho GDP phát triển”, ông Thành nêu.
Đối với việc làm trực tiếp, ông Thành cho rằng, chưa tính đội ngũ shipper, riêng TP.HCM có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của TP.HCM. Do đó, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu gián tiếp thì có lẽ hàng triệu.
Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi có giám sát tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử. Theo ông Thành, riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỉ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỉ đồng và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.
Tuy vậy, ông Thành cũng lưu ý rằng, trong quá trình phát triển này, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp. Đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn. Đây là việc cần phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, xu hướng này cũng liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhưng tổng thể phải nói là thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội, đem lại ý nghĩa rất tích cực.