Một người được coi là người chuyển đổi giới tính và được cấp giấy chứng nhận giới tính phải: Đã sử dụng hormone ít nhất trong thời gian năm năm liên tục, đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính một phần hoặc toàn bộ.

Tiêm hormone 5 năm mới được công nhận chuyển giới?

Pháp Luật | 30/08/2016, 05:43

Một người được coi là người chuyển đổi giới tính và được cấp giấy chứng nhận giới tính phải: Đã sử dụng hormone ít nhất trong thời gian năm năm liên tục, đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính một phần hoặc toàn bộ.

Ngày 29.8, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo định hướng xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Năm 2015, khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), trong đó Điều 37 đã quy định cho phép việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, BLDS không thể giải quyết những vấn đề cụ thể như điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới như thế nào… Do đó, Bộ Y tế được Quốc hội giao chủ trì việc xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính để công việc nhân văn này được thực hiện trên thực tế.

Người chuyển giới = Người đã chuyển đổi giới tính

ThS Đinh Thị Thu Thủy (đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết theo đề cương của Luật Chuyển đổi giới tính, điều kiện để cá nhân được phẫu thuật chuyển đổi giới tính gồm: Đủ 18 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là người chuyển giới và đã được bác sĩ tâm lý xác nhận, đã sử dụng hormone để thay đổi nội tiết theo giới tính mong muốn ít nhất một năm, được cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật chuyển đổi giới tính xác nhận đủ sức khỏe.

Để được coi là người chuyển đổi giới tính và được cấp giấy chứng nhận giới tính, người đó phải đáp ứng các yếu tố: Đã sử dụng hormone ít nhất năm năm liên tục, đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính một phần hoặc toàn bộ.

Không phải ai cũng có tiền để phẫu thuật

Nhiều người chuyển giới được mời đến để góp ý cho đề cương dự án luật nói trên. Nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình về điều kiện được cấp giấy chứng nhận giới tính.

Ca sĩ Lâm Khánh Chi (Lâm Chí Khanh) cho biết bắt đầu từ năm 2005 cô đã ấp ủ ước mơ được chuyển giới. Thời gian đầu cô phải tiêm hormone mấy năm liền để thay đổi cơ thể, làn da. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe cô yếu hơn (giảm 20%-30%). Trung bình một tuần tiêm hai ống thuốc mua từ nước ngoài (giá khoảng 200.000 đồng/ống) để duy trì làn da đẹp.

Tuy nhiên, không phải người có nhu cầu chuyển giới nào cũng có tiền để phẫu thuật chuyển giới như Khánh Chi.

Một người chuyển giới (xin giấu tên) có mặt trong hội thảo nói: “Em đã chuyển giới từ nam sang nữ rồi thì đối với em quy định trên không có vấn đề gì để bàn. Nhưng quy định phải sử dụng hormone ít nhất năm năm liên tục, phải phẫu thuật chuyển giới là rất tội cho những người có nhu cầu chuyển đổi giới tính mà không đủ tiền để thực hiện trên thực tế. Tụi em để tóc dài đi làm đã khó rồi, giờ lại quy định phải có một bộ ngực tương đương 30-40 triệu đồng, tiền đâu mà các bạn làm!”.

Anh Lương Thế Huy, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), lo ngại với những người không có nhiều tiền để theo đuổi các điều kiện trên thì sẽ ảnh hưởng tới việc làm thủ tục giấy tờ để được cấp là người đã chuyển đổi giới tính.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, ThS Đinh Thị Thu Thủy nhấn mạnh đây mới chỉ là dự thảo đề cương Luật Chuyển đổi giới tính: “Chắc chắn đề cương sẽ còn thay đổi, còn có nhiều cuộc họp góp ý khác nữa”.

PGS-TS Vũ Công Giao (khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý Luật Chuyển đổi giới tính phải nêu ra được ai là người được chuyển đổi giới tính; điều kiện về độ tuổi, thể chất, tâm lý. Bên cạnh đó cần quy định việc xác nhận chuyên môn, quy trình thủ tục ra sao…

Theo PGS Giao, khi có Luật Chuyển đổi giới tính, cần sửa đổi, bổ sung các luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, BLHS, BLTTHS, Lao động, Xuất nhập cảnh… để hệ thống pháp luật được đồng bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3%-1% dân số thế giới. Thực tế cho thấy bản thân người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội… Tính đến tháng 9.2015, có 61 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ, trong đó có 10 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines…).

_________________________________

Phẫu thuật từ nữ sang nam có các công đoạn cắt bỏ buồng trứng (nếu không cắt phải dùng thuốc), cắt bỏ âm đạo và để tạo hình dương vật là phức tạp nhất, làm sao để cho người chuyển giới đi tiểu đứng giống như người nam… Đối với trường hợp phẫu thuật từ nam sang nữ thì phải cắt bỏ lõi của dương vật… Phẫu thuật nâng ngực, tạo hình cơ quan sinh dục cần phải có thời gian.

TS-BSNGUYỄN HỒNG HÀ,Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức

NGÂN NGA/Pháp Luật
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm hormone 5 năm mới được công nhận chuyển giới?