Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21.11, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 bế mạc ở Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bữa ăn tối làm việc vào tối 1.12.

Tiệc tối của lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ đạt ‘thỏa thuận đình chiến’ ?

Trần Trí | 21/11/2018, 20:23

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21.11, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 bế mạc ở Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bữa ăn tối làm việc vào tối 1.12.

Đây là một cuộc gặp đáng chú ý, vì kết quả có thể tác động đến tương lai quan hệ Mỹ - Trung và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, vào lúc Mỹ - Trung căng thẳng vì cuộc chiến thương mại và ngày càng phô triển tính đối kháng địa - chính trị.

Hai ông Trump - Tập sẽ đem theo trợ lý nào vào bàn tiệc?

Các nguồn tin của SCMP nói một vấn đề lớn cần được quyết định, là số trợ lý mà hai ông Trump - Tập sẽ đem vào bàn tiệc, theo hướng“một lãnh đạo + hai hoặc 4 hoặc 6 trợ lý”.

Hướng ưu tiên là “một lãnh đạo + 6” ở mỗi bên, nhưng kế hoạch này cũng có thể thay đổi. Nhiệm vụ lớn hơn là chọn thực khách nào, để vai trò của họ có thể tác động đến bữa tiệc, và thậm chí tác động đến kết quảchung cuộc của cuộc gặp mặt đối mặt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung.

Các nguồn tin nói cho đến hôm 19.11, mỗi bên chưa chốt danh sách khách mời. Theo SCMP, nhóm trợ lý có thể ngồi chung bàn tiệc với ông Trump là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo,

Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad và Giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia Peter Navarro.

Theo các nhà phân tích, đối với Tổng thống Mỹ, việc chọn trợ lý ăn tiệc cùng ông là một vấn đề nhạy cảm. Bởivì “phe diều hâu” trong chính phủ của ông thúc đẩy hành động cứng rắn hơn với Bắc Kinh, trong khi một nhóm quan chức khác lại muốn có một giải pháp phi xung đột.

Về phía Trung Quốc, trợ lý ngồi cùng ông Tập có thể là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và ông Đinh Tiết Tường, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo SCMP, các nhà phân tích nói cuộc chiến thương mại có thể buộc sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị giảm mạnh cho đến giữa năm 2019.

Nên Bắc Kinh đã đồng ý cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vào tối 1.12 tại một nhà hàng cấp cao (được giấu tên).Thời điểm và địa điểm diễn ra cuộc gặp là do phía Mỹ đề xuất, một dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể muốn đạt đến một thỏa thuận.

Báo Washington Post hôm 18.11 đưa tin đoàn đàm phán Trung Quốc đã hủy kế hoạch đến Mỹ sau Lễ Tạ ơn (ngày 22.11) và chọn thủ đô Buenos Aires của Argentina làm địa điểm đàm phán. Động thái này có thể tăng cơ hội cho một kết quả tích cực, bằng cách tạo điều kiện cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung nhận thông tin quan trọng kịp thời từ cấp dưới, trước khi hai ông ngồi vào bàn tiệc.

Ngày 20.11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ thăm Đức từ ngày 25 đến 28.11, càng xác nhận thông tin vị trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ không đến Mỹ nói chuyện.

Cùng ngày, Cố vấn Kinh tế trưởng Nhà Trắng,ông Larry Kudlow nói cuộc đàm phán Mỹ - Trung sẽ “diễn ra trước hội nghị G-20”. Ông cũng nói với hãng tin Fox Business Newsrằng Tổng thống Mỹ “tin tưởng trung Quốc sẽ muốn có một thỏa thuận” và đã có những “liên lạc chi tiết ở từng cấp độ chính phủ”.

Liệu có thể hy vọng sẽ đạt đến một thỏa thuận “ngưng bắn” ?

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vào lúc hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới gia tăng bất đồng về các vấn đề thương mại, an ninh, cho đến các vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Sự căng thẳng này làm rúng động các thị trường quốc tế, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế thế giới, và xuất hiện nguy cơ bùng nổ một thời đại chiến tranh lạnh mới.

Cuộc khẩu chiến giữa ông Tập với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ở Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2018) tuần quađã phản ánh Mỹ - Trung đều quyết tâm giành ưu thế trước cuộc gặp ở Buenos Aires.

Các nhà phân tích nói trong bối cảnh đó, Mỹ - Trung đều hy vọng đạt được những thắng lợi từ bàn tiệc của hai ông Trump - Tập, bao gồm khả năng “ngưng bắn” trong cuộc chiến thương mại.

Ông Matthew Goodman, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, ở Mỹ) dự đoán sẽ có một dạng “ngưng bắn”, chủ yếu vì hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đều muốn dừng cuộc chiến thương mại.

Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc khoa quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Khó thể dự đoán kết quả thật sự từ cuộc gặp thượng đỉnh Tập - Trump. Niềm hy vọng tốt nhất là Mỹ - Trung sẽ đồng ý một thỏa thuận “đình chiến” cho cuộc chiến thương mại”.

Các nhà phân tích khi xem xét các sự kiện gần đây, cũng dự đoán khả năng đạt được một thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến thương mại.

Ông Lưu Vệ Đông, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Mỹ - Trung tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói kết quả cuộc gặp thượng đỉnh sẽ không chắc chắn cho đến tận phút cuối cùng, vì khả năng hai nhà lãnh đạo đạt đến những thỏa thuận lại là một câu hỏi để ngỏ.

Ông Lưu khẳng định: “Chuyện đấu đá giữa Bắc Kinh - Washington sẽ tiếp tục, khi một bên cố gắng tranh thủ tối đa món lợi, và một bên cố gắng hạn chế tổn thất.

Bích Ngọc (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiệc tối của lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ đạt ‘thỏa thuận đình chiến’ ?