Ông Trần Thành là người Việt gốc Hoa, từng là Bang trưởng Triều Châu rất có thế lực trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn. Ông được ví như ông vua không ngai trong giới kinh doanh của Sài Gòn ngày xưa.

Tỉ phú Trần Thành không qua khỏi ải mỹ nhân

Một Thế Giới | 03/10/2014, 10:20

Ông Trần Thành là người Việt gốc Hoa, từng là Bang trưởng Triều Châu rất có thế lực trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn. Ông được ví như ông vua không ngai trong giới kinh doanh của Sài Gòn ngày xưa.

Nhưng cuối cùng đã bị một mỹ nhân người Đài Loan sang Việt Nam biểu diễn hớp hồn, đó là diễn viên nổi tiếng Thang Lan Hoa. Cú hớp hồn này khiến tỉ phú Trần Thành bị choáng và lao vào người đẹp như con thiêu thân tự đốt cháy mình trong quầng sáng oan nghiệt, để cuối cùng chỉ còn lại hai bàn tay trắng.
Thuở cơ hàn kiếm cơm từng bữa

Trần Thành sinh ra trong một gia đình người Hoa gốc Triều Châu. Trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, đất nước Trung Hoa cũng như các nước vùng Đông Nam Á rơi vào cảnh loạn lạc, làn sóng di cư của người Trung Hoa nghèo khó từ một đất nước đông dân nhất thế giới trong thời điểm này đổ sang các nước láng giềng không chỉ vì chiến tranh, chạy trốn bom đạn mà còn vì lý do kinh tế. Gia đình cậu bé Trần Thành cũng như nhiều gia đình người Trung Hoa khác đã chạy sang Việt Nam lánh nạn, vừa hy vọng ở vùng đất mới họ sẽ đổi đời, có cuộc sống  bình yên hơn là rơi vào thảm họa ở Trung Hoa lục địa với nạn đói và cuộc nội chiến dai dẳng không biết bao giờ chấm dứt.
Gia đình Trần Thành đặt chân đến vùng đất Chợ Lớn với thân phận của một người Trung Hoa tha hương cầu thực. Và cậu bé Trần Thành lớn lên trong nghèo khó, thất học phải bươn chải kiếm sống trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn và xã hội miền Nam đang còn nhiều khó khăn, phức tạp. Khi đã ở tuổi thanh niên, Trần Thành cũng cần một công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Do không có học vấn, lại chẳng nghề nghiệp nên Trần Thành chỉ hy vọng vào sức khỏe của một chàng thanh niên tuổi đôi mươi để… bán sức lao động kiếm cơm độ nhật. Nhưng đi tới đâu, các hãng xưởng của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn cũng không tiếp nhận vì sức lao động, làm việc chân tay thì ai cũng có mà nghề nghiệp chuyên môn đang cần thì lại thiếu người.
Giữa lúc chàng thanh niên Trần Thành chán nản định bỏ cuộc thì may sao khi gõ cửa nhà của ông chủ họ Trịnh, một phú hào lúc bấy giờ, đồng thời là chủ một cơ sở sản xuất dầu thực vật ở dạng bán thủ công thì Trần Thành được nhận vào làm việc với chân cọ rửa thùng đựng dầu ăn.
Do làm việc ở dạng lao động phổ thông không phải là thợ, cũng chẳng phải chức thầy nên Trần Thành chỉ được chủ trả một khoản lương tháng ít ỏi dù làm việc rất cực nhọc, nặng nề trong môi trường ẩm thấp, nặng mùi dầu lưu niên và bầu không khí ô nhiễm.
Cơ sở ép dầu của ông chủ họ Trịnh chủ yếu là thu mua nguyên liệu hạt đậu phộng, đậu nành về đưa vô máy ép rồi chế biến thành dầu ăn bán ra thị trường. Chỉ có mỗi công đoạn ép là dùng máy nổ, còn các khâu khác làm bằng sức lao động nên Trần Thành mặc sức cọ rửa, lau chùi các thùng đựng dầu.
Trần Thành làm việc cật lực, không chê đồng lương bèo bọt, chẳng ngại khó khăn. Ngoài công việc được giao, Trần Thành còn phụ giúp những đồng nghiệp khác trong xưởng ép dầu không nề hà giờ giấc. Không những thế, chàng trai trẻ này còn vui vẻ quét dọn nhà xưởng, thu gom nguyên liệu rơi vãi, tiết kiệm tối đa việc hao hụt sản phẩm cho nhà chủ.
Thấy chàng thanh niên cần mẫn, trung thành, ham làm, chí tình ông chủ cơ sở ép dầu thực vật chú ý, tin tưởng giao luôn khâu vệ sinh nhà xưởng, quản lý vật tư nguyên liệu cho Trần Thành phụ trách.
Cột mốc quan trọng

Chẳng bao lâu sau với sự yêu mến và tin tưởng ngày càng tăng, Trần Thành được ông chủ họ Trịnh giao cho phụ trách khâu thu mua nguyên liệu, giã từ “dĩ vãng” của anh lao công cọ rửa thùng dầu, quét dọn vệ sinh nhà xưởng. Thế là Trần Thành được thay mặt ông chủ Trịnh đi khắp các nơi, quan hệ với những nông dân xưa nay vẫn làm ăn với ông chủ Trịnh để bán sản phẩm.
Để tạo mối quan hệ lâu dài, Trần Thành khôn khéo tính toán không để nông dân bị thiệt mà ông chủ cũng hài lòng trong việc ngã giá mua bán nguyên liệu tùy theo biến đổi của thị trường. Tuyệt nhiên, Trần Thành không vì lợi ích cá nhân của mình, đâu đó các khoản thanh toán đều được ghi chép sổ sách đối chiếu rõ ràng.
Trần Thành luôn giữ uy tín của người đại diện, không bao giờ trễ hẹn với nông dân trong việc thanh toán tiền bạc nên nông dân rất hài lòng về sự sòng phẳng này và dồn hết sản phẩm để bán cho chàng trai biết giữ uy tín trong làm ăn. Do đó dù mùa vụ nào, sản phẩm khi dồi dào, lúc khan hiếm, Trần Thành vẫn bảo đảm cho cơ sở của ông chủ Trịnh không bao giờ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Đến giai đoạn này thì Trần Thành đã hoàn toàn chiếm được sự tin tưởng của ông chủ Trịnh, thấy chàng trai mà ông giao phó công việc thu mua nguyên liệu làm còn “siêu” hơn mình nên ông chủ Trịnh quyết định giao luôn khâu thu mua sản phẩm của cơ sở chế biến dầu ăn cho Trần Thành. Công việc được chủ động hơn nên Trần Thành mở rộng địa bàn ra khắp miền Nam và cả Campuchia, hiệu quả nhờ thế cũng đạt cao hơn.
Ông chủ Trịnh thêm phấn khởi nên trích hoa hồng tưởng thưởng hậu hĩ cho người đã góp công sức làm cho cơ sở sản xuất của mình phát triển không ngừng. Rồi chuyện phải tới đương nhiên sẽ tới khi ông chủ Trịnh quyết định cho Trần Thành làm nhà cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến của ông ta, cũng có nghĩa là Trần Thành tách ra để kinh doanh độc lập không còn là nhân viên của xưởng, bị lê thuộc vào ông chủ cũ nữa mà nghiễm nhiên trở thành một nhà cung cấp.
Và chàng trai có khiếu bẩm sinh trong kinh doanh, giao dịch trên thương trường này đã tới tuổi lập gia đình, Trần Thành cưới vợ, lận lưng được một số vốn để làm ăn trong vai trò một nhà cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dầu ăn trên thị trường Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ông chủ Trịnh thấy Trần Thành có chí, kinh doanh giỏi nên hết lòng giúp đỡ, cho Trần Thành vay một số vốn lớn để rộng cửa phát triển, xây dựng cơ nghiệp. Và thế là từ một chàng trai nghèo khó, chỉ mong kiếm cơm độ nhật với chân cọ rửa thùng dầu ở một cơ sở chế biến dầu thực vật khu vực Chợ Lớn, Trần Thành đã trở thành một ông chủ thu mua nguyên liệu cung cấp cho tất cả các cơ sở sản xuất dầu ăn trên thị trường.
Tạo nên thương hiệu Việt nổi tiếng
  

Khi đã trở thành nhà cung cấp, Trần Thành càng nâng cao uy tín trên thương trường và mở rộng tầm ảnh hưởng để chuẩn bị phát triển ngành nghề kinh doanh. Chỉ trong thời gian ngắn ông chủ họ Trần đã thâu tóm tất cả nguồn nguyên liệu vào tay mình và cung cấp độc quyền cho các cơ sở sản xuất.
Sự nghiệp đã vững chắc, ông Trần Thành trả hết vốn vay cho chủ cũ, giải quyết sòng phẳng mọi ơn nghĩa và quyết định đi Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… để tham quan, học hỏi ngành nghề để làm ăn và tìm hiểu thị trường.
Trở về, ông chủ họ Trần quyết định nhập dây chuyển sản xuất bột ngọt, thứ gia vị mà thị trường nào cũng rất cần, trước mắt là cung cấp cho thị trường trong nước vì miền Nam lúc đó còn phải sử dụng bột ngọt của Nhật Bản và Đài Loan nhưng với số lượng hạn chế.
Thế là bột ngọt mang thương hiệu Việt Vị hương tố ra đời vào năm 1960 với máy móc thiết bị nhập từ Nhật Bản. Ngay khi mới ra đời và có mặt trên thị trường, bột ngọt Vị hương tố đã ngang tài ngang sức với bột ngọt ngoại nhập và chỉ trong thời gian ngắn đã chiếm đến 80% thị phần nhờ chất lượng ngang hàng và giá rẻ.
Nhà máy sản xuất bột ngọt Vị hương tố của ông Trần Thành từ ngày đi vào hoạt động đã chạy hết công xuất nhưng vẫn không đáp ứng được thị trường trong nước. Do các bà nội trợ đã “mê tín” thương hiệu này và chính vì thế nên bột ngọt Vị hương tố của Việt Nam đã đánh bạt được bột ngọt của Nhật Bản, Đài Loan.
Chỉ khi nào các bà nội trợ không mua được Vị hương tố mới mua Ajinomoto của Nhật Bản hay Vedan của Đài Loan. Thành công vang dội với thương hiệu bột ngọt, ông chủ Trần Thành liền phát triển sang mặt hàng mì ăn liền với nhãn hàng Vị Hương, mì ăn liền Vị Hương cũng nhanh chóng trở thành thương hiệu uy tín ở miền Nam. Ông chủ Trần Thành lại sản xuất thêm mặt hàng mì chay, nước tương, tàu vị yểu… và mặt hàng nào cũng thành công.
Thập niên 1960 trở về sau là thời kỳ vàng son của ông Trần Thành. Với lợi nhuận khổng lồ thu về, bằng cái nhìn xa của một nhà kinh doanh, ông chủ Trần Thành không dừng lại với ngành công nghiệp thực phẩm chế biến mà còn đầu tư ở nhiều lãnh vực kinh doanh khác như: Ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện và cả trường học.
Nhờ có số vốn khổng lồ, đầu óc kinh doanh thực tế, nắm bắt được biến chuyển của thị trường và cả thị hiếu người tiêu dùng trong mỗi giai đoạn nên đại gia Trần Thành kinh doanh ở lãnh vực nào cũng thắng lợi.
Sau khi chiếm lĩnh thị trường trong nước một cách vững chắc, đại gia Trần Thành liền nhắm sang thị trường nước ngoài. Ông tung vốn đầu tư vào bất động sản, nhà hàng, khách sạn ở Singapore, Đài Loan, Hồng Kông. Người ta không biết rõ tài sản của ông Trần Thành thực tế là bao nhiêu, nhưng so với số vốn đầu tư ở nước ngoài có thể đoán còn nhiều gấp bội lần vốn trong nước.
Thất bại rồi đứng lên bằng uy tín
Do xuất thân từ nghèo khó, từng đi cọ rửa thùng dầu và dọn vệ sinh nên khi trở thành ông chủ giàu có Trần Thành luôn cảm thông với cuộc sống của công nhân dưới quyền. Trong nhà máy của ông, công nhân có thể gặp Giám đốc bất cứ lúc nào để đề đạt nguyện vọng hoặc nhờ giúp đỡ lúc khốn khó.
Ông chủ Trần Thành luôn mở rộng cửa phòng Giám đốc để tiếp công nhân của mình và tùy theo hoàn cảnh, ông sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình. Người ta nói rằng ngay trong chuyện quan hôn, tang tế thì ông chủ Trần thành luôn quan tâm tới chữ “tang”, gia đình công nhân có người thân qua đời sẽ được ông chủ tặng cho chiếc quan tài và một tháng lương để lo hậu sự cho người quá cố.
Chính vì cách đối nhân xử thế, có trước, có sau nên ông chủ Trần Thành có được một đội ngũ công nhân không chỉ lành nghề mà còn rất trung thành, sống và làm việc chí tình, chính nghĩa với ông chủ. Nhờ uy thế, chữ tín và giàu có, năm 40 tuổi ông Trần Thành không chỉ là đại gia, tỉ phú của những tỷ phú mà còn được cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu bầu làm Bang trưởng Triều Châu. Với uy thế của ông chủ Trần Thành, không chỉ có tầm ảnh hưởng kinh tế, xã hội trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn mà còn được cả giới chức chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ nể trọng.
Nhiều lần chia sẻ với người quen, bạn bè thân thiết, hoặc với nhà báo phỏng vấn mình về bí quyết thành công trong kinh doanh và uy tín trên thương trường, ông chủ Trần Thành không ngần ngại khẳng định chẳng có gì bí ẩn, cao siêu và đây cũng là điều mà từ ngàn xưa mọi người đã biết, vấn đề là thực hiện nó như thế mà thôi.
Đó là “chữ tín, lòng trung thực và sự kiên trì”. Ông Trần Thành còn vui vẻ ví von rằng: trong làm ăn anh mà không giữ chữ tín và sự trung thực thì suốt đời chỉ là “tả cống chảy” tức chỉ là cái anh làm công ăn lương chủ, chẳng có thân phận gì, chẳng bao giờ có thể trở thành “tài xì thẩu” tức ông chủ lớn được. Phương châm của ông Trần Thành trong kinh doanh và trên thương trường nghiệt ngã là: của cải có thể mất đi nhưng mình kiếm lại được, uy tín không còn thì chỉ hai bàn tay trắng.
Và ông Trần Thành đã đưa ra một ví dụ điển hình ngay… chính bản thân ông trong thời kỳ đầu mới xây dựng cơ nghiệp. Đó là một lần ông đã gom hết vốn liếng tích cóp quyết đánh một chuyến hàng lớn từ Campuchia về. Không may, lần đó hàng không về tới bến mà bị thất lạc, coi như trắng tay, không chỉ phá sản mà nợ nần tứ phía khiến ông nghĩ mình không thể gầy dựng lại cơ nghiệp.
Nhưng sau một thời gian đủ nguôi ngoai, ông Trần Thành thăm dò trong giới kinh doanh thử xem thái độ của họ đối với ông như thế nào. Hóa ra uy tín của ông vẫn còn, giới kinh doanh hoàn toàn chia sẻ với thất bại của ông vừa qua và đó là chuyện bình thường trong làm ăn. Thế là, ông Trần Thành yên tâm, quyết chí gầy dựng lại cơ nghiệp bằng cách vay mượn vốn để kinh doanh, lần này ông thận trọng hơn và chỉ sau một thời gian ngắn ông Trần Thành lại phất lên, nợ nần trả dứt, ơn nghĩa đâu đó sòng phẳng và ông trở lại thân phận một đại gia uy thế như ngày nào.
Cuộc gặp gỡ số phận
Hơn nửa đời người, tỷ phú Trần Thành chỉ lo chí thú làm ăn, gầy dựng cơ nghiệp. Ông chủ Trần Thành chỉ biết tính toán, đầu óc lúc nào cũng là những kế hoạch làm ăn không có chỗ cho những suy nghĩ viễn vông, yêu đương phù phiếm. Ông còn cao giọng nói về triết lý sống của mình đã là một nhà kinh doanh thì không cờ bạc, rượu chè, trai gái. Nhất là vướng vào gái gú thì dễ tiêu tan sự nghiệp. Đối với ông chủ Trần Thành triết lý này rút lại thành một cụm từ rất gọn, đầy hình ảnh: Kinh doanh cũng giống như… đi tu.
Và ông chủ Trần Thành từ khi khởi nghiệp là một nhà thu mua… nguyên liệu hạt các loại để cung cấp cho thị trường đã áp dụng triệt để triết lý này. Không bao giờ ông chủ Trần Thành sa đà vào chỗ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè và nhất là trai gái lăng nhăng như nhiều đại gia thời xưa lẫn thời nay.
Thế nhưng… có thể người ta chỉ giữ được mình khi không có cơ hội để sa ngã và triết lý “kinh doanh cũng như đi tu” của đại gia Trần Thành cũng chỉ áp dụng được khi ông ta chưa có cuộc hội ngộ với mỹ nhân có sắc đẹp hớp hồn đàn ông ở lần gặp đầu tiên, cái liếc mắt đưa tình tạo thành cú sét ái tình, và nụ cười làm tan chảy những trái tim tưởng đã hóa thành sắt đá. Tỉ phú Trần Thành “Kinh doanh cũng giống như đi tu” cũng thế. Và cơ hội để trái tim sắt đá của ông Bang trưởng Triều Châu Chợ Lớn phải tan chảy thành nước với mỹ nhân Đài Loan Thang Lan Hoa đã tới.
Đó là một lần, nhận lời mời của các bang trưởng cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, diễn viên sắc nước hương trời Thang Lan Hoa từ Đài Loan sang Việt Nam giúp vui văn nghệ cho giới tài phiệt Chợ Lớn. Trong buổi giúp vui văn nghệ này tất nhiên không thể thiếu mặt tỷ phú Trần Thành, ông Bang trưởng bang Triều Châu trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn.
Ngay từ khi chạm mặt mỹ nhân, tỷ phú Trần Thành đã bị hớp hồn bởi sắc đẹp của cô diễn viên tài sắc xứ Đài, trái tim thấm nhuần triết lý sống “kinh doanh cũng như đi tu” của ông chủ Trần Thành đã… đập loạn nhịp, không còn tính toán việc làm ăn được nữa mà thay vào đó là sự rạo rực, háo hức muốn chiếm đọat người đẹp.
Sau buổi biểu diễn, nguyện vọng này của Trần Thành được các ông bang trưởng khác sắp xếp. Với đống tiền như núi, uy thế kinh doanh lẫy lừng thì việc tỷ phú Trần Thành gặp mỹ nhân đi ăn chung với mấy ông tài phiệt “chiến hữu” ở những tửu lầu sang trọng vùng Chợ Lớn và rồi lấy cớ để chỉ còn lại không gian cho hai người: ông chủ Trần Thành và mỹ nhân Thang Lan Hoa chỉ là chuyện nhỏ.
Sau đêm hội ngộ này, chẳng biết mỹ nhân Thang Lan Hoa có bí quyết chinh phục nào đã khiến cho ông chủ Trần Thành hồn xiu phách lạc, bao nhiêu năm ép lòng “đi tu” giờ được cơ hội bùng nổ. Tỷ phú Trần Thành say Thang Lan Hoa như điếu đổ và được dịp… xài tiền như nước để đánh đòn phủ đầu người đẹp.
Những khoản tiền kếch sù để mua nhẫn kim cương, đồng hồ Rolex vàng, thời trang hàng hiệu và vô số những món quà tặng đắt tiền trong những dịp sinh nhật, ngày lễ tình nhân… không chỉ trong buổi đầu sơ ngộ ở Chợ Lớn -Sài Gòn mà còn ở tận xứ Đài sau khi mỹ nhân đã hết hợp đồng biểu diễn văn nghệ giúp vui cho những ông “tài xì thẩu” Chợ Lớn.
Từ hôm đó tỷ phú Trần Thành đi Đài Loan để gặp người đẹp Thang Lan Hoa như đi chợ và công việc kinh doanh xuống dốc dần cũng đồng nghĩa với cả núi tiền hao mòn dần trong cuộc tao ngộ “ngàn vàng mua một trận cười”.
Trở thành kẻ ăn chơi "khó đỡ"
Phàm ở đời, bất cứ cuộc tình nào xây dựng trên cơ sở đồng tiền đánh gục trái tim cũng đều nhanh chóng tan vỡ khi người ta đã thỏa mãn từ hai phía. Tỷ phú Trần Thành và mỹ nhân Thang Lan Hoa cũng thế, họ chia tay nhau theo đúng quy luật cung cầu này và chẳng ai đau khổ hay buồn phiền mà chỉ có sự mất mát trong cuộc đánh đổi vật chất giữa người mua và kẻ bán.
Chuyện tình của đại gia Vị hương tố với diễn viên Thang Lan Hoa từng làm dư luận bị choáng, đặc biệt trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn kết thúc nhưng không có nghĩa cuộc phiêu lưu ái tình của tỷ phú Trần Thành kết thúc.
Giã biệt mỹ nhân xứ Đài, Trần Thành lại tìm đến với người đẹp Singapore thông qua một ông thầy bói người Sing. Trần Thành vốn mê tín, mà vị “bốc sư” này được người dân đảo quốc sùng bái tôn lên hàng “tiên” thì “ông tiên” này phán thế nào ông chủ Trần Thành cũng nghe.
Chính qua trung gian của “ông tiên” này tỷ phú Trần Thành đã gặp gỡ và sống với một phụ nữ Sing rồi có con với bà ta, một đứa con gái. Nhưng đó là câu chuyện ở đảo quốc, còn ở Sài Gòn, tỉ phú Trần Thành đã trở thành đại gia ăn chơi nức tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn và trong những lần tới ăn chơi ở vũ trường Maxim, Trần lão gia đã “lụy” vào vòng tay của một cô vũ nữ trẻ đẹp và về sau cô vũ nữ này trở thành “người tình” già nhân ngãi, non vợ chồng với đại gia Trần Thành.
Sau năm 1975, tỉ phú Trần Thành có thời gian “nằm ấp” ở trại giam Chí Hòa trong đợt đánh tư sản mại bản. Nhiều bạn tù của ông thời đó kể lại rằng Trần Thành do có quá trình kinh doanh nên được quản giáo giao cho công việc… chăm đàn heo của trại giam. Khi được trả tự do, không lâu sau đó cựu tỷ phú Trần Thành, ông chủ Vị hương tố đã đi định cư nước ngoài.
Ngôi nhà ở số 118-120 đường Hải Thượng Lãn Ông (nay thuộc Q.5, TP.HCM) là nơi tỉ phú Trần Thành khởi nghiệp, sau năm 1975 là trụ sở của nhà máy bột ngọt Thiên Hương mà sau này có thời gian đổi tên là Nhà máy thực phẩm Thiên Hương.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỉ phú Trần Thành không qua khỏi ải mỹ nhân