Ngày 30.8, ông Trump viết trên Twitter, tuyên bố Mỹ đã bị Triều Tiên “tống tiền suốt 25 năm nên sẽ không có chuyện Washington đối thoại với Bình Nhưỡng”. Vài giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định “sẽ không bao giờ” có chuyện Mỹ từ bỏ việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
Việc đưa ra những hình ảnh để đe dọa nhau diễn ra sau khi Triều Tiên phóng quả tên lửa tầm trung bay ngang Nhật Bản rồi rớt xuống biển ngày 29.8. Hàn Quốc đã đưa ra lời cảnh báo cùng video quay cảnh phóng tên lửa và chiến đấu cơ tập ném bom các mục tiêu.
Theo đó, Hàn Quốc công bố hình ảnh một vụ phóng thử tên lửa và nói rằng vụ phóng được tiến hành tuần trước, hình ảnh cho thấy 2 tên lửa được phóng. Seoul tuyên bố đây là một phần trong chiến dịch tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Cùng ngày 29.8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh cho quân đội “chứng minh khả năng trả đũa mạnh mẽ chống lại Triều Tiên”. Sau đó, chính phủ Hàn Quốc công bố ảnh chụp 4 chiến đấu cơ F-15 thả bom vào một mục tiêu. Không quân nước này gọi đó là cuộc tập “tiêu diệt lãnh đạo địch” nếu xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Sau vụ phóng tên lửa Hwasong-12 bay qua Nhật Bản rồi rơi xuống Thái Bình Dương cách bãi phóng 2.700 km, Triều Tiên mở đợt tuyên truyền bằng hình ảnh, bao gồm ảnh vụ phóng và ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hãng thông tấn KCNA công bố ảnh ông Kim Kong-un tươi cười, vây quanh là các sĩ quan quân đội cấp cao. Ảnh được cho là chụp tại bãi phóng, một dấu hiệu cho thấy vị lãnh đạo đích thân tham gia vào cuộc phóng tên lửa.
Báo New York Times bình luận: Nụ cười của ông Kim không cho thấy rõ ràng niềm vui của ông với lần "phô trương sức mạnh" mới nhất, theo cách nói của KCNA. Nhưng KCNA khẳng định “Lãnh đạo tối cao bày tỏ sự hài lòng từ cuộc phóng thành công, trong kế hoạch lớn khống chế Guam”, đảo thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương.
Triều Tiên vẫn dùng hình ảnh để phô trương sức mạnh và thông tin sự phát triển của chương trình hạt nhân. Các hình ảnh này đã giúp các chuyên gia biết Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để tấn công nước Mỹ hay không.
Mỹ cũng tham gia "đánh" Triều Tiên bằng hình ảnh hôm 30.8: Mỹ công bố đã phóng tên lửa điều khiển từ khu trục hạm Paul Jones, bắn hạ một tên lửa đạn đạo tầm trung trong một vụ phóng thử ở vùng biển Hawaii. Mỹ vẫn thường thử hệ thống phòng thủ tên lửa và đó là lần thứ hai phóng thử tên lửa Standard Missile-6 để chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung.
Vì sao ông Trump khẳng định không nói chuyện với Bình Nhưỡng?
Vấn đề là xem ra chuyện “sếp nói sếp nghe, lính nói lính nghe” vẫn diễn ra trong chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngày 30.8, ông Trump viết trên Twitter, tuyên bố Mỹ đã bị Triều Tiên “tống tiền suốt 25 năm nên sẽ không có chuyện Washington đối thoại với Bình Nhưỡng”. Vài giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định “sẽ không bao giờ” có chuyện Mỹ từ bỏ việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
Các chuyên gia về Triều Tiên khẳng định: Mỹ đã thôi viện trợ cho Triều Tiên từ năm 2008, không đối thoại từ đầu năm 2012.
Vài người nói ông Trump viết Twitter sau khi thấy bình luận của cựu chỉ huy tình báo Mỹ James Clapper: Mỹ “chỉ có vài giải pháp” để đối phó với Triều Tiên vốn đã chứng minh khả năng có được đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ông Clapper đã nói với CNN: “Có thể chúng ta phải xem xét về vài sự nhượng bộ”.
Vài ngày trước đó, ông Trump bực tức phản đối ông Clapper vì ông công khai thắc mắc ông Trump liệu có đủ sức khỏe tâm thần để làm tổng thống.
Những tuyên bố “chỏi nhau” đã trở thành chuẩn mực của chính phủ Mỹ. Nhưng không rõ Bình Nhưỡng và các đồng minh khu vực của Mỹ sẽ hiểu thế nào.
Xem ra đoạn Twitter của ông Trump bày tỏ sự thất vọng vì lời dọa “trút lửa thịnh nộ” xuống Triều Tiên hồi đầu tháng 8 vẫn không cản được Triều Tiên phóng thử tên lửa. Gần đây, ông Trump tuyên bố như chữa thẹn: “Kim Jong-un đang bắt đầu tôn trọng chúng ta”.
Ngày 30.8, lãnh đạo Triều Tiên nói rằng sẽ còn phóng nhiều tên lửa đạn đạo nữa. Vụ phóng quả tên lửa ngang qua Nhật là “khúc dạo đầu ý nghĩa” của kế hoạch phóng nhiều tên lửa xuống quanh đảo Guam.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và cùng ngày 30.8, các quan chức quân sự cấp cao Mỹ - Nhật - Hàn đã báo cáo về những tiến bộ kỹ thuật của Triều Tiên tại Hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc ở Geneve (Thụy Sĩ).
Tại đây, đặc sứ Mỹ Robert Wood nói: “Thời tranh luận đã qua từ lâu. Những nguy hiểm có thực và đã đến lúc phải hành động phối hợp để gây áp lực, buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân”.
Triều Tiên có thể sẽ lại thử hạt nhân, để "vừa đánh vừa xoa"
Các nhà phân tích nói vụ Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản không đồng nghĩa với việc hết khả năng diễn ra đối thoại Mỹ - Triều.
Bà Kelsey Davenport, giám đốc nhánh không phổ biến vũ khí hạt nhân của tổ chức kiểm soát vũ khí Arms Control Association, nói Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục khiêu khích, như thực hiện kế hoạch phóng tên lửa xuống biển quanh đảo Guam.
Bà nói: “Thời điểm có thể mang tính quan trọng, Mỹ - Hàn đang tập trận trung, Nhật đơn phương trừng phạt và Bình Nhưỡng luôn đáp lại các khiêu khích bằng những khiêu khích. Rõ ràng tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump không cản được Bình Nhưỡng, nhưng Triều Tiên cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại. Họ nói không thương lượng về chương trình hạt nhân của họ khi Mỹ vẫn theo đuổi “một chính sách thù địch”. Vì thế, Triều Tiên chưa hề nói không bao giờ đàm phán”.
Bà Suzanne DiMaggio, nghiên cứu cấp cao của tổ chức New America Foundation, nói: “Theo tôi, Triều Tiên đang xem xét lựa chọn cách đối thoại tốt nhất. Tôi nghĩ họ sẽ muốn đàm phán khi họ cảm thấy bước vào bàn đàm phán ở một vị thế mạnh”.
Bà DiMaggio, người từng giúp cho cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ - Triều Tiên ở Na Uy hồi tháng 5, nói thêm: “Tôi nghĩ chúng ta nên chờ xem một vụ phóng tên lửa nữa, thậm chí Triều Tiên có thể thử hạt nhân trong vài tháng hoặc vài tuần tới”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)