Hôm 16.12, AstraZeneca cho biết Evusheld, hỗn hợp kháng thể dạng tiêm của họ, có hiệu quả với biến thể Omicron.

Thuốc Evusheld của AstraZeneca có hiệu quả với biến thể Omicron

Sơn Vân | 16/12/2021, 22:16

Hôm 16.12, AstraZeneca cho biết Evusheld, hỗn hợp kháng thể dạng tiêm của họ, có hiệu quả với biến thể Omicron.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Evusheld duy trì hoạt động trung hòa chống lại biến thể Omicron. Qua đó, Evusheld có thể sẽ được sử dụng rộng rãi hơn để phòng chống Omicron.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà điều tra độc lập của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

AstraZeneca nói thêm rằng nhiều phân tích hơn về Evusheld chống lại Omicron đang được tiến hành bởi công ty và các bên thứ ba, với dữ liệu dự kiến có rất sớm.

Hôm 18.11, hãng dược Anh–Thụy Điển cho biết Evusheld sẽ cung cấp khả năng bảo vệ 83% trước COVID-19 trong vòng 6 tháng.

AstraZeneca cũng thông báo, một nghiên cứu riêng biệt ở những bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến trung bình cho thấy liều Evusheld cao hơn giúp giảm 88% nguy cơ phát bệnh tồi tệ hơn khi được sử dụng trong vòng 3 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Evusheld làm giảm một nửa nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở những bệnh nhân không nhập viện đã có các triệu chứng từ 7 ngày trở xuống trong một thử nghiệm giai đoạn muộn, được công bố ngày 11.10.

thuoc-evusheld-cua-astrazeneca-co-hieu-qua-voi-bien-the-omicron.jpg
Evusheld có hiệu quả với biến thể Omicron trong nghiên cứu trong phòng thí nghiệm - Ảnh: AP

Evusheld trước đây đã được chứng minh là mang lại khả năng bảo vệ 77% khỏi bệnh COVID-19 có triệu chứng trong 3 tháng, trong thử nghiệm PROVENT giai đoạn cuối vào tháng 8.

Với thử nghiệm PROVENT của AstraZeneca, gần 5.200 người tham gia không mắc COVID-19 được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, với một người tình nguyện nhận giả dược mà không biết thì có hai người nhận Evusheld.

Những người tham gia có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng nếu nhiễm SARS-CoV-2 hoặc bị suy giảm miễn dịch, nghĩa là họ đang điều trị bệnh ung thư hoặc nhận thuốc do bệnh tự miễn hoặc cấy ghép nội tạng.

Các tình nguyện viên không được tiêm vắc xin COVID-19, dù các nhóm nguy cơ cao đã được ưu tiên trong các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Bất kỳ ai chọn tiêm vắc xin COVID-19 trong thời gian thử nghiệm đều bị loại khỏi phân tích.

AstraZeneca cho biết mũi tiêm Evusheld chủ yếu nhằm giúp những người bị suy giảm miễn dịch và có nguy cơ mắc bệnh nhưng tại một thời điểm nào đó, một nhóm rộng lớn hơn có thể được hưởng lợi, chẳng hạn như quân nhân đi làm nhiệm vụ hoặc hành khách trên tàu du lịch.

AstraZeneca nói rằng khoảng 2% dân số toàn cầu được coi là không đáp ứng đầy đủ với vắc xin COVID-19.

Các tình nguyện viên thử nghiệm được theo dõi trong 15 tháng để cung cấp bằng chứng về sự bảo vệ lâu dài hơn.

Evusheld thuộc danh mục thuốc dựa trên hai kháng thể đơn dòng là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bắt chước khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể, dựa trên hai kháng thể mà cơ thể con người tạo ra để đáp ứng với nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiêm vắc xin.

Evusheld chứa hai kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài là tixagevimab và cilgavimab, lấy từ các bệnh nhân hồi phục sau khi mắc COVID-19.

Sau khi được đưa vào cơ thể, tixagevimab và cilgavimab nhận ra các thành phần đặc trưng của protein gai, tấn công trực tiếp hoặc liên kết với SARS-CoV-2, ngăn vi rút hoạt động và thông báo sự hiện diện của chúng với tế bào miễn dịch sát thủ.

Sau khi tiêu diệt mầm bệnh, kháng thể vẫn còn trong cơ thể người một khoảng thời gian, tạo nên một phần bộ nhớ miễn dịch. Nếu người dùng tiếp xúc với SARS-CoV-2 một lần nữa, chúng tái hoạt động và lại đẩy lùi vi rút.

Ngày 9.12 vừa qua, FDA đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp Evusheld.

Theo Mene Pangalos, Phó chủ tịch điều hành Nghiên cứu và phát triển dược phẩm sinh học tại AstraZeneca, loại hỗn hợp kháng thể này có lợi thế thực sự trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 so với việc sử dụng như phương pháp điều trị, sau khi các thử nghiệm cho thấy nhiều hứa hẹn ở cả hai cơ sở.

Mene Pangalos nói: “Tôi không nghĩ điều trị là nơi chúng ta sẽ cạnh tranh. Thật tốt khi chúng tôi biết thuốc này có thể hoạt động trong môi trường điều trị. Nếu và khi thuốc này được phê duyệt, nó cũng sẽ được sử dụng trong môi trường điều trị. Thế nhưng, dấu hiệu phân biệt thực sự cho kháng thể này sẽ nằm trong môi trường phòng ngừa".

Regeneron Pharmaceuticals xác nhận thuốc điều trị COVID-19 cho ông Trump kém hiệu quả với Omicron

Cũng trong ngày 16.12, hãng Regeneron Pharmaceuticals (Mỹ) cho biết liệu pháp kháng thể COVID-19 của họ ít hiệu quả hơn với biến thể Omicron dù vẫn hoạt động chống lại Delta.

Biến thể Omicron đã xuất hiện ở hơn 80 nước và vùng lãnh thổ kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở phía nam châu Phi cách đây 3 tuần, làm dấy lên lo ngại rằng số lượng lớn các đột biến sẽ giúp nó lây lan nhanh hơn, tránh được sự bảo vệ của vắc xin COVID-19 và liệu pháp điều trị hiện tại.

Đầu tuần này, các nhà nghiên cứu Đức phát hiện ra rằng liệu pháp kháng thể do Eli Lilly & Co và Regeneron Pharmaceuticals phát triển sẽ mất hầu hết hiệu quả khi tiếp xúc với Omicron ở các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Cuối tháng trước, chính Regeneron Pharmaceuticals nói rằng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và mô hình máy tính cho thấy loại thuốc kháng thể của họ, REGEN-COV, sẽ làm giảm hiệu quả chống lại Omicron.

Hãng dược Mỹ nói REGEN-COV dù kém hiệu quả với Omicron nhưng vẫn hoạt động chống lại Delta, hiện là biến thể phổ biến nhất ở Mỹ.

REGEN-COV đã được FDA phê duyệt ở Mỹ để điều trị những người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình và ngăn ngừa lây nhiễm vi rút ở những người tiếp xúc với F0 cùng những người khác có nguy cơ phơi nhiễm vi rút cao trong các môi trường như nhà dưỡng lão hoặc nhà tù.

Regeneron Pharmaceuticals xác định một số kháng thể đơn dòng thế hệ tiếp theo hoạt động chống lại cả hai biến thể Omicron và Delta, dự kiến ​​đưa chúng vào thử nghiệm lâm sàng trong quý 1/2022.

Bài liên quan
Biến thể Omicron tự nhân lên trong đường thở nhanh hơn 70 lần Delta
Omicron nhân lên nhanh hơn trong đường thở, chậm hơn ở phổi. Đó là 1 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý về COVID-19 gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuốc Evusheld của AstraZeneca có hiệu quả với biến thể Omicron