Xét cho cùng, thuế và phí ngoài ý nghĩa chung găm chặt vào đầu nhiều người là tăng ngân sách thì còn một ý nghĩa quan trọng khác là tạo công bằng xã hội.
Vào đêm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo việc cấm nhập khẩu dầu Nga. "Chúng tôi sẽ cấm mọi hoạt động nhập khẩu xăng dầu và năng lượng của Nga. Điều đó đồng nghĩa dầu mỏ Nga sẽ không được tiếp nhận tại các cảng biển của Mỹ".
Mỹ vốn không nhập nhiều năng lượng từ Nga nhưng hành động này mang tính biểu tượng tác động mạnh vào tâm lý vốn rất mong manh của thị trưởng dầu khí thế giới. Không cần nói cũng biết là giá dầu tới đây sẽ có thêm động lực để tăng. Ngay từ lúc nay, trong lúc thị trường phố Wall chìm trong sắc đỏ thì chỉ có cổ phiếu các công ty khai thác dầu là xanh.
Bản thân Tổng thống Mỹ sau khi công bố lệnh cũng dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng lên, cam kết làm mọi cách để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân. Vâng giá dầu tăng sẽ làm ảnh hưởng đến người dân.
Người dân Việt Nam cũng vậy vì xăng dầu chúng ta chịu tác động từ xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, xăng dầu Việt Nam còn chịu cõng thêm một loạt phí và thuế khác. Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện "cõng" các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm hơn 40%; còn dầu 21-27%. Tức là mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng, và dầu là 21-27 đồng.
Giá xăng hiện giờ đến tay người dân đã gần 27.000 đồng/lít và với tình hình thế giới phức tạp như hiện giờ thì giá dầu thế giới sẽ còn tăng nữa. Liệu giá xăng có bị tăng thêm nữa không? E là chúng ta sẽ được chứng kiến điều này sớm thôi. Thậm chí mốc 30.000 đồng/lít cũng không phải là rào cản khó vượt.
Xăng lên sẽ kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo. Và vào ngày đẹp trời nào đó thì giá xăng có thể giảm nhưng hàng hóa đã thiết lập mặt bằng mới e là khó giảm. Thêm gánh nặng cho những người nghèo và mục tiêu phấn đấu kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến cả an sinh xã hội.
Chúng ta thấy đầu năm đến giờ khi giá xăng tăng thì tình trạng công nhân nghỉ việc đòi lương cũng tăng. Trước đây, lương 5 triệu đồng có thể giúp họ cầm cự được nhưng khi mọi thứ xung quanh đều tăng tỷ lệ theo giá xăng thì họ không chịu nữa. Nền kinh tế Việt Nam thu hút nước ngoài nhờ có nhân công giá rẻ. Nhưng với tình hình đòi tăng lương thế này sẽ tạo áp lực phải nâng lương cơ bản. Như vậy thì lợi thế nhân công giá rẻ sẽ đi về đâu?
Làm thế nào để giá xăng đến tay người dân giảm? Một là cầu nguyện cho thế giới mau hòa bình lại để dòng chảy dầu khí êm ả. Cái này khó. Hai là thuế và phí giảm ngay và luôn. Cái này thì nước ta tự chủ động được nhưng chẳng hiểu sao các bộ ngành khá đủng đỉnh trước chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày 19.2, Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề bình ổn giá xăng dầu.
Đến ngày 22.2, Thủ tướng lại có Công điện 160/CĐ-TTg Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Các chuyên gia nói chỉ cần bỏ được thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế GTGT thì mỗi lít xăng sẽ hạ được 5.000 đồng. Nghe thật hồ hởi, khí thế.
Nhưng rồi đầu tháng 3, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu và mỡ nhờn. Cụ thể, cơ quan này đề xuất giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Có thể hiểu Bộ tài chính với trách nhiệm quản lý Tổng cục thuế thì có nỗi lo về việc thất thu thuế. Tuy nhiên, nếu để hoàn thành các chỉ tiêu về thuế mà khiến các chỉ số khác như lạm phát, an sinh xã hội không đảm bảo thì còn đáng lo hơn.
Xét cho cùng, thuế và phí ngoài ý nghĩa chung găm chặt vào đầu nhiều người là tăng ngân sách thì còn một ý nghĩa quan trọng khác là tạo công bằng xã hội. Dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh thuế xăng dầu vốn là thứ cần thiết như điện, nước với người dân thì có vẻ sao sao ấy.
Trong khi đó, việc đánh thuế bất động sản thứ hai vốn là cách để chống đầu cơ, bình ổn giá bất động sản (cũng là công cụ để giảm lạm phát) và san bớt khoảng cách giàu nghèo thì lại chưa được triển khai nhanh như khi áp thuế, phí lên giá xăng dầu.