Cần thiết phải sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới…
Tại sự kiện Industry 4.0 Summit 2023, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số và chuyển đổi số là cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mô hình phát triển.
Theo Bộ trưởng, CMCN lần thứ 4 có đến 50% là các công nghệ số, 50% các công nghệ còn lại là dựa trên công nghệ số để phát triển. Vì vậy, nhiều người coi CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng công nghệ số. Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc và đây chính là lợi thế của Việt Nam để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng một thành tố rất quan trọng của hạ tầng số là cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, từng cá nhân đều có thể sở hữu công nghệ cao để sáng tạo sản phẩm của mình.
Chủ đề của Industry 4.0 Summit năm nay là “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, để đạt được mục tiêu của ngành năng lượng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cần thiết phải sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới…
Tại Hội thảo chuyên đề, theo đại diện của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, điện gió. Cụ thể, theo WB, Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á khi đạt 513 GW, lớn hơn 10 lần tổng công suất ngành điện năm 2020. Tổng tiềm năng kỹ thuật đạt khoảng 377 GW. Tiềm năng điện mặt trời khoảng 963 GW.
Các chuyên gia đánh giá thị trường điện gió ngoài khơi đến năm 2050 của Việt Nam là 70 GW, tương đương với gần 200 tỉ USD. Hầu hết các khu vực ngoài khơi là vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, cơ hội để doanh nghiệp Nhà nước tham gia và giám sát dự án. Là sản phẩm siêu trường, siêu trọng và phải may đo theo từng khu vực nên là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Ngoài ra, nguồn nhân lực về R&D của Việt Nam cũng tương đối dồi dào, nhiều doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm triển khai điện gió trên bờ và gần bờ, sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
Theo đại diện của Viettel, đối với hệ thống lưu trữ năng lượng công suất nhỏ (dưới 5kW), Viettel đã nghiên cứu làm chủ các công nghệ lõi, như biến tính nâng cao dải nhiệt độ làm việc của dung dịch điện ly thô, chế tạo bộ biến đổi hybrid inverter công suất 5 kW, thiết kế, chế tạo vỏ và phụ kiện, điện cực, quản lý năng lượng (BMS, EMS) cho hệ công suất nhỏ.
Viettel cũng là đơn vị có hệ thống phòng Lab nghiên cứu điện hóa hiện đại, đội ngũ kỹ sư chất lượng cao (10 kỹ sư điện hóa), hợp tác với nhiều Trường đại học trong và ngoài nước, như Trường đại học Monash (Úc), NUS (Singapore)…
Với hệ thống lưu trữ năng lượng công suất lớn (trên 100 kW), Viettel đã nghiên cứu làm chủ các công nghệ lõi. Trong đó, về điện cực, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, thiết kế, chế tạo điện cực cơ sở cho hệ thống công suất lớn. Các phương pháp biến tính, nâng cao hiệu suất điện cực; làm chủ công nghệ chế tạo 2 thành phần chính của điện cực (graphite felt và bipolar plate) trong nước. Về Electrolyte, đơn vị làm chủ các phương pháp biến tính nâng cao nhiệt độ, hiệu suất, mật độ công suất…
Đại diện đơn vị cho biết hiện Viettel đã ký hợp đồng với đối tác, đang triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng công suất 100 kW/500 kWh tại tỉnh Đồng Nai.
Đối với hệ thống điện gió, theo đại diện của Viettel, với công suất nhỏ hơn 5 kW, đơn vị đã hoàn thành nghiên cứu, chế thử, đang trang bị thử nghiệm tại một số trạm BTS của Viettel.
Với những phân tích cũng như tiềm năng hiện có, vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất Chính phủ cho phát triển thí điểm điện gió ngoài khơi có sự tham gia của các tập đoàn lớn Nhà nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất thiết bị năng lượng xanh trong nước.
Ngoài ra, phía Tập đoàn cũng đề xuất Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư phải có tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 30% để phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh…