Đặt vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay theo hướng đặt trọng tâm vào khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta đang phải đối diện với thực trạng có quá ít các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế, và phần lớn là quy mô nhỏ.

Thúc đẩy khởi nghiệp, đừng quên doanh nghiệp đang hoạt động

Nhàn Đàm | 09/06/2016, 13:59

Đặt vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay theo hướng đặt trọng tâm vào khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta đang phải đối diện với thực trạng có quá ít các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế, và phần lớn là quy mô nhỏ.

Nếu có một đề án thể hiện cao độ nhất tinh thần cải cách nền kinh tế Việt Nam được chính phủ công bố trong thời gian vừa qua, thì đó hẳn phải là dự án “Quốc gia khởi nghiệp”, trong đó đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 số lượng doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế sẽ tăng gấp đôi, từ mức trên 500.000 DN lên con số 1 triệu DN vào năm 2020. Dự án này chứng tỏ quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh tế ở Việt Nam hiện nay, trong đó đặt nền tảng và động lực tăng trưởng vào khu vực kinh tế tư nhân, coi các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế. Vì thế điều quan trọng nhất cần làm là nhân lên số DNTN càng nhiều càng tốt.

Vấn đề cốt lõi là chúng ta đang có quá ít các DNTN hoạt động trong nền kinh tế, và phần lớn là quy mô nhỏ. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 535.000 DN đang hoạt động trong nền kinh tế, 96% trong số đó là các DN có quy mô vừa và nhỏ. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, con số DNTN cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam để hoạt động ổn định và có được mức tăng trưởng cao là khoảng 3-5 triệu DN, tức là gấp từ 6-10 lần số DN hiện có. Việc có quá ít DNTN đang hoạt động trong nền kinh tế dẫn đến hậu quả là thiếu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp khá cao, thu nhập bình quân đầu người tương đối thấp (2.200 USD/người/năm) và hàng loạt các lĩnh vực chủ chốt đang bị các DN nước ngoài lấn lướt, thâu tóm.

Đó là lý do vì sao đề án “Quốc gia khởi nghiệp” ra đời và được đánh giá rất cao ở thời điểm hiện tại. Nếu như mục tiêu tăng gấp đôi số DNTN hiện có lên mức 1 triệu DN vào năm 2020 trở thành hiện thực, thì đó sẽ là thành tựu rất lớn, không chỉ về mặt hiệu quả kinh tế, mà còn là lời cam kết rõ ràng về cải cách nền kinh tế trên mọi lĩnh vực, vì nếu không cải cách thì mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi số lượng DN hiện có gần như sẽ không thể thực hiện được.

Nhưng, để thực hiện được mục tiêu đặt ra trong đề án “Quốc gia khởi nghiệp”, Việt Nam sẽphải không chỉ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng về số lượng các DN mới thành lập cao hơn nhiều lần tốc độ trung bình hiện tại, mà song song đó còn phải giảm đến mức tối thiểu số DN ngưng hoạt động hoặc giải thể vốn đang ở mức khá cao trong thời gian qua.

Nếu quá chú tâm vào việc làm gia tăng số lượng DN mới thành lập mà xao nhãng việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển các DN đang hoạt động thì có khi lợi bất cập hại. Chuyện tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập DN mới theo mục tiêu mà dự án “Quốc gia khởi nghiệp” đặt ra không hoàn toàn tương đồng với việc đưa ra những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy các DN đang hoạt động. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập của các DN mới thì chỉ cần gỡ bỏ những rào cản và điều kiện kinh doanh trong bước đăng ký kinh doanh của các DN mà thôi; trong khi để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các DN thì lại cần một kế hoạch tổng thể hỗ trợ về nhiều mặt, bao gồm nguồn vốn, chính sách, gỡ bỏ các rào cản pháp lý...

Nhìn lại thực trạng hoạt động và quy mô sản xuất nhỏ yếu của hầu hết các DNTN Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ thấy việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển những DN sẵn có cũng quan trọng không kém việc khuyến khích khởi nghiệp và mở ra các DN mới, thậm chí là còn quan trọng hơn nhiều. Cần hiểu 500.000 DN hiện có đang là một trong những bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước thời điểm hiện tại, trong khi mục tiêu tăng thêm 500.000 DN mới từ nay đến năm 2020 vẫn chỉ là những kế hoạch và mục tiêu đặt ra, nói cách khác là mới chỉ ở trên giấy tờ mà thôi.

Bên cạnh những báo cáo đáng báo động về quy mô nhỏ yếu của hầu hết các DNTN hiện nay, trong đó 96% các DNTN thuộc diện quy mô vừa và nhỏ, thì thống kê mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ đang cho thấy thực trạng của các DNTN Việt Nam hiện nay đang yếu ớt đến mức nào. Đã có khá nhiều báo cáo cảnh báo nguy cơ tụt hậu về công nghệ của các DN Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta nhận ra tình trạng yếu kém đến cùng cực về khoa học công nghệ của các DN nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Không những tụt hậu hẳn so với các nước trong khu vực, mà rất nhiều chỉ số về khoa học công nghệ trong nền kinh tế thì Việt Nam cũng đang thua kém xa so với những nước được coi là kém phát triển hơn, điển hình là Campuchia.

Cụ thể, phần lớn các DNTN Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu khoảng từ 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất nhập từ nước ngoài là thuộc thế hệ 1960-1970, tỷ lệ DN công nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thấp và trung bình tính đến năm 2012 lên tới 88% (chỉ có 12% DN là thuộc diện công nghệ cao). Về các chỉ số khác liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ, Việt Nam thua sút hoàn toàn với các nước trong khu vực và bị bỏ lại quá xa, kể cả so với Campuchia. Cụ thể, mức độ sẵn sàng trong ứng dụng công nghệ của Việt Nam đã tụt xuống vị trí 124/148 (từ vị trí 71/134 năm 2008-2009); thấp hơn nhiều so với Malaysia (37), Philippines (47), Indonesia (60), Campuchia (82). Khả năng tiếp nhận công nghệ của các DN Việt Nam còn tụt thê thảm hơn nhiều, từ hạng 54 năm 2008-2009 xuống 81 bậc và ở vị trí 135, kém xa Malaysia (33), Indonesia (46), Campuchia (82). Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở một loạt các chỉ số xếp hạng khác, điển hình như hiệu quả tiếp nhận công nghệ của các DN Việt Nam từ các DN FDI, hay mức chi phí cho nghiên cứu phát triển.

Những con số thống kê quá ảm đạm trên đang cho thấy một thực tế đáng buồn, đó là các DNTN Việt Nam hiện nay đang thua kém về mọi mặt so với các DNTN nước ngoài, từ quy mô cho đến vốn và công nghệ, không những kém xa so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, mà còn đang thua kém so với cả Campuchia. Sự thua kém về mọi mặt này là nguyên nhân của việc DN Việt Nam bị các DNTN nước ngoài lấn lướt trên mọi lĩnh vực ở thời điểm hiện tại.

Việc tăng gấp đôi số lượng DN từ nay đến năm 2020 là rất quan trọng, nhưng nó sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu các DN hiện có rơi vào cảnh sa sút do năng lực kém và không thể cạnh tranh với DN nước ngoài. Câu thành ngữ “quý hồ tinh bất quý hồ đa” áp dụng vào trường hợp của nền kinh tế Việt Nam hiện tại có lẽ cũng không quá sai lệch.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy khởi nghiệp, đừng quên doanh nghiệp đang hoạt động