Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016 Chính phủ vừa ban hành, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT, đồng thời siết chặt kỉ cương tài chính – ngân sách.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh lạm thu BOT, siết chặt kỉ cương ngân sách

Trí Lâm | 08/08/2016, 14:54

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016 Chính phủ vừa ban hành, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT, đồng thời siết chặt kỉ cương tài chính – ngân sách.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016 vừa ban hành, Chính phủ đã thống nhất, quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao nhất.

Với mục tiêu đó, hàng loạt nhiệm vụ cấp bách đã được Thủ tướng yêu cầu triển khai. Nổi bật là việc kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý việc lạm thu, gian lận phí BOT.

Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2016.

“Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án công trình, giao thông sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được giao trong kế hoạch năm 2016. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT”- Nghị quyết nêu.

Theo thống kê, cả nước hiện nay có 86 trạm thu phí BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, trong đó đã có 45 trạm đang thu phí. Trong số này có 5 trạm BOT đang áp dụng mức thu cao nhất (2 trạm trên Quốc lộ 5, 2 trạm thu phí Quốc lộ 1 tại cầu Bến Thủy, Nghệ An và trạm Cầu Gianh, Quảng Bình). Vấn đề lạm thu phí BOT từ lâu đã khiến dư luận nhức nhối và yêu cầu cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Những vấn đề nổi cộm ở các trạm thu phí BOT chủ yếu là khoảng cách giữa các trạm trên cùng tuyến đường quá gần, không bảo đảm tối thiểu 70 km; thu sai đối tượng, thu trùng lặp; tăng phí vượt quá mức cho phép… Thậm chí, có một số trường hợp còn thu phí ngay cả khi công trình chưa đưa vào sử dụng.

Ngoài việc phí BOT, Chính phủ còn yều cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Do đó, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Cụ thể, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.

Yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững trình Chính phủ trong tháng 9.2016. Chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi.

“Kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đề xuất phương án hoàn thuế nhanh, kịp thời, thuận lợi cho doanh nghiệp, theo hướng cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng trước, kiểm tra sau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2016” – Nghị quyết nêu.

Để triển khai tốt những nhiệm vụ này, Thủ tướng đã yêu cầu từng thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân,tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác, thường xuyên nắm bắt thông tin, chủ động, phối hợp xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh và những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thẳng thắn nhìn nhận, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra qua tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Ngoài ra, cần đánh giá đúng thuận lợi và khó khăn, nhận diện thời cơ và thách thức; không lùi bước trước mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đã đề ra, đổi mới mạnh mẽ, cải tiến lề lối làm việc, hành động bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá. Qua đó tạo chuyển biến và hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước cũng như vai trò chủ động của từng cấp, từng ngành, trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Trí Lâm
Bài liên quan
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh lạm thu BOT, siết chặt kỉ cương ngân sách