Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Thủ tướng yêu cầu 4 bộ đánh giá lại dự án mỏ sắt Thạch Khê

22/12/2017, 07:22

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu việc hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê- Ảnh Vneconomy

Trước đó, tại cuộc họp ngày 29.11, Thủ tướng nhấn mạnh dự án mỏ sắt Thạch Khê là dự án khai thác, chế biến khoáng sản lớn được Bộ Chính trị đồng ý cho Chính phủ giao Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (trong đó Tập đoàn Than khoáng sản – TKV làm nòng cốt) để chủ trì triển khai.

Trong quá trình triển khai thực hiện, do có nhiều nguyên nhân, dự án đã bị chậm tiến độ và khó khăn trong triển khai thực hiện như: năng lực tài chính của chủ đầu tư chưa đảm bảo; vấn đề công nghệ và môi trường còn nhiều lo ngại, đặc biệt trong hoàn cảnh biến đôi khí hậu như hiện nay; hiệu quả kinh tế - xã hội còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh, TKV đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, công nghệ, môi trường và các tác động về xã hội đối với dự án. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa triển khai đúng tiến độ và còn nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề tiếp tục thực hiện hay dừng thực hiện.

Để có cơ sở xem xét, báo cáo Bộ Chính trị quyết định việc dừng hay tiếp tục triển khai thực hiện dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá khách quan, toàn diện lại hiệu quả dự án, trong đó làm rõ các vấn đề công nghệ, kỹ thuật, năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, phương án vận tải, vấn đề thị trường… những vấn đề rủi ro đặt ra, nhất là tổng mức đầu tư lớn và hiệu quả của dự án.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan đánh giá tác động môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn mới nhất về bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Ngoài ra phải xem xét những ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu đến dự án, trong điều kiện thân quặng nằm sâu so với mực nước biển.

Trên cơ sở các báo cáo của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh, Khoa học - Công nghệ, TKV, TIC…) lập báo cáo trình Thủ tướng xem xét trước khi báo cáo Bộ Chính trị.

Báo cáo này phải rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học các vấn đề trên của dự án, lưu ý các vấn đề môi trường, công nghệ, tổng mức đầu tư (kể cả vấn đề bảo vệ môi trường cũ và mới), hiệu quả kinh tế - xã hội… có phân tích sâu các yếu tố nguy cơ cũng như giải pháp xử lý các rủi ro, hệ lụy nếu phải dừng dự án.

Trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu đề xuất thành lập một Hội đồng thẩm định gồm đại diện các bộ nêu trên và các cơ quan liên quan để thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trong quý 1/2018.Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trước đó, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết đặc điểm địa chất, thủy văn của vùng này cũng có nhiều bất lợi cho việc thi công. Đó là tiêu nước hố móng thi công khi mái là cát xen kẹp sét dễ gây sạt trượt vì yêu cầu thoát nước của 2 lớp này khác nhau: cát cần thoát nước nhanh để tăng hệ số ma sát, ngược lại sét lại yêu cầu thoát nước chậm để tránh gây ra áp lực kẽ rỗng. Mạch nước ngầm thông với nước mặn, nước thải từ mỏ có nồng độ kim loại cao sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sạch trong vùng.

Bên cạnh đó, công trình chứa đất đá thải được đổ lên bờ biển, sẽ phải hứng chịu những tác động từ phía biển: sóng do gió, dòng hải lưu và nước dâng do sóng. Dòng hải lưu sẽ đưa những chất thải bị sóng lôi đi, ảnh hưởng tới hàng trăm cây số bờ biển. Sự ô nhiễm bởi nồng độ kim loại sẽ xử lý như thế nào?

“Dòng thủy triều vào các lạch xung quanh thay đổi và mất dần. Môi trường sống cho các loài thủy sinh và con người bị thay đổi. Sự phát triển tự nhiên của bờ biển và dòng thủy triều bị can thiệp, điều kiện tự nhiên của cả vùng biến đổi”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng cho rằng “di sản” mà dự án để lại là một hồ chứa nước khổng lồ với chất lượng nước nhiều độc hại (nước mặn, nước có độ pH thấp, nước có nồng độ kim loại cao, dầu mỡ thi công, chất độc hại từ thuốc nổ…) tạo ra một hồ “chết”. Đây là hậu quả khôn lường cho nguồn nước sinh hoạt của con người, cho vật nuôi, cho cây trồng trong một vùng dân cư rộng lớn. Dung tích hồ chứa gần 3 triệu mét khối, với chiều sâu trên 500m. Nếu bị động đất, bờ hồ đổ sập sẽ gây sóng lớn, quét cả một vùng dân cư.

Trong một báo cáo trước đó, Bộ KH-ĐT cũng cho biết còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án này. Đồng thời dự án cũng không được sự đồng thuận của địa phương do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân...

Thanh Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu 4 bộ đánh giá lại dự án mỏ sắt Thạch Khê