Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hôm 4.1 đã kêu gọi công chúng ở nhà để giúp ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất Thái Lan và tránh bị phong tỏa toàn quốc sau khi các nhà chức trách ghi nhận 745 ca nhiễm mới.
Đây là số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong 1 ngày ở Thái Lan từ trước đến nay.
Chính phủ Thái Lan tuyên bố 28 tỉnh, bao gồm cả Bangkok, là khu vực có nguy cơ cao và yêu cầu mọi người làm việc tại nhà, tránh tụ tập hoặc đi ra ngoài tỉnh của họ, khi số lượng ca bệnh tăng lên sau đợt bùng phát được phát hiện vào tháng trước tại một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, phía tây nam thủ đô.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết chính phủ lưu ý đến thiệt hại kinh tế tiềm ẩn từ các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.
"Chúng tôi không muốn phong tỏa toàn bộ đất nước vì chúng tôi biết vấn đề là gì, vì vậy tất cả các bạn có thể tự đóng cửa không?", ông Prayuth Chan-ocha nói trước các phóng viên.
“Điều này là tùy thuộc vào tất cả mọi người, nếu chúng ta không muốn bị lây nhiễm chỉ cần ở nhà trong 14 đến 15 ngày, nếu bạn nghĩ như vậy thì mọi thứ sẽ an toàn, dễ dàng hơn cho việc sàng lọc”, ông Prayuth Chan-ocha nói thêm.
Có một trường hợp tử vong được xác nhận vào ngày 4.1. Trong số 745 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong ngày 4.1, 541 trường hợp đã được báo cáo vào 3.1 bởi chính quyền tỉnh.
Đến nay Thái Lan đã có 8.439 ca mắc COVID-19 với 65 ca tử vong. Hầu hết ca mắc mới liên quan đến một nhóm công nhân nhập cư ở tỉnh Samut Sakhon và dẫn đến lây lan coronavirus tại hơn một nửa số tỉnh của Thái Lan.
Chính quyền Bangkok đã ra lệnh cho các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố tạm dừng các dịch vụ ăn tối từ 19 giờ tối 4.1 đến 6 giờ sáng từ 5.1 để giảm nguy cơ lây lan coronavirus. Việc mua về và mang đi sẽ được cho phép.
Việc bán rượu trong các nhà hàng bị cấm và các quán bar cũng như các tụ điểm giải trí khác phải đóng cửa ở các tỉnh có nguy cơ cao. Các thống đốc tỉnh đã được trao quyền để đặt ra các hạn chế của riêng mình.
Các trường học và trung tâm giáo dục trên toàn quốc đã bị đóng cửa 1 tháng.
Đợt tăng đột biến ca mắc COVID-19 của Thái Lan gần đây đang gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia) và cuộc sống của người dân.
Để đối phó sự bùng phát COVID-19, nhiều người Thái Lan đang đồng hành cùng việc nâng cao tình trạng khẩn cấp gần đây của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (lần đầu kể từ tháng 3) với nỗ lực hạn chế lây lan coronavirus, bất chấp những bất lợi lớn về kinh tế và các quyền tự do cá nhân.
Bằng chứng về sự bùng phát COVID-19 rõ ràng vào ngày 19.12 và Chính phủ Thái Lan ngay lập tức thực hiện các biện pháp giảm các hoạt động kinh tế, xã hội. Mọi người đã được khuyến khích làm việc tại nhà khi có thể và nhiều lễ kỷ niệm năm mới bị hoãn lại.
Hôm 26.12, Chính phủ Thái Lan đã áp đặt lệnh cấm rõ ràng với các cuộc biểu tình chính trị tiếp theo. Điều này có nghĩa là cả các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và hoàng gia dự kiến sẽ dừng các chiến dịch đã được tiến hành từ tháng 7.
Xếp hạng tín nhiệm của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã tăng vọt theo một cuộc thăm dò và được Viện Quản lý Phát triển Quốc gia công bố hôm 27.12. Hơn 30% số người được hỏi khẳng định ông Prayuth Chan-ocha là người tốt nhất để làm thủ tướng hiện tại. Chỉ 18,6% người được hỏi bày tỏ quan điểm đó trong một cuộc thăm dò tương tự vào tháng 9.
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, tổ chức tư vấn tại Ngân hàng Kasikorn, dự đoán rằng sự bùng phát COVID-19 có thể gây thiệt hại 45 tỉ baht cho nền kinh tế Thái Lan, ngay cả khi không có lệnh phong tỏa toàn quốc.
Kasikorn phân tích, sẽ có 13 tỉ baht thiệt hại cho ngành đánh bắt cá vì một thị trường tôm ở Samut Sakhon được cho là nguồn gốc sự bùng phát COVID-19. Tiêu dùng tổng thể sẽ giảm 15 tỉ baht và 17 tỉ baht khác sẽ bị mất bởi ngành khách sạn khi mọi người hủy bỏ kế hoạch du lịch.